Giấc mơ “chân lấm tay bùn” bước ra từ tranh Đông Hồ
(Dân trí)- Xuất hiện vào khoảng thời Lý (1010 – 1225) và Hồ (1400 – 1414), được phát triển vào thời Lê (1535 – 1788) song thời thịnh vượng nhất của tranh Đông Hồ là vào thế kỷ XVII, XVIII. Làng Đông Hồ ngày xưa còn có tên gọi khác là Làng Mái, nằm bên bờ sông Đuống.
Trong Festival Hào khí Kinh Bắc 2014 vừa qua diễn ra tại Bắc Ninh, triển lãm tranh Đông Hồ đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của du khách.
Xuất hiện vào khoảng thời Lý (1010 – 1225) và Hồ (1400 – 1414), được phát triển vào thời Lê (1535 – 1788) song thời thịnh vượng nhất của tranh Đông Hồ là vào thế kỷ XVII, XVIII. Làng Đông Hồ ngày xưa còn có tên gọi khác là Làng Mái, nằm bên bờ sông Đuống.
Tranh Đông Hồ được sáng tạo bởi những người nông dân với vẻ đẹp chất phác, hồn nhiên, gần gũi với đời thường. Chủ đề chính của tranh Đông Hồ giản dị nằm trong cuộc sống sinh hoạt đời thường, thể hiện khát vọng no đủ, mùa màng bội thu, hạnh phúc viên mãn. Những ước mơ giản dị, thân thuộc của người nông dân "chân lấm tay bùn" đã đi vào tranh dân gian Đông Hồ một cách tự nhiên. Trước kia, tranh chủ yếu được bán trong dịp Tết Nguyên đán ở các chợ quê nên còn có tên gọi khác là tranh Tết.
Từ đời xưa, các cụ đã làm tranh Đông Hồ bằng chất liệu hoa lá, cỏ cây, từ trên rừng xuống đáy biển mới tạo thành một bức tranh. Trên rừng là vỏ cây dó để làm nên giấy dó, dưới biển là mai con điệp giã nhỏ rồi phết lên trên. “Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” chính là những nền điệp óng ánh này. Màu sắc trong tranh Đông Hồ hầu hết là từ thiên nhiên. Màu trắng lấy từ vỏ điệp, màu đỏ lấy từ sỏi non (đá ong non) ở vùng trung du Hiệp Hoà (Hà Bắc), màu vàng lấy từ hoa hòe ( loại hoa thơm, nhỏ có thể pha nước uống như uống trà), màu xanh lấy từ lá cây chàm, màu đen chế từ than lá tre khô. Vì thế tranh thường có màu sắc tươi tắn và lâu phai.
Tuy nhiên, tranh thủ công Đông Hồ công phu ở chỗ khi in tranh phải in lần lượt từng màu, in xong 1 màu lại mang ra phơi, khô lại mang vào in màu thứ 2. Bức tranh có 5 màu thì tương ứng với 5 lần in. Vì vậy, để hoàn thiện một bức tranh Đông Hồ thường mất khá nhiều thời gian. Thế nhưng mỗi bức tranh Đông Hồ bán ra thường có giá thành không cao như các loại tranh nghệ thuật khác.
Cô Oanh (con gái Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam) đang giải thích nội dung tranh cho du khách.
Tranh Đông Hồ thu hút các em nhỏ.
Không giống như tranh hiện đại, quan trọng về sáng tối, luật xa gần, tranh Đông Hồ hấp dẫn ở bố cục, màu sắc dân giã, tất cả đều sử dụng lối vẽ đơn tuyến bình đồ để thể hiện. Điểm độc đáo trong tranh Đông Hồ đó là trên tranh thường có thơ cổ, câu đối, tục ngữ bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm, phần chữ trong tranh giúp cho người thưởng tranh có thể hiểu được ý nghĩa sâu xa của bức tranh.
Đôi tranh “Vinh hoa-Phú quý” thể hiện ước nguyện một tương lai vinh hiển sẽ đến.
“Hứng dừa”
“Cưỡi trâu thả diều”
“Chợ quê”
Hiện nay, ở làng Đông Hồ chỉ còn 4 gia đình còn giữ lại truyền thống làm tranh Đông Hồ, hầu hết đều đã chuyển sang nghề làm hàng mã vì có thu nhập cao hơn. Thông thường, các nghệ nhân khi làm xong tranh thường không cần phải mang đi bán mà các du khách, thương buôn sẽ vào tận nhà để hỏi mua. Bởi đã có thương hiệu nên rất nhiều người lặn lội đến tận Làng để mua, cũng như tìm hiểu về nghệ thuật làm tranh độc đáo này.
Cuộc sống hiện đại, không còn thuần nông như trước nhưng những bức tranh Đông Hồ vẫn còn vẹn nguyên những giá trị xưa cũ của nó. Nét phóng khoáng trong tranh khiến người ta vẫn mơ về một cuộc sống bình dị, hồn nhiên. Một vài tờ tranh Đông Hồ bên cạnh mâm ngũ quả ngày Tết vẫn là điều rất thiêng liêng trong lòng nhiều người Việt.