Gìn giữ làn điệu then, đàn tính nơi địa đầu Tổ quốc
(Dân trí) - Trình diễn tại Ngày thơ Việt Nam 2014, Câu lạc bộ Đàn và hát dân ca xã Mai Pha (TP Lạng Sơn) gây ấn tượng với du khách trong nước và quốc tế bởi làn điệu then thiết tha, say đắm được cất lên từ những thành viên với tuổi đời còn rất trẻ.
Hát then, đàn tính là một loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian đặc sắc đã hiện hữu rất lâu đời trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái. Nếu như hát then được ví là điệu hát của thần tiên truyền lại thì đàn tính là “gia vị” đi kèm không thể thiếu trong món ăn tinh thần này. Đồng bào dân tộc có cách ví von rất hình ảnh, rằng không có đàn tính, hát then chỉ “như bát cơm thiếu muối”.
Từ lâu, xứ Lạng đã được biết đến là quê hương của làn điệu then, của tiếng đàn tính. Mùa xuân này, làn điệu “Xỉng an” (Cầu an) được cất lên trong khuôn viên Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) chính là lời cầu chúc cho mọi người có một năm mới bình an, no ấm của những chàng trai, cô gái xứ Lạng. Đây là một tiết mục dân ca Nùng với giai điệu vui tươi, rộn rã do nghệ nhân Then Nùng - Chu Văn Minh, Trung tâm Văn hoá tỉnh Lạng Sơn dàn dựng, Câu lạc bộ Đàn và hát dân ca xã Mai Pha biểu diễn.
Tôi gặp chị Hoàng Thị Duyên - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đàn và hát dân ca xã Mai Pha sau cánh gà. Niềm phấn khởi hiện rõ trên gương mặt chị khi các tiết mục văn nghệ góp vui cho Ngày thơ Việt Nam 2014 của đoàn Lạng Sơn được đông đảo khán giả đón nhận.
Chị Duyên cho biết, người truyền cảm hứng để chị quyết tâm theo học hát then, đàn tính là NSƯT người Nùng - Triệu Thủy Tiên (nguyên Trưởng đoàn Văn công Lạng Sơn). Chị luôn ghi nhớ lời dặn của NSƯT Thuỷ Tiên là phải gìn giữ cho được những loại hình nghệ thuật đặc trưng riêng của dân tộc, tránh nguy cơ bị mai một, thất truyền. Chị được cô tin tưởng, cho đi theo trong các chuyến giảng dạy hát then, đàn tính ở trong và ngoài tỉnh để học hỏi và truyền dạy lại cho mọi người trong xã.
Tiền thân của Câu lạc bộ là Đội văn nghệ của xã Mai Pha (thành lập từ năm 2006), đến nay đã phát triển thành Câu lạc bộ Đàn và hát dân ca xã Mai Pha. Câu lạc bộ thu hút khoảng 20 người tham gia ở rất nhiều lứa tuổi khác nhau. Người cao tuổi nhất là cụ Triệu Thị Liên (72 tuổi) và ít tuổi nhất là các bạn Lương Thị Đẹp, Lương Thuý Mười (18 tuổi).
Không được học qua trường lớp bài bản nên cách chị Duyên truyền đạt lại cho mọi người chủ yếu là dạy truyền khẩu, các nốt nhạc được viết ra bằng chữ để xướng âm nhưng lại giúp chị em trong xã, trong thôn dễ hiểu. Chỉ cần học từ 2 tháng đến nửa năm là chị em yêu làn điệu then, tiếng đàn tính có thể tham gia biểu diễn.
Đã thành thông lệ cứ 3 buổi tối hàng tuần, các thành viên trong Câu lạc bộ lại cùng nhau luyện tập. Trở về nhà, mỗi người lại tất bật với công việc riêng, người làm bật lửa gas, người làm nông nghiệp, người gói bánh ngải,… Thu nhập không cao nhưng mọi người đều tự nguyện đóng góp quỹ để duy trì Câu lạc bộ, tự sắm nhạc cụ và trang phục biểu diễn. “Có những chuyến đi giao lưu với các tỉnh bạn, chị em chúng tôi tự bỏ tiền túi quyên góp tiền tàu xe, đi lại. Lần này xuống Hà Nội, nhiều bạn say xe nhưng vẫn rất nhiệt tình tham gia để góp vui cho Ngày thơ Việt Nam”, chị Duyên hào hứng kể.
Từ khi thành lập cho đến nay, Câu lạc bộ liên tục tham gia vào các phong trào văn hoá, văn nghệ của tỉnh. Cuối năm 2012, Câu lạc bộ đã được tham gia biểu diễn tại Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính toàn quốc lần thứ tư tổ chức tại TP Lạng Sơn.
Câu lạc bộ đã được Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn tặng giấy khen vì có thành tích lưu giữ và phát huy văn hóa tại địa phương. Tốp hát then của xã Mai Pha tham gia Liên hoan tiếng hát đồng quê do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức cũng đạt Huy chương Vàng…
Là những người tâm huyết với việc bảo tồn giá trị truyền thống, những thành viên Câu lạc bộ luôn quan tâm bồi dưỡng thế hệ trẻ. Em Lương Thị Đẹp (dân tộc Tày), học sinh lớp 12, trường THPT Cao Lộc (Lạng Sơn) - một trong những thành viên trẻ của Câu lạc bộ cho biết: “Em tham gia Câu lạc bộ từ năm học lớp 11. Bạn Thuý Mười tham gia trước em mấy tháng đã kể cho em rất nhiều về hát then, đàn tính, khơi gợi cảm hứng trong em và em say mê lúc nào không biết. Em học chính khoá buổi sáng, buổi trưa học bài, buổi chiều giúp đỡ gia đình và tranh thủ buổi tối đi tập. Nhiều bạn trẻ giờ đây chỉ yêu thích các dòng nhạc thị trường. Em hi vọng sẽ có thêm nhiều bạn nữa yêu thích làn điệu then để những bản sắc văn hoá của dân tộc mình được lưu truyền đến muôn đời sau”.
Phương Nhung