GS Hoàng Ngọc Hiến trong hoài niệm của bạn bè
(Dân trí) - Những ngày này, vừa là ngày kỉ niệm sinh nhật lần thứ 82 của GS Hoàng Ngọc Hiến, cũng gần đến ngày tròn một năm rưỡi ông chia tay cõi đời. Bạn bè, học trò của ông đã chia sẻ rất nhiều câu chuyện thú vị về GS Hoàng Ngọc Hiến.
Nhà phê bình văn học, GS Đỗ Lai Thúy, người được mệnh danh là “nhà Hoàng Ngọc Hiến học” đã định nghĩa GS Hoàng Ngọc Hiến như thế này: “Hoàng Ngọc Hiến hiện nay, cũng như một vài người khác ở ta… khó mà phân định được là nhà gì: nhà triết, nhà phê bình, nhà dịch thuật hay nhà văn hóa? Thời đại khai minh khiến cho một số người có thực tài nhìn đâu cũng cần thấy phải khai quang. Họ trở thành nhà bách khoa bất đắc dĩ là vì vậy. Nhưng thời nào cũng có những con người dao phay, đa năng đến mức thành đa di năng”.
Quả vậy, GS Hoàng Ngọc Hiến sinh ra tại Nam Định, trong một gia đình có truyền thống Nho học kết hợp với Tây học những năm 1930. Ông được nhà nước cử sang Liên Xô cũ làm luận văn tiến sĩ văn học Nga tại ngôi trường nổi tiếng Đại học Tổng hợp Mát-xcơ-va khi mới chỉ 29 tuổi, khi đó, ông cũng là một trong năm người trên khắp đất nước được “chọn mặt gửi vàng” sáng Liên Xô. Và, chẳng phụ lòng nước nhà, ông đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ văn học Nga sau đó.
Thời ông sang trường Đại học Tổng hợp Mát-xcơ-va làm luận án tiến sĩ văn học khi đó, theo lời kể của nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội nhà Văn Việt Nam cho biết, tiếng Nga của GS Hoàng Ngọc Hiến cũng chỉ ở mức đủ dùng, chứ chưa được thông thạo, kể cả những giáo sư nổi tiếng hay có những bài giảng hay ở trường có lẽ ông cũng chưa có dịp tìm hiểu và thạo. Có cơ hội sang Liên Xô làm luận văn Thạc sĩ trước GS Hoàng Ngọc Hiến và vốn liếng tiếng Nga rất tốt của mình, nên nhà thơ Hữu Thỉnh có thế mạnh trong giao tiếp, trong tiếp thu cũng như việc thạo tin những thầy tốt dạy những tiết nào để đến tham dự. Và nhà thơ hoàn toàn bất ngờ khi GS Hoàng Ngọc Hiến có mặt ở tất cả các lớp giảng của các thầy giỏi tại trường lúc bấy giờ. Đến tận bây giờ, khi kể lại, nhà thơ Hữu Thỉnh vẫn không hiểu bằng cách nào mà GS Hoàng Ngọc Hiến lại bắt kịp với nhịp độ ở trường Đại học Tổng hợp Mát-xcơ-va lúc đó.
Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng không giấu nổi niềm tự hào khi kể lại kỷ niệm được GS Hoàng Ngọc Hiến khen tặng. Ông kể, một ngày, GS Hoàng Ngọc Hiến vỗ vai ông và nói phục tài tiếng Nga của ông, vì khi nghe thầy giảng ông cười cùng mọi người, còn GS Hoàng Ngọc Hiến cũng cười nhưng là cười theo, thấy mọi người cười thì mình cũng cười mà thôi. Lời khen đó là lời động viên và ghi nhận, cảm phục nhà thơ Hữu Thỉnh của một bậc đàn anh, nhưng chẳng bao giờ tỏ ra kẻ cả hay bề trên, luôn gần gũi, luôn ngang hàng, như anh em, bạn bè thân thuộc.
Thế rồi, cuộc đời ông gặp nhiều sóng gió kể từ khi ông cho ra đời định nghĩa về “văn học phải đạo”. Cụm từ ấy là để chỉ sự phê phán về thực trạng sáng tác văn học trong giai đoạn của ông lúc bấy giờ. Thứ văn chương mà người ta có phần rúm ró sợ sệt khi không nói đúng và nói thật về hiện thực xã hội khi đó, họ viết ra một thứ văn chương làm đẹp lòng người đọc cái mà người ta cho rằng, như vậy là “phải đạo”.
Búa rìu dư luận đổ lên ông, khiến ông phải chạy trốn đến thư viện Quốc Gia, ngày ngày đọc sách, dịch sách kiếm thêm thu nhập từ 8 giờ sáng đến tận 9 giờ tối. Nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy đã kể lại như vậy trong những trang viết về GS Hoàng Ngọc Hiến trong cuốn sách mới nhất được tập hợp các bài viết của ông với tựa đề “Hoàng Ngọc Hiến… viết”.
Sau thời gian ông gắn mình ở thư viện Quốc Gia, GS Hoàng Ngọc Hiến thành lập trường Viết văn Nguyễn Du, ngôi trường mà trong thời kỳ những năm 1979 là ngôi trường hàng đầu đào tạo về viết văn cho các nhà văn trẻ Việt Nam. Khi đó, trường viết văn Nguyễn Du của ông kết nghĩa với trường Đại học viết văn Gorki của Liên Xô nên được đón tiếp rất nhiều giáo viên từ Liên Xô sang chia sẻ kinh nghiệm và giảng bài ở trường của ông. Vậy mà có giai thoại thế này, các học viên của trường viết văn Nguyễn Du nói với nhau: “Tốn kém bao nhiêu mà chỉ được nghe giảng viên cỡ ấy. Thà để số tiền ấy bồi dưỡng cho thầy Hoàng Ngọc Hiến, thầy dạy hay hơn nhiều…”.
GS. Phạm Vĩnh Cư cho biết, sở dĩ có giai thoại như vậy, bởi trước hết, GS Hoàng Ngọc Hiến là người hết sức yêu tiếng Việt, coi tiếng Việt là cội rễ của bản thân mình, thêm vào đó, với khối lượng kiến thức khổng lồ mà GS tiếp thu cũng như nghiên cứu được cùng với khả năng sử dụng ngôn từ chuẩn xác, ngắn gọn, súc tích… thì rõ ràng là các bài giảng bằng tiếng Việt của ông phải thu hút được sự chú ý hơn là bài giảng của những thầy giáo người Liên Xô giảng bằng tiếng Nga rồi.
Có nhiều bài viết về GS Hoàng Ngọc Hiến, của cả những người đã từng là học trò của ông và những người chưa từng trực tiếp là học trò của ông. Trong đó, bài viết của TS. Nguyễn Thu Dung từ Pháp gửi về cách đây chưa lâu được đăng trên báo Tiền Phong có chia sẻ rất giản dị về kỉ niệm của cô với ông.
Trong một lần đến nhà GS Hoàng Ngọc Hiến chơi, TS NguyễnThu Dung thấy nhà ông chỉ toàn sách là sách. Sách đầy kín bốn bức tường, xếp chồng chồng lớp lớp lên nhau, tưởng như có thể đổ vào người ông bất cứ lúc nào. Mà quả thật, đống sách của ông đã đổ vào người ông một lần thì phải? Cô cũng kể lại trong lần đến Paris ông có ghé qua nhà cô chơi, không đi taxi, không cần cô đi đón bằng ô tô, ông đi metro (xe điện ngầm) đến nhà cô. TS Nguyễn Thu Dung đã chẳng thể tưởng tượng được với địa vị của ông, một GS nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn ở thế giới như vậy với những công trình nghiên cứu và dịch quan trọng như vậy lại có thể đến nhà cô một cách giản dị và thân thuộc đến vậy.
Cũng như kỷ niệm của TS Nguyễn Thu Dung, nhà thơ Đà Linh cũng khẳng định, GS Hoàng Ngọc Hiến là người rất ít khi nói về bản thân mình. Chẳng vậy mà cho đến nay, chẳng ai có thể tìm thấy bất cứ tài liệu cá nhân nào ghi đầy đủ quá trình làm việc, hay lý lịch của ông cả. Ông chẳng kiệm lời nhưng lại kiệm nói về bản thân. Anh em trong giới văn nghệ có quen biết với ông ai ai cũng nói ông chẳng khi nào tỏ ra mình “trên cơ” người khác, ai ai ông cũng coi trọng, coi như người anh em, người bạn bè.
Nhân cách của GS Hoàng Ngọc Hiến có lẽ chỉ những người được tiếp xúc với ông mới có thể hiểu được một cách rõ nét nhất. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn, ông là một người lương thiện. Bởi trong tâm niệm, tiềm thức của bản thân, ông luôn luôn mong mỏi tìm những người lương thiện. Người đời cũng gọi ông là bậc trí giả lương thiện.
Những ngày này, vừa là ngày kỉ niệm sinh nhật lần thứ 82 của người GS này, cũng gần đến ngày tròn một năm rưỡi ông chia tay cõi đời, chia tay với những người bạn chí cốt, người bạn đời, chia tay với những nghiên cứu, những tìm tòi, chia tay với nơi làm việc ông gắn bó lúc cuối đời - trung tâm Minh Triết Việt. Ông đi, nhưng chắc chắn những nghiên cứu, những bản thảo còn đang dang dở của ông sẽ được những người bạn bè, anh em của ông, những người trẻ một lòng kính phục ông tiếp tục hoàn thiện. Ông đi, nhưng chắc chắn ông sẽ vẫn được những người trẻ, người mới gọi ông bằng cái danh xưng trìu mến: Thầy Hoàng Ngọc Hiến.