Gia đình làm vườn rau trên không xanh mướt nhờ rác thải nhà bếp

Hà Hiền

(Dân trí) - Tận dụng vỏ rau củ, chuối, vỏ trứng, bã cà phê… chị Thu Quỳnh mang ủ để tưới cho rau, tạo nên khu vườn quanh năm xanh mướt trên sân thượng.

Chị Nguyễn Thu Quỳnh (42 tuổi) ở Hà Nội, là nhân viên của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Làm việc ở Ngôi nhà Xanh UN Green House và được tổ chức tuyên truyền về lối sống xanh nên đã truyền cho chị động lực trồng rau, làm vườn để có thực phẩm sạch cho gia đình và giúp thư giãn.

Khu vườn nhà chị Quỳnh nằm trên tầng 4 của ngôi nhà, chỉ rộng khoảng 15m2. Vì diện tích eo hẹp nên chị ưu tiên trồng các loại rau ăn lá, rau thơm ngắn ngày để có thể thu hoạch nhiều lần như: Húng quế, hành, rau muống, mồng tơi, rau lang, rau đay, dền, cải mơ…

Gia đình làm vườn rau trên không xanh mướt nhờ rác thải nhà bếp - 1
Vườn rau 15m2 xanh mướt trên sân thượng tầng 4 nhà chị Quỳnh.

Sân thượng ở tầng 3 là không gian sinh hoạt của cả gia đình trong những ngày giãn cách nên chỉ trồng hoa và cây ăn quả lâu năm như: Chanh, ổi, nho, quất, hoa giấy, nguyệt quế.

Bắt đầu hành trình làm "nông dân sân thượng", chị Quỳnh thuê thợ đến hàn giá để đặt các chậu trồng rau, tránh ảnh hưởng đến sàn. Sau đó mẹ đảm tự tay vác đất, phân bón, chậu lên sân thượng.

Gia đình làm vườn rau trên không xanh mướt nhờ rác thải nhà bếp - 2

Chị Quỳnh sử dụng phân trùn quế tươi ở trang trại nuôi trùn, giúp đất mịn, tơi xốp và nhiều dưỡng chất nên rau xanh mướt. Ngoài ra, chị còn mua phân gà ủ hoai để bón luân phiên.

Để hạn chế rác thải ra môi trường và tiết kiệm chi phí, mẹ đảm đi chợ xin vỏ dứa ở hàng ép hoa quả, củ cải hỏng hoặc gốc cải bỏ đi của các chị bán dưa cà, vỏ trứng, bã mía và những rác thải nhà bếp như vỏ trái cây, gốc rau, chuối hỏng để ủ bón cho cây. Chị còn mang bã cà phê và bã chè ở cơ quan về để ủ với nấm vi sinh bón vào các gốc cây.

Gia đình làm vườn rau trên không xanh mướt nhờ rác thải nhà bếp - 3
Chị Quỳnh tận dụng rác thải từ nhà bếp để ủ thành phân bón cho cây.

Vừa bận rộn với công việc ở cơ quan, vừa làm vườn nên thời gian đầu mẹ đảm cũng gặp một số khó khăn. Vườn rau bị chuột cắn phá, sâu ăn lá rau nên chị phải thường xuyên kiểm tra và bắt sâu bằng tay hàng ngày.

Trồng cây sân thượng nắng nhiều nên dễ bị khô héo, dần dần chị rút kinh nghiệm lúc mới gieo hạt nên che tránh nắng hoặc đưa vào bóng râm vài ngày. Miền Bắc vào mùa mưa cũng làm xói mòn, trơ rễ cây nên cứ chờ hết mưa phải chăm bón lại.

Gia đình làm vườn rau trên không xanh mướt nhờ rác thải nhà bếp - 4

Khi quyết định trồng rau trên sân thượng, chồng chị Quỳnh không ủng hộ vì sợ làm bừa bộn, phân bón gây mất vệ sinh. Tuy nhiên, thời gian giãn cách vừa qua phải ở trong nhà nhiều, nhờ có vườn rau này mà gia đình có những phút giây thư giãn và nguồn thực phẩm sạch cho các bữa ăn nên anh đã thay đổi suy nghĩ và hỗ trợ chị chăm vườn mỗi ngày.

Để hạn chế nấm bệnh, trước khi gieo trồng, chị Quỳnh làm đất bằng cách rắc vôi bột nông nghiệp, sau đó phơi đất từ 5-7 ngày và rắc thêm nấm vi sinh Trichoderma, ủ thêm vài ngày rồi mới xuống giống.

Gia đình làm vườn rau trên không xanh mướt nhờ rác thải nhà bếp - 5
Giây phút hạnh phúc và mong chờ nhất là thu hái thành quả, rồi chế biến thành những món ăn cho cả gia đình khiến mẹ đảm ngày càng yêu thích, say mê làm vườn hơn.

"Tôi luôn nhắc cả nhà phải ăn hết rau, không được để thừa vì rau sạch phải chăm sóc rất kỳ công mới có được. Những lúc thu hoạch được nhiều không ăn hết tôi sẽ đem tặng bạn bè, người thân", mẹ đảm Hà Nội cho biết.

Kể từ khi có khu vườn, các thành viên trong gia đình gắn kết hơn, chị thường xuyên giao việc cho cô con gái 14 tuổi, chồng chị sẽ hỗ trợ một số việc nặng.

Gia đình làm vườn rau trên không xanh mướt nhờ rác thải nhà bếp - 6

Mẹ đảm dạy con yêu thiên nhiên và tên gọi một số cây rau, bé rất thích tưới cây giúp mẹ.

Ngoài thời gian dành cho công việc và con cái, chị Quỳnh dành khoảng 2 tiếng mỗi ngày để chăm sóc vườn rau. Sáng sớm chị sẽ lên tưới cây và thu hoạch, buổi trưa tranh thủ lên bắt sâu và chiều muộn lên tưới rau, trộn đất, nhổ cỏ, bón phân.

Gia đình làm vườn rau trên không xanh mướt nhờ rác thải nhà bếp - 7

Vườn rau cũng giúp gia đình chị thay đổi một số thói quen trong sinh hoạt như phải phân loại rác, để riêng các vỏ trái cây, cuống rau củ, vỏ trứng vào thùng ủ phân bón. Bột ủ chống mùi vừa không gây ô nhiễm môi trường vừa đem lại dưỡng chất cho cây.

Gia đình làm vườn rau trên không xanh mướt nhờ rác thải nhà bếp - 8

Chị Quỳnh còn lắp thêm bóng điện để có thể chăm sóc vườn vào buổi tối.

"Những thứ tưởng như bỏ đi như vỏ trứng hay chuối nẫu hỏng nhưng lại rất tốt cho cây vì trứng bổ sung can-xi và chuối bổ sung kali. Chưa kể vỏ trứng phơi khô bóp rồi vụn rắc lên gốc cây sẽ hạn chế được sên (đặc biệt sên con) vì nó có cạnh sắc sên sẽ không bò bám vào được", Chị Quỳnh cho biết thêm.