“Giai điệu tự hào” tái hiện từng lát cắt lịch sử

(Dân trí) - Những ca khúc kinh điển được xem như báu vật tinh thần, niềm tự hào của dân tộc sẽ được trình diễn trong chương trình truyền hình “Giai điệu tự hào”. Từ ký ức của lịch sử âm nhạc nói riêng, bức tranh lịch sử, văn hóa xã hội được khắc họa rõ nét.

Sáng nay, ngày 16/1, Đài truyền hình Việt Nam ra mắt chương trình truyền hình mới có tên Giai điệu tự hào được mua bản quyền từ chương trình truyền hình Tài sản quốc gia của Nga.

Chương trình ra đời với mục đích khắc họa lại những giai đoạn lịch sử dân tộc thông qua các ca khúc ở những thời ký sáng tác khác nhau, hứa hẹn sẽ mang đến một không gian nghệ thuật mới mẻ cho người xem truyền hình bên cạnh những chương trình truyền hình thực tế về giải trí.
 
“Giai điệu tự hào” tái hiện từng lát cắt lịch sử

Ban tổ chức kể về hành trình gian nan khi đưa "Giai điệu tự hào" về Việt Nam tại buổi ra mắt sang ngày 16/1

Giai điệu tự hào được thực hiện dựa trên format chương trình truyền hình đã đạt nhiều thành công trong 4 năm qua tại Nga, Tài sản quốc gia. Đây không phải đơn thuần là chương trình âm nhạc làm mới các ca khúc từng được yêu thích trong nhiều thập kỷ trước, điều đặc biệt nhất của chương trình nằm ở phần tọa đàm của các khách mời bình luận thuộc hai thế hệ đối lập. Sau mỗi tiết mục biểu diễn, họ chia sẻ những quan điểm cá nhân về bài hát, về ký ức văn hóa xã hội.

Chia sẻ tại buổi ra mắt, nhà biên kịch Phan Huyền Thư cho biết quá trình Việt hóa rất gian nan của chương trình âm nhạc ý nghĩa này. “ Những người làm chương trình hy vọng Giai điệu tự hào sẽ dần đẩy những chuẩn mực về thẩm mỹ nghe nhạc gần với nhau hơn, chinh phục được nhiều khán giả ở mọi tầng lớp, vùng miền để các thế hệ có thể đối thoại với nhau”, Phan Huyền Thư nói.

Với tư cách là người chịu trách nhiệm nội dung chương trình, nhà biên kịch Phan Huyền Thư cho biết, sẽ cố gắng tái tạo những giai đoạn lịch của dân tộc thông qua giai đoạn sáng tác ca khúc. Chương trình sẽ xây dựng các số theo từng chủ đề và không chỉ bó hẹp ở những ca khúc cách mạng, sôi sục ý chí chiến đấu giành độc lập cho tổ quốc. Mỗi một thập niên sẽ được ê-kíp lựa chọn những ca khúc tiêu biểu để xây dựng một chủ đề âm nhạc, mỗi số sẽ có từ 6 đến 8 ca khúc được trình bày.

Qua đó, chương trình sẽ có những ca khúc kinh điển cách mạng, khắc họa lại giai đoạn âm nhạc thập niên 50 – 60 của miền Nam Việt Nam, thậm chí ê-kíp không ngại làm một chương trình về nhạc vàng…
 
NSND Quang Thọ thể hiện Tôi là người thợ lò trong số đầu tiên của chương trình
NSND Quang Thọ thể hiện "Tôi là người thợ lò" trong số đầu tiên của chương trình

Tân Nhàn với Bài ca năm tấn

Tân Nhàn với "Bài ca năm tấn"

Điểm khác lạ và chỉ thuần nghệ thuật của chương trình chính là chương trình có phần bình chọn của khán giả nhưng không đặt nặng tính cạnh tranh giải thưởng. “Chương trình sẽ không có giải thưởng cho ca khúc, cũng không có giải thưởng cho ca sỹ thể hiện”, đại diện BTC khẳng định. Hai ca khúc có lượng bình chọn cao nhất mỗi số phát sóng sẽ được trình diễn trong đêm Gala tôn vinh cuối năm 2014. Theo BTC chương trình, sự xuất hiện trong chương trình, cũng như đêm vinh danh cuối năm là phần thưởng tinh thần rất to lớn và ý nghĩa đối với tác phẩm cũng như ca sỹ thể hiện.

Ngoài biên kịch Phan Huyền Thư, nhạc sỹ Quốc Trung đảm nhận vai trò giám đốc âm nhạc, đạo diễn Việt Tú đảm nhận đạo diễn sân khấu của chương trình.

Số đầu tiên của Giai điệu tự hào  mang chủ đề Bài ca năm tấn sẽ lên sóng vào tối nagfy 25/1/2014. Một số ca khúc được thể hiện trong số này là Cô thợ hàn do Đàm Vĩnh Hưng thể hiện, Tôi là người thợ lò do NSND Quang Thọ biểu diễn, Những ánh sao đêm do Đức Tuấn thể hiện và băng âm thanh của NSND Quốc Hương, Bài ca năm Tấn qua phần biểu diễn của Tân Nhàn và Quảng Bình quê ta ơi với phần biểu diễn của ca nương Kiều Anh cùng tốp chèo.  Sau số đầu tiên, chương trình sẽ được phát sóng vào thứ 7 cuối cùng hàng tháng trên kênh VTV1 và phát lại trên kênh VTV3.

“Tôi có cơ hội xem số đầu tiên của chương trình và thấy đây là chương trình âm nhạc ồn ào nhưng ồn ào một cách thích thú, vô cùng ý nghĩa”, nhà báo Hữu Thọ- Nguyên trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương chia sẻ tại buổi họp báo. 

Hà Thanh