Giới sử gia tưởng nhớ cây đại thụ của nền sử học nước nhà

(Dân trí) - “Tráng chí hùng tâm, trăm bước gian nan đường cách mạng - Thông kim bác cổ, ngàn trang văn sử bút thanh tân”, đó là đôi câu đối súc tích, cô đọng có thể khái quát cả tiết tháo, sự nghiệp, trí tuệ và tài năng của cố Giáo sư sử học Văn Tân.

Ngày 30/9, Viện Sử học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã tổ chức hội thảo với chủ đề "Giáo sư Văn Tân - Nhà hoạt động khoa học xã hội, nhà văn hóa, nhà sử học".

Giới sử gia tưởng nhớ cây đại thụ của nền sử học nước nhà


Sự kiện đã thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, bạn bè và gia đình Giáo sư.

Buổi hội thảo được tổ chức nhân dịp kỷ niệm tròn 100 năm ngày sinh (1/9/1913 - 1/9/2013) và 25 năm ngày mất (30/9/1988 - 30/9/2013) của cố Giáo sư sử học Văn Tân.

Toàn cảnh hội thảo Giáo sư Văn Tân - Nhà hoạt động khoa học xã hội, nhà văn hóa, nhà sử học.

Toàn cảnh hội thảo "Giáo sư Văn Tân - Nhà hoạt động khoa học xã hội, nhà văn hóa, nhà sử học".

Hàng chục bài tham luận tại hội nghị đã giúp vẽ nên một bức tranh khái quát về toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư Văn Tân - một nhà Cách mạng, một nhà văn hóa, một nhà sử học.

Đối với Giáo sư sử học Lê Văn Lan, cố Giáo sư Văn Tân là một “học giả quyền uy”, một vị tướng “múa gậy vườn hoang” bởi giai đoạn mà ông hoạt động cũng chính là thời kỳ khai phá của một nền sử học mới. Đương thời, giáo sư Văn Tân đã tiến hành nghiên cứu các lĩnh vực sử cổ và trung đại, ông tung hoành, chiếm ngự không sót một mảng đề tài nào.

Ông cùng với những nhà sử học thời đó đã “khai sơn phá thạch”, dọn đường, đặt nền móng cho sử học, tạo nên tiền đề cho thế hệ các nhà sử học hôm nay được suy ngẫm về khoa học lịch sử. Đối với Giáo sư Lê Văn Lan, cố Giáo sư Văn Tân là cây đại thụ mọc lên vùn vụt và tỏa rợp bóng mát trên lĩnh vực cổ sử.

Đối với đồng chí Mai Vy, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin và Du lịch, ông nói về Giáo sư Văn Tân bằng 5 từ lớn - “Ý chí lớn, tài năng lớn, công trình lớn, cống hiến lớn và vinh quang lớn.”

Giáo sư Vũ Khiêu cũng xúc động nhớ về người bạn một thuở và đề tặng cố giáo sư đôi câu đối: “Tráng chí hùng tâm, trăm bước gian nan đường cách mạng - Thông kim bác cổ, ngàn trang văn sử bút thanh tân”.

Giáo sư Văn Tân - tác giả của những tác phẩm sử học đồ sộ, của hàng hàng trăm luận văn nghiên cứu lịch sử với nhiều nội dung sâu sắc, mang đầy tính luận chiến, bút chiến, đã đánh bật các quan điểm phi lịch sử phản động. Vì vậy, theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Nhật, Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam, Giáo sư Văn Tân xứng đáng được tôn vinh là Học giả, Nhà văn hóa, Nhà sử học lớn của nền sử học đương đại Việt Nam.

Người xưa cho rằng muốn trở thành một nhà sử học cần có ba sở trường là tài năng thiên bẩm, học vấn uyên bác và tri thức lịch duyệt, Giáo sư Văn Tân có trong mình cả ba sở trường trên. Ông là cây bút có tiếng ngay từ khi còn trẻ tuổi, lại có kiến thức phong phú, quảng bác và kinh lịch trong trường đời cũng như trong trường đấu tranh Cách mạng.

Giáo sư Văn Tân với tư cách một nhà sử học lớn, đã không chỉ ghi chép và luận bàn về các sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc mà còn góp phần viết nên những trang sử lớn của Cách mạng Việt Nam.

Đối với tiến trình lịch sử dân tộc, Giáo sư Văn Tân lao vào nghiên cứu, luận bàn trên mọi lĩnh vực, từ Cổ, Trung đến Cận, Hiện đại. Về mặt thể loại sử học, Giáo sư cũng sử dụng nhuần nhuyễn các bút pháp từ ghi chép lịch sử, phê bình sử học đến luận chiến sử học và sử bình…

Cho dù ở thể loại sử học nào, người ta cũng tìm thấy một điểm chung trong “Ngòi bút chép sử Văn Tân”, đó là thẳng thắn, trung thực, có lý, có tình và điển nhã.

Giáo sư Văn Tân xứng đáng là một nhà sử học lớn, một nhà khoa học tiền bối và xuất sắc của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Sự nghiệp khoa học đồ sộ và phong phú của ông thiết nghĩ cần phải viết cả một cuốn sách chuyên khảo mới nói hết được tầm vóc lớn lao và mức độ sâu sắc của cây bút cổ thụ của giới sử học nước nhà nửa cuối thế kỷ 20.

Trong ký ức của nhiều thế hệ nhà nghiên cứu từng công tác tại Viện Sử học, hẳn ai cũng đồng ý rằng Giáo sư Văn Tân là người của công việc. Trong công việc, Giáo sư luôn khó tính, nhờ thế mà dù hoàn cảnh khó khăn thế nào, tạp chí Nghiên cứu Lịch sử do ông đứng đầu vẫn xuất bản và phát hành đều đặn.

Tuy vậy, trong cuộc sống hàng ngày, Giáo sư Văn Tân lại rất dễ dãi, giản dị. Một hình ảnh đơn sơ đến nao lòng mà nhiều vị học giả vẫn còn nhớ như in về vị Giáo sư khả kính: khi đông đến, Giáo sư Văn Tân ngồi bên bàn làm việc, đút chân vào bao tải cho khỏi rét, đến mùa hè, dù trời nóng nực thế nào, ông cũng cần mẫn, say sưa làm việc bên chiếc quạt tai voi bé xíu, cũ kỹ.

Thế hệ những người làm sử học hôm nay có điều kiện sống và làm nghề thuận lợi hơn hẳn trước kia, lại có may mắn được “đứng trên vai những người khổng lồ” thuộc thế hệ của Giáo sư Văn Tân, đó là những tên tuổi lớn như Trần Văn Giáp, Trần Huy Liệu, Trần Văn Khang, Đào Duy Anh, Hoa Bằng, Nguyễn Đổng Chi…

Nước nhà và các bậc tiền bối kỳ vọng những người làm sử học hôm nay sẽ có thể tạo ra những đột phá, những triển vọng lớn cho nền học thuật nước nhà. Bảo bối dành cho thế hệ hôm nay không gì khác chính là bí quyết mà thế hệ đi trước đã “thuộc nằm lòng” - Dù điều kiện tối thiểu nhưng hãy cống hiến tối đa. Đó cũng chính là những gì mà cả cuộc đời Giáo sư Văn Tân đã hết lòng thực hiện.

 
 
Nguyễn Ngọc
Bài viết có sử dụng tư liệu từ cuốn Kỷ yếu hội thảo “Giáo sư Văn Tân - Nhà hoạt động Cách mạng, nhà văn hóa, nhà sử học” của Viện Sử học

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm