Google Doodle vinh danh “ông hoàng nhạc blues” B.B.King

(Dân trí) - Hôm nay (ngày 16/9) vừa tròn 94 năm ngày sinh “ông hoàng nhạc blues” B.B.King, Google Doodle đã có những hình minh họa sống động để tưởng nhớ một huyền thoại âm nhạc.

Google Doodle vinh danh “ông hoàng nhạc blues” B.B.King

Trong giới công nghệ, Google được xem là người khổng lồ, vì vậy, những hoạt động tưởng nhớ - vinh danh mà Google thực hiện trên công cụ tìm kiếm của mình, thông qua các hình minh họa và các đoạn video clip hoạt họa luôn thu hút sự quan tâm lớn của truyền thông - công chúng quốc tế.

Với đoạn clip tưởng nhớ B.B. King mà Google Doodle thực hiện vào ngày thứ 2 tuần này, bản hit “The Thrill Is Gone” là một điểm nhấn.

Những hình hoạt họa này được thực hiện bởi hai họa sĩ người Mỹ Steve Spencer và Nayeli Lavanderos. Bảo tàng B.B. King Museum ở Mississippi (Mỹ) đã cùng hợp tác với Google’s Doodle để thực hiện dự án này. Đoạn video clip được chỉ đạo nghệ thuật bởi đạo diễn Angelica McKinley.

Đoạn clip được thực hiện với mong muốn giúp công chúng hiểu về sự huyền thoại của King trong lĩnh vực âm nhạc.

Google Doodle vinh danh “ông hoàng nhạc blues” B.B.King - 1

B.B. King

Dù không theo đuổi việc học nhạc một cách chuyên nghiệp và cũng không có cha mẹ ở bên trong suốt những năm tháng ấu thơ (King sống từ bé với bà ngoại), nhưng nghệ sĩ huyền thoại đã tận dụng tài năng thiên bẩm của mình để tỏa sáng trong một thời kỳ mà người da màu vẫn còn gặp phải rất nhiều bất công trong đời sống tại Mỹ.

Ông đã cống hiến cả cuộc đời mình để đưa thứ âm nhạc đặc trưng của người da màu sinh sống ở vùng đồng bằng Mississippi ra với thế giới. Thứ âm nhạc này của B.B. King được tạo ra từ chính những nỗi đau khắc khoải trong cuộc đời của ông, nhưng King đã để những nỗi đau ấy “tỏa sáng” trong âm nhạc.

Bản hit “The Thrill Is Gone” của ông được xem là thành công nhất trong sự nghiệp và giúp ông giành được một giải Grammy hồi năm 1970. Ca khúc khi ấy đã giúp ông khoe ra được chất giọng riêng có cùng phong cách chơi ghita riêng biệt. Ca khúc này trước đó đã từng được thể hiện bởi một số ca sĩ, nhưng chính phiên bản do King thể hiện mới giúp ca khúc trở thành chuẩn mực của dòng nhạc blues.

B.B. King có tên thật là Riley B. King, ông sinh ngày 16/9/1925 trên một đồn điền ở bang Mississippi (Mỹ). Ban đầu King hát với dàn đồng ca nhà thờ từ khi còn là một đứa trẻ và được học về những kiến thức chơi ghita cơ bản từ người bác của mình, một người thuyết giáo.

Google Doodle vinh danh “ông hoàng nhạc blues” B.B.King - 2

B.B. King

Khi còn trẻ, King chơi nhạc trên những góc phố để nhận lấy những đồng tiền lẻ, chàng thanh niên khi ấy nhận thấy rằng tiền mình kiếm được từ một đêm đứng hát ở góc phố còn nhiều hơn một tuần làm việc trên những cánh đồng bông.

Năm 1947, ông chuyển tới bang Tennessee (Mỹ) để theo đuổi sự nghiệp âm nhạc và trở thành DJ cho một kênh phát thanh với nghệ danh Beale Street Blues Boy, về sau ông rút nghệ danh ngắn lại còn Blues Boy King, rồi cuối cùng còn B.B. King.

Google Doodle đã khắc họa một trong những cây ghita của King, những cây ghita này ông luôn đặt tên là Lucille, lấy cảm hứng từ tình huống King từng gặp phải khi đang tham gia biểu diễn hồi thập niên 1950.

Hai người đàn ông cùng tranh giành một người phụ nữ có tên Lucille, họ vô tình làm đổ một chiếc bếp lò và khiến một vụ hỏa hoạn xảy ra. King đã chạy kịp thoát khỏi vụ hỏa hoạn nhưng rồi ông phải quay trở lại để cứu cây đàn ghita mà ông rất quý.

Google Doodle vinh danh “ông hoàng nhạc blues” B.B.King - 3

B.B. King

Về sau, khi ông được biết ngọn ngạnh vụ ẩu đả, ông quyết định đặt tên cây đàn ghita mà mình cứu được là Lucille “để tự nhắc mình đừng bao giờ làm những điều ngớ ngẩn”. Thực tế, về sau, tất cả những cây đàn ghita của ông cũng đều được ông gọi là Lucille.

B.B.King được xem là “ông hoàng nhạc blues” bởi ông chính là nghệ sĩ có công đưa thứ âm nhạc bình dân của người da màu vốn chưa được thế giới biết đến nhiều, trở thành một thể loại âm nhạc đỉnh cao chinh phục các sân khấu và nhà hát lớn trên khắp thế giới.

Rất nhiều giải thưởng danh giá đã được dành cho ông nhưng lúc sinh thời, King không bao giờ ngủ quên trên những danh hiệu, ông vẫn không ngừng đi biểu diễn, lưu diễn cho tới tận khi đã ở tuổi ngoài 80. Những năm tháng cuối đời, sức khỏe ông suy giảm nhanh vì căn bệnh tiểu đường, ông qua đời vào ngày 14/5/2015 ở tuổi 89.

Bích Ngọc

Theo The Guardian/Rolling Stones

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm