Gặp lại Sơn Táp với “Đàn cổ cầm khỏa thân”

(Dân trí) - Tác giả Sơn Táp từng được các bạn độc giả Việt Nam biết đến với cuốn sách gây chấn động “Thiếu nữ đánh cờ vây”. Và cuốn sách mới nhất của cô “Đàn cổ cầm khỏa thân” đã trở thành một trong mười những cuốn bán chạy nhất châu Âu…

Đàn cổ cầm khỏa thân là một cuốn tiểu thuyết về thời gian. Với thời gian vật đổi sao dời. Thông qua số phận của đàn cổ cầm, Sơn Táp kết nối các điểm thời gian với nhau, xen lẫn chúng với nhau, hòa chúng với nhau: thế gian hàng trăm năm, hàng nghìn năm, đổi thay như một bản nhạc cô độc đang suy tư về chính cuộc đời.

Đó là thế giới “thượng lưu”, tầng lớp quý tộc cao cấp nhất ở Trung Nguyên, nay đã không còn tồn tại. Từ thế giới đó bước ra một cô gái gia giáo tài sắc cùng người cha nghệ sĩ giao du với các tầng lớp thấp hèn bị gia phong cấm kỵ. Tiếng đàn dịu ngọt từ đôi bàn tay thiếu nữ còn chưa tắt thì chiến tranh đến, trong một buổi sáng “mặt trời ném xuống cửa sổ một tấm mạng đỏ rực”, buổi sáng đã lấy đi cái đầu của cha nàng ngay giữa sân nhà. Cái tấm mạng đỏ rực của chiến tranh ấy sẽ còn mang cuộc đời nàng đi đến đâu? Phải chăng số phận nàng là sự lặp lại của số phận người con gái năm xưa - chủ nhân cây đàn cổ gia bảo của gia đình nàng? Đi đến tận đâu để rồi nàng gặp một người con trai mà nàng chỉ được thấy dáng người thấp thoáng trong bức tranh chính mình vẽ ra?
 
Bìa cuốn Đàn cổ cầm khỏa thân
Bìa cuốn "Đàn cổ cầm khỏa thân"

Đó là chàng Thẩm Phong của gần hai trăm năm nữa, đứa con trai mồ côi sống cùng thầy là thợ đàn vào thời buổi cái nghề đang rơi vào vận mạt. Chàng thanh niên mới lớn đắm chìm trong đam mê âm nhạc, ngây thơ cướp mộ trong chùa để cứu sống bạn, để rồi bị triều đình truy đuổi khép tội chết.

Lịch sử vốn dĩ nghiệt ngã với tất cả mọi cuộc đời, nhưng dường như có những cuộc đời mà điểm bắt đầu và kết thúc rất khó nhận ra. Thẩm Phong sinh ra từ đâu? Chàng có chết không? Người con gái kinh qua bão táp lịch sử có chết không? Kết cục câu chuyện họ thế nào? Đặt những câu hỏi này cũng giống như đặt ra câu hỏi “Âm nhạc bắt đầu từ đâu và kết thúc ở đâu?” vậy…

Tiếng đàn dìu dặt mãi không thôi, những trang cuối cùng vẫn chưa phải là giới hạn.

Ở ngã ba lịch sử, văn minh, nghệ thuật của quê hương mình, Sơn Táp vẽ ra những bức tranh tỉ mỉ bằng ngôn ngữ tiểu thuyết, với những chất liệu đầy kì thú, tất nhiên, nhưng cũng với những điều đơn giản thường nhật mà chỉ có nhà văn mới đem lại độ căng trên từng con chữ nữa. Cả thế gian dồn nén lại trong cuốn tiểu thuyết, như thời gian, như âm nhạc, như độ dày ẩn trong khoảnh khắc không nói nên lời của một người yêu đàn được ngắm một cây đàn cổ cầm...

Tác giả Sơn Táp từng được các bạn độc giả Việt Nam biết đến với cuốn sách gây chấn động Thiếu nữ đánh cờ vây. Cô từng đoạt giải thưởng văn học Goncourt dành cho giới trẻ với cuốn sách này. Và cuốn sách mới nhất của cô Đàn cổ cầm khỏa thân đã trở thành một trong mười những cuốn bán chạy nhất châu Âu tại năm mà nó được phát hành. Cuốn sách càng khẳng định sức hút của cây bút Sơn Táp.

 
Hà Thanh