Giáo hội Phật Giáo Việt Nam đăng cai chủ trì đại lễ Vesak LHQ 2014
(Dân trí) - Sau thành công của việc đăng cai tổ chức đại lễ Vesak năm 2008, lần thứ hai đại lễ sẽ được diễn ra ở Việt Nam từ ngày 7 -11/5/2014 tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình.
Chính thức được Liên Hợp Quốc công nhận từ ngày 15/12/1999, đại lễ Phật đản hay còn gọi là đại lễ Tam hợp (kỉ niệm đức Phật đản sinh, Thành đạo và niết bàn) là đại lễ Vesak LHQ và được tổ chức trọng thể hàng năm tại trụ sở chính của Liên Hợp Quốc đó là New York cũng như văn phòng Liên Hợp Quốc các khu vực.
Tháng 5/2008, đại lễ Vesak LHQ được tổ chức tại Việt Nam đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với các Phật tử trên toàn thế giới. Từ ngày 7- 11/5/2014, lần thứ hai đại lễ Vesak được Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức đăng cai chủ trì tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình.
Trong cuộc họp báo chiều ngày 24/11, Hòa thượng GS.TS Brahmapundit – Chủ tịch Ủy ban tổ chức quốc tế ICDV chính thức thông báo Việt Nam sẽ là đất nước đăng cai tổ chức đại lễ Vesak vào năm 2014. Bên cạnh đó Hòa thượng cũng bày tỏ sự ủng hộ tuyệt đối của Ủy ban tổ chức quốc té ICDV và niềm tin mãnh liệt của Liên Hợp Quốc vào sự thành công của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong việc tổ chức đại lễ lần này.
Đại lễ Vesak năm 2014 dự kiến sẽ tiếp đón khoảng 10.000 người tham dự bao gồm 1500 lãnh đạo các giáo hội, hệ phái Phật giáo, các Giáo sư, Tiến sĩ, học giả Phật giáo cũng như các phật tử hành trì thuộc nhiều truyền thống Giáo phật đến từ 90 đến 100 quốc gia trên toàn thế giới và 8500 đồng bào phật tử và nhân dân Việt Nam.
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu- Phó chủ tịch hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, chủ đề chính của Đại lễ Vesak LHQ 2014 là : “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc”. Bên cạnh đó sẽ diễn ra 5 hội thảo khoa học của đại lễ bao gồm: Hồi ứng của Phật giáo về sự phát triển bền vững và thay đổi xã hội; Hồi ứng của Phật giáo đối với hâm nóng toàn cầu và bảo vệ môi trường; Đóng góp của Phật giáo về lối sống lành mạnh; Xây dựng hòa bình và sự bình phục hậu mâu thuẫn; Giáo dục Phật giáo và chương trình cấp đại học.
Nói về các hoạt động diễn ra trong Đại lễ, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết: “Thông qua đại lễ Vesak, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng sẽ giới thiệu đến các tăng ni, Phật tử trên toàn thế giới được biết rõ hơn về truyền thống, văn hóa di sản quý báu của Việt Nam. Điều này sẽ được thông qua việc tổ chức các triển lãm nghệ thuật bao gồm nhiều tranh, ảnh giới thiệu về đất nước, văn hóa Việt Nam. Bên cạnh đó là các chương trình văn nghệ, ca múa tạp kĩ mang đậm đà bản sắc của 54 dân tộc anh em. Trong thời gian diễn ra đại lễ còn có liên hoan phim nói về các vấn nạn của toàn cầu nhằm khơi dậy những sự đóng góp, giúp đỡ lẫn nhau giữa các quốc gia. Việc xuất bản sách nói về chùa và tượng Phật của Việt Nam cũng sẽ được Giáo hội Phật giáo Việt Nam quan tâm để giới thiệu, quảng bá với bạn bè quốc tế.
Song song với các hoạt động do Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức còn có những hoạt động văn hóa nghệ thuật đến từ các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan và Campuchia với mục đích giao lưa và giới thiệu nét đẹp văn hóa của nước bạn đối với Việt Nam. Những hoạt động này hứa hẹn sẽ mang lại nhiều điều thú vị và bổ ích cho mọi người”.
Khác với lần diễn ra Đại lễ Vesak năm 2008, đại lễ năm 2014 được thực hiện theo hướng xã hội hóa vì thế số tiền đầu tư cho việc tổ chức cũng được tập đoàn Xuân Trường ở Ninh Bình tài trợ. Trả lời tại cuộc họp báo, ông Bùi Thanh Hà – Phó ban tôn giáo chính phủ cho biết: “Việc tổ chức Đại lễ Vesak năm 2014, Chính phủ Việt Nam sẽ hỗ trợ về các vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn cho phật tử và du khách khắp nơi trên thế giới tham dự Đại lễ”.
Đại lễ lần này được cộng đồng Phật giáo thế giới xem là cơ hội quý báu để truyền bá thông điệp từ bi, hòa bình, bất bạo động của đức Phật trên khắp thế giới. Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2014 là sự kiện đối ngoại quan trọng góp phần nâng cao vai trò của Phật giáo Việt Nam trong hội nhập quốc tế, đồng thời khẳng định vị thế, trách nhiệm của Việt Nam đối với Liên hợp quốc.
Phạm Oanh