Gia đình 4 thế hệ gìn giữ văn hóa dân tộc

(Dân trí) - Nghệ nhân Thạch Ca Ri No, 71 tuổi (ngụ ấp Chà Dư, Lương Hòa A, Châu Thành, Trà Vinh) hơn 50 năm miệt mài sáng tạo các nhạc cụ của dân tộc. Đến nay, gia đình ông đã có đến 4 thế hệ chuyên làm nhạc cụ, hoa văn trong chùa của đồng bào Khmer.

Năm 14 tuổi, ông Ca Ri No được cha mình là một nghệ nhân có tiếng trong làng truyền lại nghề làm các nhạc cụ cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer. Sẵn có máu mê âm nhạc từ nhỏ nên ông học rất nhanh và chỉ trong 6 năm đã trở thành một thợ chế tác nhạc cụ thực thụ. Ông Ca Ri No kể lại: “Chế tác nhạc cụ là việc làm hết sức khó khăn đòi hỏi người làm phải có tính kiên nhẫn vì có thể học gần chục năm mới làm thuần thục tất cả các nhạc cụ của đồng bào dân tộc Khmer”. 

Gia đình nghệ nhân Thạch Ca Ri No đã có 4 thế hệ gìn giữ văn hóa của dân tộc
Gia đình nghệ nhân Thạch Ca Ri No đã có 4 thế hệ gìn giữ văn hóa của dân tộc

Theo ông Ca Ri No, để biến những thanh sắt, khúc gỗ vô tri thành những loại nhạc cụ có âm thanh trầm, bổng là cả một kỳ công. Việc được truyền nghề chỉ là bước khởi đầu còn khi làm ra những nhạc cụ phải có sự sáng tạo để âm thanh ngày càng độc đáo hơn. Ban đầu, ông được cha chỉ làm các nhạc cụ như: đàn cò, đàn gáo, đàn Ta-Kê, trống Chầu, trống Sa dăm, dàn nhạc ngũ âm… Sau đó, ông tự nghiên cứu làm thêm các sản phẩm như: mặt nạ, ngựa nộm, tạc tượng trên gỗ, xi măng, các họa tiết ở các cổng, chánh điện ở chùa…

Nghệ nhân Thạch Ca Ri No bên những chiếc trống mới hoàn thành
Nghệ nhân Thạch Ca Ri No bên những chiếc trống mới hoàn thành

Tiếng lành đồn xa nên ông Ca Ri No được rất nhiều các đoàn nghệ thuật, chùa nhờ đặt hàng làm các loại nhạc cụ. Đặc biệt ông còn được các nhà chùa ở Sóc Trăng, Kiên Giang rước sang để làm nhạc cụ. Ông Ca Ri No cho biết: “Mỗi loại nhạc cụ khác nhau phải lựa chọn gỗ phù hợp để có tiếng trầm, bổng và cần có sự khéo léo của đôi tay người nghệ nhân. Vì vậy, không phải ai muốn theo nghề cũng được mà còn có sự đam mê và khổ luyện trong nhiều năm liền”.

Uốn cây mây thành hình tròn để làm bộ khung trong dàn nhạc ngũ âm
Uốn cây mây thành hình tròn để làm bộ khung trong dàn nhạc ngũ âm

Sau mấy chục năm miệt mày sáng tạo, ông Ca Ri No không nhớ mình làm ra được bao nhiêu nhạc cụ; cứ lâu lâu có nhà chùa, đoàn nghệ thuật đặt hàng là ông lại huy động nhân công, miệt mài sáng tạo để lưu giữ, bảo tồn truyền thống văn hóa của dân tộc. Hiện tại ông đã truyền nghề cho 4 người con trai của mình, trong đó 2 người đã ra làm riêng và có thể làm tất cả các loại nhạc cụ và hoa văn ở chùa. Ngoài ra, ông còn truyền nghề miễn phí cho nhiều thanh niên Khmer ở địa phương.

Nghệ nhân Thạch Ca Ri No cùng người con hoàn thành bức tượng Chim Thần do nhà chùa đặt làm
Nghệ nhân Thạch Ca Ri No cùng người con hoàn thành bức tượng Chim Thần do nhà chùa đặt làm

Nghệ nhân Thạch A Ca Ra, 35 tuổi (con nghệ nhân Thạch Ca Ri No – PV) đã theo cha học nghề làm nhạc cụ dân tộc từ nhỏ. Bây giờ nghệ nhân trẻ này không chỉ học được cách làm nhạc cụ dân tộc từ cha mà còn xây dựng, làm các hoa văn sắc sảo bằng thủ công trong chùa. Nghệ nhân Thạch A Ca Ra cho biết: “Tôi theo cha học nghề từ nhỏ nên từ từ đam mê hồi nào không hay. Nghề này không đam mê là không làm được vì toàn thủ công đòi hỏi sự tỉ mỉ. Sau này tôi cũng ráng hết sức truyền lại cho con để lưu giữ nét văn hóa của dân tộc”.

Bộ trống của nghệ nhân Thạch Ca Ri No 
Bộ trống của nghệ nhân Thạch Ca Ri No 

Trước đây nghệ nhân Ca Ri No còn làm cả nhạc cụ trong nghệ thuật Chầm Riêng Chà Pây. Tuy nhiên, thời gian gần đây rất ít người chơi Chầm Riêng Chà Pây nên chẳng ai đặt hàng ông làm nữa. Năm rồi, nghệ nhân Thạch Mâu (Trà Cú, Trà Vinh) được xem là nghệ nhân cuối cùng của tỉnh Trà Vinh có thể đàn, hát nghệ thuật Chầm Riêng Chà Pây mất khiến ông Ca Ri No càng buồn hơn khi nghệ thuật đặc sắc của dân tộc giờ dần bị mai một.

Nhạc cụ truyền thống được biểu diễn trong các lễ hội của người Khmer
Nhạc cụ truyền thống được biểu diễn trong các lễ hội của người Khmer

Trong căn lều nhỏ lớp lá phía sau nhà, ngày nào nghệ nhân Ca Ri No cũng tất bật chế tác các nhạc cụ, hình nộm phục vụ văn hóa đồng bào dân tộc Khmer. Đứa cháu mới học lớp 8 cũng tâp tành cùng ông nội sơn phết, làm ra các loại nhạc cụ. “ Bây giờ nhà tôi đã có 4 thế hệ làm nhạc cụ dân tộc rồi. Tôi cố gắng truyền dạy và căn dặn thế hệ con, cháu quyết giữ lấy nghề truyền thống của cha ông” – Nghệ nhân Ca Ri No, nói.

Nhạc cụ truyền thống được biểu diễn trong các lễ hội của người Khmer
Không chỉ làm nhạc cụ nghệ nhân Thạch Ca Ri No còn làm các hoạt tiết độc đáo trong kiến trúc chùa Khmer tỉnh Trà Vinh

Theo nghệ nhân Ca Ri No, sau khi trừ các chi phí về nguyên liệu, thuê mướn nhân công thì làm ra các nhạc cụ lời chẳng được bao nhiêu. Tuy nhiên, ông rất vui mừng khi các ngày lễ lớn của đồng bào dân tộc mình đâu đâu cũng chơi nhạc ngũ âm và các loài đàn, trống, hình nộm mà ông đã dày công sáng chế. Bằng tình yêu nghệ thuật mãnh liệt, mấy chục năm ông quyết tâm giữ lấy nghề và truyền dạy cho các thế hệ con cháu nhằm giữ lại nét truyền thống văn hóa độc đáo của dân tộc mình.

Hoàng Trung