Gia đình nhà văn Ngô Tất Tố phản ứng về quyền nhân thân của tác giả

(Dân trí) - Trao đổi cùng PV Dân trí chiều 17/11, vợ chồng con gái nhà văn Ngô Tất Tố bức xúc khi cho rằng hai cuốn “Lều chõng” và “Việc làng” của NXB Hội nhà văn liên kết cùng Nhã Nam phát hành trong năm 2014 đã có nhiều vi phạm quyền nhân thân của tác giả. “Rất nhiều đoạn trong sách bị cắt bỏ mà không giải thích rõ ràng”.

Gia đình nhà văn Ngô Tất Tố phản ứng về quyền nhân thân của tác giả

Tác phẩm Lều chõng và Việc làng do NXB Hội nhà văn liên kết cùng Nhã Nam phát hành trong năm 2014 

“Việc tác phẩm của nhà văn Ngô Tất Tố được nhân rộng, lan truyền tới đông đảo độc giả là việc làm rất đáng quý, cũng là ước nguyện của các cụ đối với các thế hệ bạn đọc. Tuy nhiên đối với hai tác phẩm “Việc làng” và “Lều chõng” mà nhà xuất bản Hội nhà Văn liên kết cùng Nhã Nam thực hiện là không được và chúng tôi cần lên tiếng bởi vấn đề liên quan đến quyền nhân thân của tác giả - quyền bảo vệ toàn vẹn tác phẩm vĩnh viễn”, vợ chồng con gái nhà văn Ngô Tất Tố, ông Cao Đắc Điểm và bà Ngô Thị Thanh Lịch mở đầu buổi chuyện trò cùng PV Dân trí như vậy.

Thông tin cung cấp cho chúng tôi, ông Cao Đắc Điểm cho biết, tác phẩm Lều chõng xuất hiện lần đầu năm 1939, trên báo “Thời vụ” - báo ra thứ ba và thứ sáu do Nguyễn Đức Bính làm Chủ bút, được Nhà xuất bản Mai Lĩnh in thành sách năm 1941. Tác phẩm Việc làng đăng lần đầu trên tuần báo “Hà Nội tân văn” (1940) theo gợi ý của Chủ bút Vũ Ngọc Phan, được NXB Mai Lĩnh in thành sách (1941). Những bản đăng trên báo và in thành sách này đều do đích danh nhà văn viết khi còn sống. Phản ứng trước bản Việc làng đăng trên báo đã bị cắt bỏ đến 789 chữ, Ngô Tất Tố đã viết lại đầy đủ cho tất cả nội dung đã đị cắt bỏ này và đã chuyển hai câu chuyện (không thể gọi là "đoạn" như có nhà nghiên cứu đã viết) ở khoảng giữa bản đăng báo sang cuối để kết thúc toàn tập phóng sự khi in thành sách.

Về Tiểu thuyết phóng sự Lều chõng khi in thành sách năm 1941 của Nhà Mai Lĩnh đã bị kiểm duyệt hồi Pháp thuộc, cắt bỏ gần 1.000 chữ ở gần 20 chỗ. Điển hình nhất là không có các đoạn “Cô Nghè Thúy ngồi võng trong lễ vinh quy” cắt tới 79 chữ; đoạn “Bói Kiều” cắt tới 90 chữ; xử phạt tội trai gái của một nho sĩ cắt tới 196 chữ, làm bài thuê ngay tại trường thi bị cắt bỏ tới 282 chữ…

Đây là những nội dung chỉ trích, phê phán giới quan lại, nho sĩ trong bộ máy cai trị phong kiến là tay sai của chính phủ Bảo hộ. Tất cả những điều này Ngô Tất Tố đã viết kỹ khi cho đăng trên báo Thời vụ năm 1939. Nghiên cứu nghiêm cẩn để lấy nội dung xuất xứ từ bản cho đăng báo lần đầu bổ sung cho bản in thành sách lần đầu và ngược lại là khoa học và chính xác. Ông Điểm nêu rõ: Đây không phải là việc làm của riêng chúng tôi mà chính Ngô Tất Tố đã làm khi sáng tác và trước đây nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ đã làm. Ngay khi làm hai cuốn sách này, tự NXB Hội nhà văn cũng sử dụng kết quả đối chiếu hai bản đăng báo và in thành sách có ghi rõ cụ thể mà lại cho rằng đây là ý riêng của Ông Điểm áp đặt cho giới nghiên cứu và nhà xuất bản.

Ông Điểm nhấn mạnh, mâu thuẫn là khi làm sách Việc làng, NXB Hội Nhà văn nặng về dựa vào bản đăng báo, khi làm Lều chõng lại thiên về bản in thành sách vốn có nhiều chỗ bị kiểm duyệt mà không bổ sung được. “Nếu chỉ in mà không giải thích được những chỗ cắt thì công chúng sẽ không hiểu, và đó cũng khác nào là vô tình đồng ý với kiểm duyệt hồi Pháp thuộc”, ông Điểm nói. Ông cũng cho hay, trong bản cũ ghi rất rõ ràng cẩn thận là “kiểm duyệt hồi Pháp thuộc”, còn ở đây chỉ ghi cụt lủn “kiểm duyệt cắt bỏ”.

Gia đình nhà văn Ngô Tất Tố phản ứng về quyền nhân thân của tác giả

Ông Cao Đức Điểm cùng vợ đã cung cấp những tư liệu khẳng định các tác phẩm đầy đủ của nhà văn Ngô Tất Tố cùng PV Dân trí chiều 17/12

Cũng theo tài liệu cung cấp cho chúng tôi, ông Điểm cho biết: Trong số 15 chỗ của Lều chõng bị kiểm duyệt thời Pháp cắt bỏ thì Ông Phan Cự Đệ mới bổ sung được 5 chỗ. Cho tới nay Ông Điểm đã bổ sung đầy đủ. Đối với Việc làng cũng tương tự như vậy, Ông Phan Cự Đệ mới bổ sung qua lại giữa hai bản đăng báo và in sách được 4-5 chỗ, còn lại Ông Điểm đã hoàn chỉnh đầy đủ. Kết quả các công trình nghiên cứu này vợ chồng Ông Điểm đã công bố từ trước đây nhiều năm. Cụ thể là: đã in thành sách Lều chõng (Nxb Văn học, 2009) và sách "Việc làng và các tập phóng sự (Nxb Văn hoá &Thông tin, 2007). Và đều đã đăng ký bản quyền quyền tác giả biên soạn và chủ sở hữu chứ không viết chung chung là "Bản quyền tác phẩm đã được bảo hộ". Trong sách Tổng thư mục Ngô Tất Tố (Nxb Thông tin & Truyền thông, 2010) Ông Điểm đã khẳng định Ngô Tất Tố không chỉnh sửa thêm lần nào về hai cuốn sách này nói riêng và tất cả các tác phẩm của tác giả không hề có nhuận sắc (chỉnh sửa để thay đổi), và tất cả các tác phẩm sáng tác, trước hết được Ngô Tất Tố cho đăng báo để sớm đến tay bạn đọc, sau đó mới cho in thành sách. Đó là "thao tác" sáng tác rất đặc sắc, tận dụng đặc điểm gắn kết "văn với báo - hai anh em sinh đôi". Vợ chồng ông Điểm hiện lưu giữ đầy đủ và chi tiết các tư liệu của quá trình "khảo cứu văn bản học" các tác phẩm của Ngô Tất Tố.

Khẳng định với Dân trí trước vấn đề quyền nhân thân tác giả, ông Cao Đắc Điểm cho rằng: “Cần phải khôi phục đầy đủ những gì mà trước đó đã bị Pháp kiểm duyệt cắt bỏ trong tác phẩm. Nhà văn Ngô Tất Tố là một nhà văn hiện thực, không phải là người có những bản thảo viết nhuận sắc (là chỉnh sửa để thay đổi - theo ý ông Cao Đắc Điểm) mà cụ là người đã viết là dứt khoát có cân nhắc, vì thế nhất định phải giải thích đầy đủ điều này trong sách”. Ông Điểm cũng nhấn mạnh quyền nhân thân bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho phép người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào. Cũng chính điều đó, gia đình nhà văn Ngô Tất Tố lên tiếng bởi đến nay nhà văn Ngô Tất Tố đã mất 60 năm (1894-1954) “bản quyền tài sản” đối với các tác phẩm của ông đã không còn thì “bản quyền nhân thân” theo Luật Sở hữu trí tuệ được bảo hộ vĩnh viễn “và phải thực hành theo quy định”, ông Điểm nói.

Một số điểm trong sách in sai từ và cụm từ, vợ chồng con gái nhà văn Ngô Tất Tố cung cấp:

Trong Tiểu thuyết phóng sự Lều chõng:

Không hiểu "đãi dạ lai - mời đến canh khuya" in thành "đáo dạ lai"; "tiêu trường hạ - trôi đi ngày dài của mùa hè" in thành "tiêu tường hạ"; "huyễn tưởng - nghĩ và tin các điều không có thực" in thành "viễn tưởng"; "gàn quải - cản trở" in thành "gàng quải"; "vặt diệt - ra hiệu cho trâu cày quay đầu" in thành "vật diệc"... ; nhiều từ Việt cổ không được giải nghĩa như: "ấp tốn" là vái lạy, "duốc" (phỏng đoán) là làm cho không tỉnh táo, phải tin theo, "núc tay" là cài xen các ngón hai bàn tay, "nai rượu" là bình đựng rượu...

Trong Phóng sự Việc làng:

Không hiểu "đẫy chà" là hội lớn in thành "dẫy chà"; "chung dục" in thành "chung đực"; "kỳ cựu" in thành "lý cựu"; "ẻo lên ẻo xuống" thành "co lên ẻo xuống"; "túng thiếu làm quanh" in thành "túng thiếu quanh năm"; "hàng xóm tám mươi mấy suất" in thành "hàng xóm ta mươi mấy suất"...

Ngoài ra, ông Cao Đắc Điểm cho rằng bản in của Nxb Hội Nhà văn đã quá lạm dụng, khi ghi rất "mập mờ" nhưng lộ rõ thâm ý, sau khi in dòng chữ Ấn bản Việc làng và Lều chõng là của Công ty Văn hoá & Truyền thông Nhã Nam lại đã nhấn mạnh "Bản quyền tác phẩm đã được bảo hộ". Không nên giải nghĩa quá thô thiển và ngớ ngẩn về cụm từ "All rights reserved". Rất giản đơn, "All rights reserved" thường đi kèm với "copyright", có nghĩa là tác giả hay nhóm tác giả có mọi quyền hạn (right: quyền hạn) trên sản phẩm đã được đăng ký bản quyền của họ. Điều không thể biện bạch được là đối tác liên kết đã lấn sân nhà xuất bản, cố viết lấy được về chuyện bản quyền. Vì vậy mới đe doạ: "Mọi hình thức xuất bản, sao chụp, phân phối, dưới dạng in ấn hoặc văn bản điện tử, đặc biệt là việc phát tán trên mạng Internet mà không có sự cho phép văn bản của Nhà xuất bản là vi phạm pháp luật…”.

Quyền của tác giả (quyền tác giả) bao gồm những quyền gì?

Quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả đối với tác phẩm do mình sáng tạo.
- Quyền nhân thân gồm các quyền: Đặt tên cho tác phẩm; đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm, nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; công bố, phổ biến hoặc cho người khác công bố, phổ biến tác phẩm của mình; bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho phép người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

+ Tác giả không đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm có các quyền nhân thân đối với tá c phẩm mà mình sáng tạo gồm: đặt tên cho tác phẩm; đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm, cho phép hoặc không cho phép người khác sửa đổi nội dung của tác phẩm.

+ Chủ sở hữu tác phẩm không đồng thời là tác giả có các quyền nhân thân đối với tác phẩm gồm: công bố, phổ biến hoặc cho người khác công bố, phổ biến tác phẩm thuộc sở hữu của mình, trừ trường hợp giữa tác giả và chủ sở hữu có thảo thuận khác; cho hoặc không cho người khác sử dụng tác phẩm thuộc quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp giữa tác giả và chủ sở hữu có thoả thuận khác (Điều 19 Luật SHTT, Điều 22 Nghị định 100/106/NĐ-CP).

- Quyền tài sản bao gồm:
+ Đối với tác giả đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm có các quyền như được hưởng nhuận bút; được hưởng thù lao khi tác phẩm được sử dụng; được hưởng lợi ích vật chất từ việc cho người khác sử dụng tác phẩm dưới các hình thức như xuất bản, tái bản, trưng bày, truyển lãm, biểu diễn, phát thanh, truyền hình, ghi âm, ghi hình, chụp ảnh; dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể, cho thuê; được nhận giải thuởng đối với tác phẩm mà mình là tác giả.

+ Đối với tác giả không đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm có các quyền tài sản đối với tác phẩm mà mình là tác giả gồm: được hưởng nhuận bút; được hưởng thù lao khi tác phẩm được sử dụng; được nhận giải thưởng đối với tác phẩm mà mình là tác giả.

Chủ sở hữu không đồng thời là tác giả được hưởng lợi ích vật chất từ việc sử dụng tác phẩm dưới các hình thức xuất bản, tái bản, trưng bày, triển lãm, biểu diễn, phát thanh, truyền hình, ghi âm, ghi hình, chụp ảnh; dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể, cho thuê (Điều 22 Luật SHTT, Điều 23 Nghị định 100/2006/NĐ-CP). (Theo Bộ KH&CN)


Hoàng Vân