PGS.TS - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân:
Gia tài lớn trong căn phòng 35m2
Lúc nào cũng bận rộn với công việc, có lẽ Đỗ Hồng Quân chỉ đích thực là chính mình khi ngồi bên cây đàn. Những ký ức cứ tràn về. Tôi im lặng nghe câu chuyện của anh từ những suối nguồn âm thanh lãng mạn và mênh mông cảm xúc.
“Gia tài” đồ sộ
Người ta hay nhắc đến chuyện nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đóng phim “Thằng Cuội” (1989) như một sự khích lệ đáng yêu. Có người còn nói, không những anh là một nhạc sĩ đầu tiên mà còn là Tiến sĩ đầu tiên đóng phim. Ấy còn chưa kể anh mới được Nhà nước phong hàm Phó Giáo sư (10-2015). Nhưng thật ra những tác phẩm âm nhạc viết cho phim và sân khấu của anh mới là câu chuyện đáng nể.
Đúng nghề, đúng tài. Một kỷ lục từ trước đến nay chưa ai có, mà anh đã đạt được đó là 6 giải thưởng cho âm nhạc trong Liên hoan phim vào các năm 1986-1990-1993-1995-2000-2004. Đó là những tác phẩm viết cho các phim như: “Mùi cỏ cháy”; “Bến không chồng”; “Cuốc xe đêm”; “Những người thợ xẻ”; “Người yêu đi lấy chồng”...
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân tâm sự, viết nhạc cho phim, hay sân khấu rất gần gũi với sáng tác nhạc không lời cho một dàn nhạc với những chủ đề đã được xác định. Người viết cần có sự đam mê thật sự và cảm xúc dồi dào. Đỗ Hồng Quân còn là một người viết nhạc cho các vở kịch hát hay ballet rất thành công như “Hồng Hoang” (Ballet), “Câu chuyện tình” (Kịch hát) và “Nàng Silami” (kịch hát)…
Anh bảo năm nay tròn 60 tuổi, anh sẽ cho ra đời một vở Opera về con đường 20 như bộ sử thi bằng âm nhạc về sự hy sinh của những nữ chiến sĩ anh hùng, hiến dâng tuổi trẻ cho cuộc chiến đấu thần thánh của dân tộc.
Những giai điệu ấm áp của bản “Đối thoại” đưa tôi vào một trường âm thanh rạo rực nỗi niềm về tình yêu cuộc sống. Ngồi trong căn phòng tình yêu của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, được nghe anh đàn, tôi bị cuốn hút với âm hưởng mơ mộng về một vườn âm thanh đang tràn về đây. Một tổ ấm mộc mạc đơn sơ đến không tưởng này cũng tràn đầy kỷ niệm mà tôi khó có thể hình dung...
Vận may chưa đến
Mới đây khi đến nhà thăm anh, tôi có dịp được anh đàn cho nghe tác phẩm “Đối thoại”, sau chuyến đi biểu diễn ở Philippines cuối năm 2015. Tôi ngồi vừa nghe nhạc vừa ngắm căn phòng cùng cây dương cầm với những nghĩ suy bâng khuâng. Đây là căn phòng mà hai đời Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam đã gắn bó. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân kể gia đình anh ở đây từ năm 1956, khi anh mới chào đời. Nhiều tác phẩm âm nhạc của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận được viết từ căn phòng này.
Đến đời nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng vậy, không rời đi đâu. Lấy vợ, sinh con, chăm nom bố mẹ ốm đau cho đến khi mất vẫn tại căn phòng này, vỏn vẹn chừng 35 mét vuông. Thấy lạ, tôi hỏi sao đến 3 khóa làm chủ tịch mà anh không kiếm lấy một mảnh đất làm nhà. Đỗ Hồng Quân nở một nụ cười “chú Cuội” hết sức chân tình giải thích, tại cái số không may, mọi cơ hội không đến lượt mình.
Thế còn cô vợ Chiều Xuân có tiếng giỏi giang, xinh đẹp, một nữ giám đốc công ty làm phim mà cũng chịu à? Đỗ Hồng Quân lại cười. Anh nói, đã gần ba mươi năm chung sống, nghệ sĩ Chiều Xuân cũng không có đòi hỏi gì hơn. Tất cả tình cảm tâm trí đều dồn vào công việc và chăm sóc chồng con, Chiều Xuân chỉ mong một cuộc sống bình yên và hạnh phúc. Hai vợ chồng vẫn hàng ngày dắt xe len lách vào lối đi nhỏ hẹp, bước lên những bậc cầu thang cũ kỹ để vào căn phòng tình yêu.
Thật bất ngờ khi câu chuyện của chúng tôi bàn đến công việc đào tạo của anh ở Học viện Âm nhạc Quốc gia đã vài chục năm qua. Đây cũng là cái nôi nuôi dưỡng anh những ngày đầu tiên vào con đường âm nhạc. Việc được nhận hàm Phó Giáo sư của anh là một thành quả lớn trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo.
Nhiều học trò của anh trưởng thành và có những sáng tạo đáng kể cho các dòng âm nhạc, như Vũ Thiết, Vũ Thảo, Lương Minh, Trần Nhật Dương... hay sau này có Phạm Minh Thành, Đỗ Bảo, Lưu Hà An... Nói về chuyện này, anh tâm sự chính việc giảng dạy và đào tạo thích hợp với mình nhất. Đó là niềm vui bên cạnh sự say mê sáng tạo. Khi ấy, triết lý âm nhạc của anh được lan tỏa làm bệ phóng cho những thế hệ tiếp nối bay cao.
Theo Vương Tâm
An Ninh Thủ Đô