Gặp người "đánh thức" làn điệu hát Dô cổ
(Dân trí) - Bằng chính tình yêu, trách nhiệm, bà Nguyễn Thị Lan, người ở xã Liệp Tuyết, Quốc Oai, Hà Nội đã làm "sống" lại điệu hát Dô của quê hương một cách trọn vẹn và ý nghĩa nhất.
Hát Dô là một nét đẹp văn hóa truyền thống của ông cha để lại cho những người con xứ Đoài. Theo người dân ở đây, hát Dô phản ánh nhận thức của người dân lao động về thiên nhiên, con người, mơ ước một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Để hát Dô được bảo tồn và phát huy như ngày nay là cả một quá trình không mấy dễ dàng. Đã từng có thời gian hát Dô dần đi vào quên lãng. Không thể để một giá trị văn hóa truyền thống cứ như vậy bị mất đi, có một con người bằng tinh thần trách nhiệm và hơn hết là tình yêu, niềm đam mê của mình đã "vực dậy" lại điệu hát Dô cổ này. Đó là bà Nguyễn Thị Lan, người phụ nữ nhiều năm truyền lửa đam mê của mình cho các thế hệ con cháu.
Không ai biết điệu hát cổ này có từ khi nào, nhưng theo bà Lan kể lại, tương truyền điệu hát này bắt nguồn từ Đức Thánh Tản Viên, người đã dạy người dân ở đây trồng trọt, cày cấy. Sau khi dạy, ngài ra đi và hẹn ngày quay lại. 36 năm sau, ngài quay lại tập hợp dân làng múa hát, mừng cho dân làng được mùa, no ấm. Từ đó dân làng xây đền Khánh Xuân tại thôn Đại Phu để tưởng nhớ công ơn và cứ 36 năm theo lệ lại mở hội ca múa tưng bừng, còn gọi là hội hát Dô (tổ chức từ ngày mồng 10 đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch).
Theo bà Lan, hát Dô có thời gian gần như không được nhắc đến bởi có một "lời nguyền" gắn với điệu hát cổ này. Bà kể: "Những người hát Dô sau khi hát xong không được nhắc lại nữa, ai nhắc lại sẽ bị bệnh tật như còm cõi, câm điếc, thậm chí đổ bệnh nặng mà chết."
Cũng theo bà, có lẽ vì điều ấy nên ở giai đoạn đầu khi bà tìm hiểu về hát Dô nhiều người còn ái ngại. Thậm chí nhiều người trong thôn dù cao tuổi cũng không ai biết gì về điệu hát này.
"Lần cuối điệu hát Dô cổ được tổ chức là vào năm 1926. Đến năm 1989, hiểu được giá trị của làn điệu hát cổ này, Trung tâm Văn hóa tỉnh Hà Tây (cũ) và huyện đã có ý định phục hồi lại điệu hát. Lúc bấy giờ, tôi đang là Chủ tịch hội Phụ nữ xã đã xung phong làm người tìm hiểu và khôi phục lại hát Dô bởi người không có đam mê là giá trị sẽ mai một, tôi muốn khôi phục lại truyền thống cùng với niềm tự hào của Liệp Tuyết", bà nghẹn ngào chia sẻ.
Nhưng làm thế nào để gìn giữ một điệu hát khi số lần được cất lên trong đời người không thể tính nổi bằng đầu ngón tay? Thậm chí có người còn chẳng biết hát Dô là gì? Việc làm đó thực sự không đơn giản bởi nó không chỉ là việc vận động, thuyết phục để gây dựng một phong trào văn nghệ đơn thuần mà đó còn là việc thay đổi quan niệm của cả tập thể. Nhưng may mắn thay sau nhiều lần tìm hiểu và thuyết phục, bà Lan đã tìm được 3 cụ là những người cuối cùng tham gia vào điệu hát Dô năm 1926, đó là cụ Tạ Văn Lai, cụ Kiều Thị Nhuận và cụ Đàm Thị Thê (còn gọi là cụ Điếu). Điều tích cực này thôi thúc bà tối nào cũng đến nhà các cụ, tỉ mỉ ghi chép lại từng câu hát ra giấy, ghi chép đầy đủ 36 làn điệu.
Cho đến nay, hát Dô đã được rất nhiều người công nhận và ca ngợi cả trong và ngoài nước. Hội đền Khánh Xuân hằng năm, những điệu hát Dô lại được bà Lan và CLB của mình biểu diễn trong tiếng vỗ tay hoan hỷ của người dân.
Tuy nhiên, nhớ lại khoảng thời gian đầu vận động người dân tham gia câu lạc bộ hát Dô, bà Lan vẫn không khỏi xúc động: "Thành lập câu lạc bộ thì rất khó khăn, đầu tiên có 30 cháu, sau thì còn hơn 10 cháu, về sau tìm hiểu thì mới biết nhiều gia đình người ta còn sợ, còn e dè không dám cho con em mình theo học hát vì sợ lời nguyền". Cuối cùng, suốt một thời gian dài kiên trì vận động, thuyết phục, bà cũng tập hợp được số người tối thiểu để tổ chức một đội hát.
Từ những câu hát chép tay, đến nay bà Lan đã thuộc gần hết các làn điệu hát Dô và truyền lại cho lớp trẻ: "Nếu khó quá thì chép lời bài hát ra giấy mà học. Chép xong chỉ để hát, không được mang đi nơi khác kẻo thất truyền. Các cháu phải học thì mới giữ được điệu hát Dô".
Đây cũng chính là động lực, lời dạy của các cụ khiến bà có thêm động lực để dạy hát cho những lớp trẻ ở xã Liệp Tuyết, để hát Dô không những không bị mai một mà con trở thành niềm tự hào của người dân Liệp Tuyết. "Cha mẹ đã sinh ra thứ đó, mình phải giữ gìn và phải "tre già măng mọc", bà Lan nhấn mạnh.
Bà Lan cũng cho biết thêm, để thể hệ trẻ tiếp cận và đặc biệt có tình yêu với điệu hát quê hương này là cả một quá trình gian khó. Giai đoạn đầu khá khó khăn bởi niềm đam mê là chân lý lưu giữ và phát huy, nhưng các thế hệ trẻ còn chưa thật sự có "tình" với điệu hát này. Vì lẽ đó, khơi dậy niềm đam mê là điều mà chính bà đã thực hiện để rồi ngày nay CLB hát Dô của bà đã dạy cho hơn 800 cháu học hát. "Về sau thì càng hát các cháu càng thích. Hiện nay thì tôi thấy các cháu đã rất có ý thức tiếp thu và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cha ông ta để lại, đấy là một điều rất đáng mừng."
Giờ đây khi nhìn lại, hát Dô là cả niềm tự hào không chỉ bản thân bà Lan mà của cả Liệp Tuyết. Mỗi câu hát là niềm tự hào, là truyền thống, là hy vọng truyền bá hát Dô đến để đông đảo mọi người được biết.
Có một vùng quê như thế, êm ả nhưng ngát hương với những con người say mê tiếng hát, say mê văn hóa đến vậy.
Có những câu hát rất đời thường, giản dị nhưng lại là một phần động lực lớn tiếp thêm niềm vui cho người dân ở nơi đây: "Bốn mùa tôi kể đã qua; bây giờ kể lấy mùa hoa nở bày; hoa nở bày, tốt tươi đọi gấm; cảnh thiều quang, đam ấm khí hòa…"