Hà Lê: “Ca quái” làm mới nhạc Trịnh

(Dân trí) - Với sự ra đời của album “Ở Trọ”, Hà Lê không chỉ ghi danh mình là một ca sĩ hát Trịnh mà còn hơn thế, một nghệ sĩ làm mới nhạc Trịnh.

Hà Lê, một rapper, một nghệ sĩ trẻ 8X được khán giả biết đến với sở trường hiphop. Công chúng quen Hà Lê với hình ảnh một ca sĩ bụi bặm, đầu đội snapback, bên cạnh đồng đội Phúc Bồ tạo nên một cặp đôi (nhóm nhạc PB Nation) đầy cá tính. Nhưng Hà Lê nay khác rồi, anh ăn vận chỉn chu hơn, hát nhạc Trịnh chẳng giống ai trước đây.

Nhận định của giới chuyên môn về Hà Lê

Không phải “cover”, Hà Lê làm mới nhạc Trịnh

Nếu ví âm nhạc Trịnh Công Sơn như một dòng chảy, nó không còn ồn ào, mạnh mẽ như trước đây mà âm ỉ, thâm trầm hơn.

Theo năm tháng, nhạc Trịnh vẫn được tiếp tiếp nối qua nhiều ca khác nhau, từ gạo cội như Khánh Ly đến trẻ trung như Giang Trang, Miu Lê, Hoàng Trang… Tuy nhiên, trước không gian nhạc Trịnh, nhiều nghệ sĩ trẻ tự khoá cửa và khám phá trong “căn phòng” đã được dựng sẵn.

Hà Lê: “Ca quái” làm mới nhạc Trịnh - 1

Hà Lê hát nhạc Trịnh chẳng giống ai trước đây.

Tuy nhiên Hà Lê thì khác. Hà Lê trẻ và mới và hăm hở hơn trong việc remake lại nhạc Trịnh Công Sơn. Hà Lê có niềm tin nhạc Trịnh là một di sản, là một vùng đất đặc biệt, nơi các nghệ sĩ có thể bước vào khám phá và tạo ra thế giới nhạc Trịnh của riêng mình. Đến lượt Hà Lê, anh bước vào với một tâm thế đầy tự do, một thái độ đầy kính trọng nhưng không chọn cách an toàn. Anh làm mới nhạc trịnh.

Album Ở Trọ ra đời trên ý tưởng Trịnh Contemporary (Nhạc Trịnh đương đại), bao gồm 7 ca khúc quen thuộc và phổ biến nhất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Ở trọ, Diễm xưa, Mưa hồng (kết hợp với Bùi Lan Hương), Biển nhớ, Tuổi đá buồn, Nhớ mùa thu Hà Nội (kết hợp cùng Dương Hoàng Yến) và Huế - Sài Gòn - Hà Nội. 

Toàn bộ các bài hát đều được làm mới hoàn toàn với những thể loại âm nhạc mới và tâm thế truyền đạt mới. Việc lỏng lẻo trong lúc biên tập (xếp đặt thứ tự các bài hát và không có một concept) không phải là hạn chế mà trái ngược, giúp công chúng tự do di chuyển giữa các bài hát, dễ dàng nghe thêm hay bỏ qua bài hát mà họ không yêu thích.

Trên tấm toan bức tranh nhạc Trịnh, Hà Lê đã vẽ thêm đủ thứ lên đó, từ dân gian đến nhạc điện tử, từ crossover music đến pop, hiphop… lời ca cũ nay có thêm ca từ mới (lời rap); nơi thứ âm nhạc Trịnh vốn được phối rất tối giản này ngồn ngộn các lớp (layer) nhạc, đồ sộ với rất nhiều nhạc cụ, âm thanh mô phỏng trong phòng thu...

Có thể nói, Hà Lê đã phá vỡ “cửa hẹp” khi bước vào không gian âm nhạc Trịnh Công Sơn. Với chọn lựa này, anh vừa có cơ hội nhưng không ít rủi ro. Cơ hội để anh bôi đậm tên mình một cách khác biệt giữa những ca sĩ hát Trịnh thành công trước đó; và tất nhiên được nhiều người yêu thích, cổ vũ. Nhưng lựa chọn này cũng mang đến cho anh sự rủi ro, vì thứ âm nhạc trong album quá mới, quá khác so với nhạc Trịnh thường thấy.

Tâm thế mới từ nghệ sĩ, không khí mới cho người thưởng thức

Như đã nói ở trên, Hà Lê không chỉ đơn thuần hát mà còn làm mới Trịnh. Chính vì thế, Hà Lê phải có một tâm thế mới khi bước vào “khu vườn” nhạc Trịnh. Tâm thế của Hà Lê chính là tâm lý cởi mở, nơi nhạc Trịnh không phải và không nên bị bó buộc vào một vài “mẫu rập khuôn” như trước đây.

Ca khúc Ở Trọ đóng một vài trò của album nay. Điều này cũng không quá khó hiểu khi nam ca sĩ quyết định sự dụng tên bài hát này làm tên đĩa nhạc thay vì tên dự an Trịnh Contemporary trước đó.

"Ở Trọ" là ngưỡng cửa bước vào không gian âm nhạc Trịnh Công Sơn của Hà Lê, nơi khán giả vừa thấy quen thuộc qua giọng nói của Trịnh vừa thấy được sự khác biệt, mà ở đây là tươi mới.

Hà Lê: “Ca quái” làm mới nhạc Trịnh - 2

"Ở Trọ" cũng âm thầm tải thêm một lớp nghĩa, nếu như cuộc đời với Trịnh Công Sơn là cõi tạm thì đĩa nhạc này là một cõi riêng, một không gian mới mà khán giả bước vào và tận hưởng.

Sau ca khúc "Ở Trọ", những bài hát tiếp theo tiếp tục khuếch đại không gian âm nhạc mởi mẻ này. Càng về cuối album, âm nhạc càng trẻ trung hơn, màu sắc hơn, mang tính thời đại và tính cá nhân hơn.

Những bài nhạc tình hay những bài nhạc về thân phận con người của Trịnh Công Sơn nay đã vơi đi nét u buồn, mà tươi vui và hiện đại hơn. Điều này mới thực cho thấy tâm thế mới của Hà Lê trong việc tái tạo, làm mới nhạc Trịnh.

Rất khó để đem Hà Lê ra so sánh với những giọng ca khác từng hát nhạc Trịnh, bởi đơn gian, không gian và tâm thế của anh khác với những nghệ sĩ trước đây. Qua giọng hát và bản phối mới của Hà Lê, Biển nhớ nay đã bớt khắc khoải, Tuổi đá buồn giờ đã nguôi ngoai hơn hay Nhớ mùa thu Hà Nội lại mang đậm dấu ấn ký ức cá nhân của người thể hiện đến vậy…

Với những ca sĩ từng thể hiện trước đây, tự sự của cố nhạc sĩ Trịnh thường bam trùm, ám bóng lên từng lời ca, cách thể hiện thì đến Hà Lê, nó đã vơi đi phần nào.

Rõ ràng sẽ có người thích thú và có người không thích, thậm chí “ném đá” Hà Lê khi hát nhạc Trịnh như vâỵ. Nhưng rõ ràng, nam ca sĩ đang tạo ra một không khí mà cách tiếp cận và thưởng thức nhạc Trịnh mới cho công chúng, khán giả. Riêng tư duy này của Hà Lê nên được cổ vũ bởi anh đã thực sự làm mới nhạc Trịnh.

Với "Ở Trọ", Hà Lê không chỉ làm mới nhạc Trịnh mà còn làm mới chính mình, mang đến cho công chúng một hình ảnh mới, biến hoá và cá tính hơn. Di chuyển những vùng âm nhạc khác nhau một cách hết mình nhưng cũng rất cẩn trọng, Hà Lê cho thấy anh là mẫu nghệ sĩ không có những đường biên ngăn cách.

Thy Đặng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm