Gặp người gắn bó gần cả cuộc đời với Hồ Gươm

Nhà nhiếp ảnh Quang Phùng, người Hà Nội gốc đã dành gần trọn cuộc đời để chụp ảnh về hồ Hoàn Kiếm (hay còn gọi là Hồ Gươm). Cuốn sách ảnh “Dạo quanh Hồ Gươm” xuất bản năm ngoái chỉ là một phần nhỏ trong gia tài ảnh đồ sộ của ông về Hồ Gươm...

Hiện ông vẫn say chụp Hồ Gươm với tất cả cảm xúc và trải nghiệm của bản thân.

Thật khó tin, từng ấy năm ông vẫn không chán Hồ Gươm?

- Sao lại chán khi mà tôi vẫn luôn nhìn thấy những vẻ đẹp của nó. Những buổi nắng gắt, những ngày mưa tầm tã, tôi vẫn đi bộ lên Hồ Gươm và bạn nhìn những bức ảnh mới chụp ngày hôm qua xem...

Ông còn nhớ lần đầu tiên ra Hồ Gươm?

- (Một chút im lặng) Hình như hồi tôi 5 tuổi, (nhà tôi ở Hàng Gai) lần đầu tiên ra Hồ Gươm, với tôi là cả một sự khám phá. Hồ Gươm như cánh cửa mở ra cho tôi vào đời...

 

Nhiếp ảnh gia Quang Phùng. Ảnh: LĐ

Nhiếp ảnh gia Quang Phùng. Ảnh: LĐ


Và trong ký ức ngày ấy...

- Hồ Gươm ngày ấy rất nhiều cây tự nhiên mọc ven hồ. Rồi người Pháp muốn quanh hồ Gươm thành vườn bách thảo có đủ loại cây và họ đưa giống gỗ tếch từ Ấn Độ về (bây giờ vẫn còn 5 cây cao bằng nhà 5 tầng, lá tếch to bằng quạt). Ngày xưa, đường quanh mép hồ toàn là đường đất, cỏ mọc trùm xuống hồ, con tôm trong suốt như thủy tinh trú trong đám cỏ, chỉ cần cái que nửa thước và sợi dây con là nhử được tôm. Cảnh vật và con người thân thiện với nhau.

Hồi đó, những ai hay đi dạo hồ và đông nhất vào lúc nào trong ngày?

- Người Hà Nội gốc lâu đời mới dạo quanh Hồ Gươm, còn những người buôn bán, làm nghề không có thời gian rảnh rỗi dạo Hồ Gươm. Người HN lâu đời ở trong nhà ống chật chội, thèm lắm một khoảng Hồ Gươm. Tôi còn nhớ, cuối năm 1954, khi giải phóng thủ đô ít lâu, Ủy ban Hành chính (UBND bây giờ) ra nghị quyết nêu rõ Hồ Gươm là một khoảng lặng trời cho, vì thế, những gì ồn ào náo nhiệt phải kéo ra xa Hồ Gươm. Không tổ chức thi chạy, diễu hành quanh Hồ Gươm. Đêm giao thừa, những năm đó không tổ chức ở Hồ Gươm, vì sợ người ta xéo nát cỏ, hái lộc cây, vứt rác ra hồ... Đèn thắp sáng quanh hồ cũng rất vừa phải. Thời Pháp thuộc, quanh hồ có 14 cái cột, trên mỗi cột treo 1 cái đèn dầu bằng đồng, sẩm tối có người đi thắp... khung cảnh rất linh thiêng và có chút gì đó bí ẩn.

Và ông có buồn khi Hồ Gươm như hiện nay?

- Tôi đang phải chứng kiến những cây cổ thụ mất dần đi. Vì những cây cổ thụ như cây sấu, cây đa... rễ nổi uốn khúc, khi lát đường, họ đã chặt hết những rễ cây gồ ghề, nên khi gió nhẹ, cây có thể đổ. Rồi quanh hồ, phải có tới 300-500 đèn gần như đèn pha con, làm “lung linh mặt hồ”, nhưng tàn phá bao rễ cây. Để chôn 1 cái đèn, người ta phải đào sâu 70cm, chặt rễ cây chùm. Rồi khi hạ ngầm dây điện, lại phải chặt rễ cây.

Và con người đến Hồ Gươm cũng đã khác?

- Hồ Gươm hiện biến thành nơi nghỉ ngơi của dân tứ xứ. Với người đi xa, mệt mà nằm nghỉ một tý trên ghế đá ven hồ thì còn gì dễ chịu hơn. Nhưng nhiều người nằm quá thì thật khó coi. Ngay việc tập thể dục quanh hồ cũng nên chấm dứt trước 7h sáng, chứ 8-9h vẫn còn nhiều người cởi trần, mặc quần đùi, hay mặc quần áo ngủ tập thì không ổn. Mới đây lại có một CLB “nhảy” tụ họp ở cây lộc vừng 9 gốc, mở to nhạc nhẽo ồn ĩ, gây mệt cho những người đi dạo. Một chuyện nữa cần lưu ý là các nhà có chó ở quanh hồ, đều đưa chó ra hồ đi vệ sinh. Đã không ít du khách giẫm phải phân chó, kêu trời.

Vậy cần làm gì để trả lại Hồ Gươm vẻ đẹp tự nhiên?

- Hồ Gươm là một trong những báu vật quý giá nhất của Hà Nội. Cải tạo Hồ Gươm theo hướng bêtông hóa là sai lầm. Không nên để Hồ Gươm sáng lòa như hiện nay. Theo dõi và quan tâm tới gần một chục cây cổ thụ với các ổ mối đang đe dọa. Và cần lập đội cảnh sát văn hóa và du lịch để bảo vệ nét văn hóa của Hồ Gươm. Nếu như một người xíchlô bắt chẹt tiền du khách, phải có ngay người can thiệp. Việc tổ chức các hoạt động quanh hồ cũng nên cân nhắc, sao cho giãn sự ồn ào đi...

Ông đã chụp vài vạn ảnh Hồ Gươm, trong khoảng gần 60 năm. Khi xem lại và đối chiếu giữa Hồ Gươm xưa và nay, cảm xúc nào mạnh nhất trong ông?

- Tôi đã gần 80 tuổi, đi cuối chặng đường đời, nên hoài cổ, thương tiếc, đắm đuối với những gì đã qua. Nhà bêtông, nhà cao tầng không thể vào ký ức con người, cuộc sống hiện đại nhiều khi làm con người ta phiền muộn. Câu nói “Bao giờ cho đến ngày xưa” trước kia tưởng là khôi hài, bây giờ thật thấm thía. Người ta không thể tưởng tượng Hồ Gươm ô nhiễm như thế, nhiều rác như thế. Bao tiền của đổ vào mà không giải quyết tận gốc được... Hồ Gươm còn là nơi an ủi những người đau đớn nhất, tôi đã quen những bà mẹ giận con ra Hồ Gươm ngồi dưới chân Tháp Bút xin thiên hạ rủ lòng thương, những cô gái bị người yêu bỏ rơi cũng ra Hồ Gươm ngồi... Và những cuộc chia tay nhiều nước mắt của sinh viên khi mùa hè đến...

Xin cảm ơn ông.

Theo Lao động