Hà Nội đề nghị công nhận 4 di sản văn hoá phi vật thể mới

(Dân trí) - UBND thành phố Hà Nội vừa có tờ trình gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị công nhận 4 hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể của thành phố.

Bốn hồ sơ được Hà Nội đề nghị đợt này gồm Hát và múa Ải Lao ở làng Hội Xá, phường Phúc Lợi, quận Long Biên; hội đình Lưu Xá ở xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ; nghề thêu phục chế Đông Cứu tại xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín và hội đình Chèm ở phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm.

Trong đó, Hát múa Ải Lao là một nghi thức truyền thống, chỉ diễn ra ở lễ hội Gióng làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội nhưng lại do phường (tương tự một đoàn) Ải Lao thuộc làng Hội Xá, phường Phúc Lợi, quận Long Biên thực hành. Hát múa Ải Lao là nghệ thuật dân gian độc nhất vô nhị, lời hát theo một nhịp điệu đặc biệt mang tính nhân văn cao, mang khát vọng hòa bình của dân tộc.


Hát múa Ải Lao trong họi Gióng, làng Phù Đổng, Gia Lâm. (Ảnh: TL)

Hát múa Ải Lao trong họi Gióng, làng Phù Đổng, Gia Lâm. (Ảnh: TL)

Hội đình Lưu Xá, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) được tổ chức từ ngày 15 đến 17 tháng Giêng hàng năm và gắn liền với hội thi bơi chải. Lễ hội truyền thống có từ xa xưa nhưng do chiến tranh loạn lạc nên bơi chải làng Lưu Xá bị gián đoạn hơn 25 từ năm 1947 đến 1968 . Đến năm 1969 bơi chải mới được dân làng khôi phục lại với tên gọi khác là đua thuyền, nhưng bà con nơi đây vẫn gọi tên là bơi chải. Bơi chải không chỉ mang lại hàm lý sâu xa về văn hóa mà còn đem đến tính nghệ thuật chỉ có ở thôn Lưu Xá, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội.

Nghề thêu làng Đông Cứu nổi tiếng cả nước với sản phẩm thêu các loại trang phục lễ hội truyền thống. Nhiều sản phẩm thêu truyền thống đặc trưng của làng như: nghi môn, câu đối, trướng, tán, lọng, áo lễ… hầu như có mặt ở khắp nơi trong cả nước. Tương truyền, ông tổ nghề thêu Đông Cứu là Tiến sĩ Lê Công Hành (1606 - 1661). Ông đã học được nghề thêu khi đi sứ phương Bắc và đem về dạy cho quê hương mình là làng Quất Động và các làng lân cận, trong đó có Đông Cứu.

Lễ hội đình Chèm là một lễ hội cổ truyền đặc sắc gắn liền với lịch sử của dân tộc, được tổ chức trong 3 ngày, từ 14 đến 16 tháng 5 (âm lịch). Lễ hội có sự tham gia của nhân dân ba làng: Thụy Phương, Hoàng Xá, Hoàng Liên (Liên Mạc).


Nghề thêu làng Đông Cứu nổi tiếng cả nước với sản phẩm thêu các loại trang phục lễ hội truyền thống. (Ảnh: TL)

Nghề thêu làng Đông Cứu nổi tiếng cả nước với sản phẩm thêu các loại trang phục lễ hội truyền thống. (Ảnh: TL)

Các Di sản văn hóa phi vật thể này được đánh giá là những di sản có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của đông đảo người dân. Bởi vậy, các địa phương có các di sản văn hóa phi vật thể được công nhận cần phát huy tính tự quyết, tự chủ của cộng đồng; khuyến khích cộng đồng địa phương tích cực tham dự vào việc chuẩn bị, tổ chức và thực hành di sản, trong đó quan tâm đến sự tham gia của thế hệ trẻ.

Trang bị và nâng cao nhận thức đúng về di sản, để không biến các trò nghi lễ này thành trò diễn mang tính thể thao thuần túy hay một trò vui giải trí đơn thuần trong phần hội khi tổ chức các lễ hội.

Việc đề nghị công nhận 4 hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể của thủ đô vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lần này có ý nghĩa quan trọng, góp phần bảo tồn bền vững và phát huy giá trị văn hóa của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội.

Hà Tùng Long