Gặp vị tướng về hưu trong phim “Chuyện đời thường”

(Dân trí) - Gặp nghệ sĩ Lê Thế Tục sẽ thấy hình ảnh thân quen của một ông già quắc thước- nguyên mẫu của vị tướng về hưu Lê Sâm (Chuyện đời thường), ông cụ Từ (Đất và người), hay vai ông Phúc (Nắng chiều), sê- ri phim Cảnh sát hình sự…

Sau những lần “ốm đau là chuyện người già” có lúc tưởng chừng ông không gượng nổi, người nghệ sĩ đã một đời ngang dọc cùng niềm đam mê bất tận với môn nghệ thuật thứ bảy vẫn lạc quan vui sống…

Chuyện kể phía sau vai diễn

Tôi gặp ông ngồi đó trên chiếc sập cũ giữa ngôi nhà nhỏ ở khu tập thể quân đội (Mai Dịch, Hà Nội). Ông lão tóc bạc trắng, dáng người chậm chạp, duy đôi mắt vẫn còn tinh anh. Tay ông run run lật từng trang kịch bản cũ, cho chúng tôi xem những dòng nhật kí, những lá thư ân tình mộc mạc của người hâm mộ.

Lớp trẻ bây giờ nhắc đến tên nghệ sĩ Lê Thế Tục chắc không mấy ai nhận ra vì đã lâu ông không còn xuất hiện nhiều trên truyền hình. Nhưng chỉ cần gặp ông, người ta bất giác đều thấy thân quen, gần gũi. Quen một ông già quắc thước- nguyên mẫu của vị tướng về hưu Lê Sâm (Chuyện đời thường). Quen với ông Đỗ Tấn (Ngã ba thời gian), ông cụ từ (Đất và người), ông Lân (Hồn của đất) đến ông Phúc (Nắng chiều), sê- ri phim Cảnh sát hình sự… Mà vai nào ông diễn cũng rất “ngọt”.

Không ít người nhận nhầm ông Lê Thế Tục với diễn viên Hà Văn Trọng bởi nhìn họ không khác gì “anh em sinh đôi cả”
Không ít người nhận nhầm ông Lê Thế Tục với diễn viên Hà Văn Trọng bởi nhìn họ không khác gì “anh em sinh đôi cả”

Những kí ức về đời phim lúc liền mạch khi đứt quãng, người nghệ sĩ nặng tình bảo mỗi bộ phim với ông là mỗi lần trăn trở. Ông tâm sự: “Người xem thấy một cảnh phim đơn giản vậy thôi, nhưng người nghệ sĩ đã phải chuẩn bị nhiều lắm. Ngoài việc nghiên cứu kịch bản tôi còn chuẩn bị trước những trang phục, những đạo cụ cần có cho vai diễn của mình. Mà không phải quay đã được ngay, đôi khi phải quay đi quay lại rất nhiều lần” .

Ông kể, lần quay cảnh ông tướng Lê Sâm cầm tay bà Thương và chiếc khăn - vật kỉ niệm mối tình xưa trong phim “Chuyện đời thường”, đến cảnh quay cận, ông Sâm vẫn nắm tay bà, nhưng vì nắm lâu quá nên mỏi, tay cứ run run. Lúc bất giờ, Mai Hồng Phong còn làm quay phim, Phong quát” tay bố run quá”. Mấy lần liền không được, Phong bỏ máy ngồi phịch xuống cằn nhằn : “Bố đếch biết yêu”!

Ông cười: “Nhiều lúc tôi như người mất hồn để tập một dáng đi, cách đứng, cách ngồi…Phải soi gương để xem xét nét mặt, con mắt khi cáu giận, khi vui vẻ, lúc yêu thương ra sao…Có lúc cười đấy, nhưng là cười ra nước mắt, có cái cười mỉa mai giễu cợt, có cái cười yêu thương trìu mến…

Nghệ sĩ Lê Thế Tục đang tập thoại cho kịch bản phim
Nghệ sĩ Lê Thế Tục đang tập thoại cho kịch bản phim
Một cảnh đối thoại với nghệ sĩ Hán Văn Tình trong phim “Đất và người”
Một cảnh đối thoại với nghệ sĩ Hán Văn Tình trong phim “Đất và người”

Chả thế mà, như tướng Lê Sâm trong phim “Chuyện đời thường” khi ra ngoài chống chiếc ba- toong không phải vì già yếu, mà cái ba toong thể hiện uy quyền, kiêu hãnh của ông. Lê Thế Tục đã phải mất bao công sức tập từ cách cầm, cách vung, cách chống sao cho phù hợp với phong cách đó.

Ông Tục cẩn trọng và tỉ mỉ. Như lần vào vai ông Mến trong phim “Người kế thừa dòng họ”, nghệ sĩ Lê Thế Tục đã tìm gặp một số bạn bè quê vùng Thái Bình tìm hiểu phong thái, cách ăn mặc, đi lại. Để có trang phục phù hợp ông phải mượn quần áo nâu của bạn rồi nhờ con sửa lại đôi chỗ. Còn khăn xếp, khi về tới nơi diễn mới mượn được theo ý muốn.

Lê Thế Tục vào vai Sư cụ trong phim “Xuôi ngược đường trần”
Lê Thế Tục vào vai Sư cụ trong phim “Xuôi ngược đường trần”
Tạo vai ông Lân trong “Mảnh hồn của đất”
Tạo vai ông Lân trong “Mảnh hồn của đất”
Bộ tứ diễn viên trong “Hoàng hôn xanh” (từ trái qua phải các nghệ sĩ: Văn Hiệp, Lê Thế Tục, Khôi Nguyên, Phạm Bằng)
Bộ tứ diễn viên trong “Hoàng hôn xanh” (từ trái qua phải các nghệ sĩ: Văn Hiệp, Lê Thế Tục, Khôi Nguyên, Phạm Bằng)

Đêm trước ngày lên đường đi diễn, ông trằn trọc nghĩ xem còn thiếu gì (thực ra việc này trong đoàn làm phim đã có người chịu trách nhiệm lo toan). Điều đặc biệt của vai diễn ông tộc trưởng vùng biển này có chi tiết hút thuốc lào. Thuốc lào các cụ hút thường để trong hộp tròn, hoặc bằng kim loại, còn bật lửa phải là loại có bánh xe có nắp, bấc có xăng hoặc dầu hỏa. Thế là đang đêm ông ngồi bật dậy, xuống tìm ở đống đồ sửa xe đạp may sao thấy cái bật lửa cũ từ ngày đi B được cấp phát, ông lau chùi sạch sẽ, sửa lại bật lửa và không quên bọc một nắm đóm nỏ. Xong việc mới yên tâm đi nằm.

NSND Hoàng Cúc- người bạn diễn với ông trong “Ngã ba thời gian” đã từng vỗ tay tán thưởng, nói ông có năng khiếu bẩm sinh với nghệ thuật, luôn chỉn chu, cầu toàn và rất nghiêm túc với những vai diễn.

Nghệ sĩ với chuyện đời thường

Nghệ sĩ Thế Tục bảo, nghiệp diễn mang lại cho ông nhiều điều hạnh phúc. Có người gặp ông ngoài đời, họ chẳng nhớ tên ông mà cứ gọi ông bằng những vai ông diễn trên màn ảnh nhỏ.

Ông kể, đó là giáp tết năm Bính Dần, ông đi tàu hỏa chuyến khứ hồi Nam- bắc tham bạn bè và thăm chiến trường xưa. Trong phòng 6 người của toa giường nằm, một bà nhìn ông bảo: “Sao ông không để thằng con trai nó bán cái ngôi nhà ấy có phải tha hồ mà đi máy bay cho nó sướng cái thân già”. Ông Tục ngớ người: “Bà nói sao ? Nhà nào mà tôi bán?” Sau, hóa ra bà cụ nhớ nhân vật ông trong một bộ phim ông sắm vai.

Nghệ sĩ Lê Thế Tục trong vòng tay những người hâm mộ, quý mến
Nghệ sĩ Lê Thế Tục trong vòng tay những người hâm mộ, quý mến
Gặp vị tướng về hưu trong phim “Chuyện đời thường” - 8
Nghệ sĩ Lê Thế Tục trong ngôi nhà bộn bề những kỉ vật
Nghệ sĩ Lê Thế Tục trong ngôi nhà bộn bề những kỉ vật

Một lần khác, ông Lê Thế Tục đi trên đường Đội Cấn có một cô gái bước nhanh đến cạnh hỏi: “Thưa bác, có phải bác đóng tướng Lê Sâm trong phim Chuyện đời thường không ạ ?- “Vâng, có chuyện gì vậy cô”. Cô gái nhìn hai tai ông rồi nói: “Không ạ, chỉ thấy bác diễn hay quá . Khi thấy bác trên ti vi, chúng cháu cứ cãi nhau, có đứa bảo đạo diễn người ta đắp thêm vào cho ra vẻ tai ông tướng. Nhưng hôm nay gặp bác, đúng là tai thật nhỉ “

Ông xúc động: “Thỉnh thoảng bạn diễn cũng cứ bảo, bác có đôi tai đặc biệt thế, bác cho cháu sờ tai bác một tí nhé. Tôi bảo, cứ thoải mái. Tôi thấy vui nhiều, người ta có thương mình, người ta mới nhớ đến mình. Làm nghề diễn này, còn gì vui hơn thế”.

Ông đưa tôi quyển album, trong đó là toàn bộ những bức ảnh đi diễn ngày xưa. Rồi ông lặng người đi trước một tấm hình. Đó là hình ông chụp với 3 người anh em thân thiết: Cố nghệ sĩ Văn Hiệp, nghệ sĩ Phạm Bằng, nghệ sĩ Khôi Nguyên khi cùng đóng phim “Hoàng hôn xanh”. Ông ngậm ngùi : “Mấy anh em chúng tôi ngày trước thân nhau lắm. Đoàn làm phim gọi tình bạn chúng tôi là tình bạn 2 thế kỉ. Ông Văn Hiệp rời xa chúng tôi trước rồi, tôi có ý định làm một cuốn sách về ông ấy nhưng tiếc rằng không còn kịp. Hôm đưa tang ông ấy, tôi mang tấm hình này ra mà rớt nước mắt. Bây giờ thấy được, những tấm ảnh chụp chung với nhau lúc khỏe mạnh thế này là quý giá biết mấy”.

Lê Thế Tục lấy những trải nghiệm của cuộc đời mình để nhân vật có hồn và lấy vai diễn để chiêm nghiệm lại cuộc đời mình. “Ngày xưa, người ta tìm ra cái lý để sống. Nhưng ngày này, người ta còn phải tìm cái lẽ để chết. Chết làm sao để còn có người đến thăm, đưa về cõi vĩnh hằng”. Ông nhẩn nha nói lại lời của một nhân vật trong bộ phim Hoàng hôn xanh mà ông đóng.

Gặp vị tướng về hưu trong phim “Chuyện đời thường” - 10
Gặp vị tướng về hưu trong phim “Chuyện đời thường” - 11
Gặp vị tướng về hưu trong phim “Chuyện đời thường” - 12
Một số cảnh hậu trường quay phim NS Lê Thế Tục
Một số cảnh hậu trường quay phim NS Lê Thế Tục

Suốt cuộc trò chuyện, gương mặt hiền hậu của ông thường trực nở nụ cười. Tôi nắm lấy tay ông, cảm giác gần gũi như người thân. Có lẽ, cái việc được hóa thân vào nhiều số phận con người giúp ông rèn giũa, sống một đời nhường nhịn, ôn hòa, được nhiều người nể trọng. Ngày ngày bạn bè khắp nơi vẫn thường đến thăm, cùng ông ôn lại chuyện xưa và bàn luận chuyện đời.

Lớp bụi thời gian mỗi ngày đang phủ dần lên cuộc đời 85 tuổi của một người con Hà Nội gốc. Nhìn mái tóc bạc phơ, tôi thoáng nghĩ, rồi cũng sẽ có một ngày những người như ông trở thành người thiên cổ -như thế thật tiếc. Hay nói như nhà văn Nguyễn Khải "lại một hạt bụi vàng của Hà Nội rơi xuống chìm sâu vào lớp đất cổ. Những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hay mượn gió mà bay lên cho đất kinh kỳ chói sáng những ánh vàng".

Quỳnh Nguyên

Gặp vị tướng về hưu trong phim “Chuyện đời thường” - 14

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm