Giám đốc Nghệ thuật VCCA: “Chúng tôi kỳ vọng sẽ tạo nên sự cân bằng”
Những ngày này, Mizuki Endo, Giám đốc Nghệ thuật Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA) đang ở Tokyo chuẩn bị cho buổi nói chuyện về nghệ thuật tại Đại học Tokyo, Nhật Bản sau 1 tháng thăm từng ngóc ngách của Documenta #14 (Berlin, Đức) – triển lãm nghệ thuật đương đại lớn nhất thế giới chỉ diễn ra 5 năm một lần.
Anh chia sẻ về những dự định ấp ủ mà anh sẽ hiện thực hóa tại VCCA khi quay trở lại Hà Nội đầu tháng 8 này.
Đầu tiên, xin chúc mừng ông và cộng sự về kết quả rất đáng quan tâm: gần 43.000 lượt khách đến VCCA trong vỏn vẹn 1 tháng đầu tiên. Điều này có nằm trong dự tính ban đầu của VCCA hay không?
VCCA trưng bày nghệ thuật ‘Mới” và điều đó kích thích sự quan tâm của công chúng. Vị trí nằm trong trung tâm thương mại sầm uất cũng góp phần giúp đem tới con số ấn tượng này. Nhưng phải nói rằng điều này thực sự rất ngạc nhiên, và chúng tôi rất vui mừng.
Mục tiêu của VCCA là đưa mỹ thuật đương đại tới gần hơn với tất cả mọi người, không chỉ riêng giới mỹ thuật. Bởi vậy kết quả này thật sự là một sự khích lệ với chúng tôi. Chúng tôi cũng coi đó là một lời cam kết ngầm, rằng VCCA sẽ không ngừng cố gắng, giới thiệu tới công chúng ngày càng nhiều triển lãm và hoạt động với chất lượng ngày càng cao.
Vậy còn sự quan tâm của giới chuyên môn, thưa ông?
Quả là một điều may mắn khi chúng tôi đang nhận được sự quan tâm của cả công chúng lẫn các nghệ sĩ, nhà phê bình... Không ít họa sĩ, chuyên gia trong và ngoài nước đã chủ động tìm tới chúng tôi, mang tới những đề xuất thật sự tuyệt vời. Có những người nói rằng họ đã ấp ủ những dự định đó từ lâu, chỉ chờ cơ hội hiện thực hóa, và bây giờ là thời điểm vàng ấy.
VCCA sẽ lựa chọn tác phẩm trưng bày thế nào. Dựa trên cách thức bố trí không gian để tuyển lựa tác phẩm phù hợp hay ngược lại?
Cả hai. Đôi khi chúng tôi yêu cầu các nghệ sĩ tạo ra những tác phẩm mới phù hợp với không gian. Điều này cần có đủ sự thảo luận giữa nghệ sĩ và nhóm chuyên môn của VCCA để đảm bảo rằng tác phẩm có thể phù hợp với không gian. Chi phí và các tư vấn về kỹ thuật sẽ được VCCA cung cấp. Còn lại, nhóm chuyên môn cũng sẽ chọn tác phẩm thích hợp cho không gian.
Được biết ông đã thay mặt VCCA tham dự một số sự kiện nghệ thuật quốc tế thời gian qua. Ông có nhận xét gì về các sự kiện này năm nay?
Tôi với tư cách Giám đốc Nghệ thuật của VCCA đã tới thăm một số Art Basel, Venice Biennale, Munster Sculpture Project, Documenta 14, và triển lãm Sunshower tại bảo tàng Mỹ Thuật Mori (Nhật Bản). Tôi cảm thấy mỹ thuật đương đại đang đánh dấu bước ngoặt của nó. Rõ nhất là tinh thần phản ánh và phê bình việc thương mại hóa nghệ thuật. Toàn cầu hóa, chính trị hóa, sự hiện diện của IS và các vấn đề về nhập cư... những chủ đề ấy cũng là mối quan tâm lớn của các hoạt động nghệ thuật hiện nay...
Ngoài ra tôi cũng nhận thấy những tín hiệu tốt khác. Một số nghệ sĩ Việt Nam như Thu Van Tran đang được cộng đồng mỹ thuật quốc tế nhắc tới. Tuy nhiên đây là một số trường hợp khá hiếm hoi. Tôi hy vọng sẽ ngày càng có nhiều nghệ sĩ Việt Nam tham gia vào các sự kiện mỹ thuật quốc tế. VCCA cũng sẽ cố gắng hỗ trợ nghệ sĩ trong việc đó.
Thời gian gần đây tại VN bắt đầu có các hoạt động thương mại nghệ thuật hướng tới mô hình chuyên nghiệp, sức mua cũng đáng kinh ngạc. Theo ông đây có phải tín hiệu đáng mừng không? Chúng ta cần làm những gì để xây dựng thị trường mỹ thuật lành mạnh, chuyên nghiệp?
Bất cứ nền mỹ thuật nào cũng có tiêu chuẩn kép. Điều đó rất tự nhiên. Nhưng chúng ta phải lo lắng về việc đánh giá quá cao tác phẩm. Giá trị thực sự của tác phẩm mỹ thuật sẽ không được xác định duy nhất bởi thị trường mỹ thuật trong nước. Đây là kết quả của một quá trình lâu dài của các hoạt động bảo tàng, thị trường mỹ thuật quốc tế, phê bình mỹ thuật và giáo dục mỹ thuật. Sự tác động lẫn nhau của mỗi bộ phận tạo sẽ nên những nền mỹ thuật chuyên nghiệp, vững chắc.
Những trung tâm nghệ thuật như VCCA bắt đầu xuất hiện. Đấu giá cũng đã có mặt tại đây, tại Việt Nam thời điểm này. Đó là những dấu hiệu đáng mừng. Tất cả chúng ta đều phải cố gắng, và duy trì các câu hỏi, chức năng của mỹ thuật là gì đối với con người, xã hội và tương lai?
Ông có thể chia sẻ những kế hoạch đang ấp ủ để đưa nghệ thuật Việt Nam tiếp cận gần hơn với nghệ thuật thế giới?
Mỹ thuật Việt Nam có tiềm năng lớn nhưng hầu hết các nghệ sĩ đều thiếu thông tin, sự tự tin và kinh nghiệm. Tất nhiên vẫn có những nghệ sĩ tự khẳng định và tìm được vị trí nhưng không nhiều. Mỹ thuật quốc tế phát triển dựa trên các nguyên tắc của nó. Tất các chúng ta phải biết về điều đó. Để làm việc đó, tôi sẽ mang phương thức và tư liệu từ viện HAPs mà tôi điều hành, đó là chương trình hỗ trợ nghệ sĩ tại Kyoto, Nhật Bản.
Tôi cũng đang lắng nghe ý kiến từ cộng đồng nghệ thuật quốc tế và sẽ mang những đóng góp ấy vào các hoạt động của VCCA, tạo nên sự cân bằng cho cộng đồng mỹ thuật, cho công chúng và cho các nhà bảo trợ mỹ thuật.
Xin cảm ơn ông và chúc VCCA ngày càng thành công!