Giáng sinh, “Mary Poppins” và câu chuyện về cô bảo mẫu diệu kỳ
(Dân trí) - Cùng với thời gian, cô bảo mẫu Mary Poppins đã trở thành nhân vật diệu kỳ, được yêu mến nhiều tựa như một phiên bản “đối trọng” của ông già Nô-en.
cô bảo mẫu diệu kỳ
Cùng với thời gian, cô bảo mẫu Mary Poppins đã trở thành nhân vật diệu kỳ, được yêu mến nhiều tựa như một phiên bản "đối trọng" của ông già Nô-en.
Bộ phim điện ảnh "Mary Poppins" (1964) là một trong những bộ phim ca nhạc xuất sắc nhất dành cho tuổi thơ kể từ sau "Wizard of Oz" (Phù thủy xứ Oz - 1939). Bộ phim đã nhận được 13 đề cử tại giải Oscar, giành về 5 giải trong đó có tượng vàng cho Nữ chính xuất sắc - Julie Andrews.
Đã rất nhiều năm tháng trôi qua nhưng "Mary Poppins" vẫn là bộ phim điện ảnh được yêu thích, rất phù hợp để cả gia đình cùng xem vào mỗi dịp Giáng sinh. Không cần phải nói cũng hiểu một bộ phim dành cho gia đình như "Mary Poppins" sẽ chứa đựng nhiều thông điệp nhẹ nhàng, ấm áp cho cả người lớn và trẻ nhỏ lúc quây quần.
Nhiều thập kỷ đã trôi qua, "Mary Poppins" (1964) vẫn được xem là bộ phim ca nhạc đáng xem, đến mùa Giáng sinh năm nay, diện mạo mới của "Mary Poppins trở lại" hiện đang khiến những người yêu điện ảnh háo hức gặp lại cô bảo mẫu yêu mến năm nào.
Trong văn hóa đại chúng phương Tây, "Mary Poppins" là một tác phẩm điện ảnh quen thuộc, được xem đi xem lại qua nhiều thế hệ. Với kinh phí đầu tư tối đa chỉ vào khoảng 6 triệu USD, nhưng ở thời điểm ra rạp, phim đã thu về tới 102,3 triệu USD và là một trong những phim thành công nhất về mặt nghệ thuật và doanh thu của năm 1964.
Cùng với thời gian, cô bảo mẫu Mary Poppins đã trở thành nhân vật diệu kỳ, được yêu mến nhiều tựa như một phiên bản "đối trọng" của ông già Nô-en. Mary Poppin - cô bảo mẫu trẻ trung, xinh đẹp, có đầy những phép thuật diệu kỳ, với những vật dụng lấy mãi không hết từ trong chiếc túi thần kỳ sặc sỡ may từ tấm thảm.
Trong phim, diễn xuất của nữ diễn viên Julie Andrews (vai bảo mẫu Mary Poppins) và nam diễn viên Dick van Dyke (vai anh chàng "bách nghệ" Bert) thực sự duyên dáng và ăn ý.
Bộ phim được chuyển thể từ loạt truyện "Mary Poppins" của nữ nhà văn P.L. Travers. Nếu những bộ phim dành cho trẻ nhỏ thường dễ bị "lạc lối" trong ma trận của những sự ngộ nghĩnh, dễ thương, những điều ngọt ngào; thì "Mary Poppins" dành cho cả những người lớn "không thích sến súa".
Những người muốn yêu mến và thấu hiểu tâm hồn của trẻ rất nên xem bộ phim này. "Mary Poppins" có vừa đủ sự ngọt ngào kỳ diệu, vừa đủ thực tế cuộc sống.
Bối cảnh phim đặt ở London năm 1910, một gia đình khá giả đang trở nên lộn xộn, bát nháo, vì người cha chỉ mải mê kiếm tiền, người mẹ luôn bận rộn với hoạt động xã hội, những đứa con phải học cách tự lập dưới sự hướng dẫn của hàng loạt những bà bảo mẫu cáu kỉnh. Họ đến rồi đi liên tục vì không "trụ nổi" trước những đứa trẻ nghịch ngợm của gia đình nhà Banks.
Mary Poppins (1964) - Trailer
Cô bảo mẫu Mary Poppins xuất hiện như một cô tiên, lướt đi duyên dáng trên bầu trời London, những đám mây đã đưa cô đến với hai đứa trẻ nhà Banks. Khi Mary Poppins xuất hiện, ngay lập tức, cô bắt tay vào việc lập lại trật tự trong gia đình.
Ngăn nắp, gọn gàng và hiệu quả, bài học đầu tiên mà Mary Poppins mang đến cho bọn trẻ, đó là hãy biến công việc trở thành niềm vui. Tinh thần mà bộ phim đưa đến thoạt tiên giống như bất cứ bộ phim kinh điển nào khác dành cho trẻ nhỏ, giúp mở rộng góc nhìn của trẻ và dần đưa trẻ vào một thế giới tưởng tượng đầy kỳ thú.
Những đứa trẻ nhà Banks có mong ước gì lớn lao đâu, chúng chỉ mong có cô bảo mẫu hài hước vui vẻ, xinh xắn má hồng, biết chơi nhiều trò, nhân hậu tử tế… Và Mary Poppins xuất hiện đúng như những gì bọn trẻ mong ước, một cô bảo mẫu tin rằng "vẻ đẹp chính là niềm vui của cuộc sống", cô đủ ấm áp, đủ nghiêm khắc và biến mọi nhiệm vụ trở nên vui vẻ, dễ dàng.
Về cơ bản, nội dung chuyện phim hướng tới, đó là người cha không nên hy sinh tất cả thời gian cho công việc; người mẹ nên dành nhiều thời gian hơn để ở nhà chăm sóc tổ ấm. Nội dung thông điệp của "Mary Poppins" không mới mẻ, nhưng ấm áp.
Điều đáng nói hơn nữa, ở thời điểm năm 1964, bộ phim là cả một bước tiến dài của công nghệ, nếu ngày nay ta đã quen với hoạt hình "live-action" hiện đại, thì ngày ấy, việc để diễn viên người thật diễn xuất bên hình ảnh hoạt hình là một điều gì đó lạ lẫm vô cùng.
"Mary Poppins" là sự pha trộn giữa điện ảnh - ca nhạc - hoạt hình, khiến cả người lớn và trẻ nhỏ đều tìm được điều gì đó dành cho mình khi xem phim. Những thước phim khi ấy đã từng đem lại sự háo hức vô cùng cho người xem. Khi ấy, bộ phim từng được xem là một bước tiến mới của điện ảnh với những kỹ thuật xử lý hiếm thấy.
Dù bộ phim đã ra mắt từ cách đây nhiều thập kỷ, nhưng những bài học mà cô bảo mẫu Mary Poppins đưa lại vẫn còn đó, để ngay cả chúng ta cũng có thể học hỏi được ít nhiều từ những điều không bao giờ cũ trong phim.
Mary Poppins thuyết phục bọn trẻ uống thuốc bằng câu hát "một thìa đường khiến thuốc đắng trôi nhanh", trong cuộc sống này nụ cười giống như thìa đường, giúp cứu chữa gần như mọi chuyện. Niềm vui chính là điều mà cô bảo mẫu luôn nhấn mạnh xuyên suốt bộ phim.
Khi mới bước vào nhà Banks, cô yêu cầu bọn trẻ dọn phòng ngay, dù cả hai đứa nhóc đều thấy chán ngấy việc này. Cô bảo mẫu khiến bọn trẻ hiểu rằng nhiệm vụ nhàm chán cũng có thể chứa đựng niềm vui, và khi tìm thấy niềm vui, ta sẽ làm xong nhanh chóng, dễ dàng.
Niềm vui trong phim còn bắt gặp ở cách nhân vật người cha lúc đối diện trước những sếp lớn muốn sa thải ông, khi ấy, ông đã nhớ tới những trò vui "ngớ ngẩn" thường ngày của cô bảo mẫu và bắt đầu học được cách cười đùa, thư giãn ngay giữa lúc áp lực lớn nhất...
Mary Poppins là một cô bảo mẫu vừa đủ nghiêm khắc vừa đủ yêu thương, để giúp cho không chỉ những đứa trẻ, mà ngay cả phụ huynh có thể học cách sống vui vẻ, tròn đầy hơn trong cuộc sống.
MARY POPPINS TRỞ LẠI - Trailer