Gặp lại đạo diễn phim “Điện Biên Phủ- Cuộc chiến giữa hổ và voi”

(Dân trí) - Đạo diễn Daniel Roussel tham gia chương trình truyền hình trực tiếp “Điện Biên Phủ - Bản giao hưởng hòa bình” diễn ra tối ngày 21/4 tại Hà Nội. Là một người Pháp, nhưng ông rất nặng tình với mảnh đất Việt Nam- nơi đã phải chịu nhiều đau thương, mất mát trong chiến tranh…

Đại thắng Điện Biên Phủ đã đi vào lịch sử 60 năm, nhưng âm vang về chiến thắng lừng lẫy năm châu vẫn còn mãi trong lòng người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Nhắc đến chiến thắng Điện Biên Phủ là nhắc tới niềm tự hào vô cùng to lớn của dân tộc. Chương trình kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2014) mang tên Điện Biên Phủ - Bản giao hưởng hòa bình đã được diễn ra vào lúc 20h ngày 21/4 và truyền hình trực tiếp trên VTV1, VTV4, VTV6...

Nguyễn Đình Thanh Tâm thể hiện ca khúc Hò kéo pháo

Nguyễn Đình Thanh Tâm thể hiện ca khúc "Hò kéo pháo"


Ca khúc Chúng ta mong hòa bình

Ca khúc "Chúng ta mong hòa bình"

Với mục đích tái hiện, tôn vinh chiến thắng Điện Biên Phủ, chương trình Điện Biên Phủ - Bản giao hưởng hòa bình là cầu nối đưa khán giả tới gặp gỡ những con người làm nên lịch sử của Việt Nam và thế giới, những con người đã đi vào huyền thoại cũng như những nhân chứng trong cuộc chiến cam go, khốc liệt, một mất một còn ấy. Điện Biên Phủ - Bản giao hưởng hòa bình là một chương trình truyền hình đặc biệt hấp dẫn và đầy tính nhân văn, nơi kết hợp giữa những trải nghiệm hiện tại và những hồi tưởng quá khứ; giữa nghệ thuật và những phân tích đánh giá về chiến thắng Điện Biên Phủ hay đúng hơn là về một chiến thắng của khát khao hòa bình.

Điện Biên Phủ - Bản giao hưởng hòa bình kết cấu gồm 3 phần: Khát vọng, Quyết tâm và trí tuệ, Hoà bình ở Việt Nam và sự cộng hưởng trên toàn thế giới. Mỗi phần đều có clip được trình chiếu, múa, hát phụ hoạ và giao lưu trực tiếp với các khách mời của chương trình.

Bản giao hưởng hòa bình là chuỗi những câu chuyện của những người Pháp đã từng hoặc chưa từng có mặt tại chiến trường Điện Biên Phủ ngày ấy, nhưng những chia sẻ của họ lại đủ sức để “ám ảnh” nhiều khán giả xem truyền hình.

Đó là câu chuyện của ông Phillippe Sainteny - con trai của cựu Thống đốc Bắc kỳ Jean Sainteny (người đã thay mặt chính phủ Pháp ký Hiệp ước sơ bộ 6/3 với chủ tịch Hồ Chí Minh), đó là hồi ức của bà Raymond Dien - người phụ nữ Pháp ủng hộ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp. 64 năm trước. Ở tuổi 20, bà đã nằm xuống đường ray xe lửa ở thành phố Tours, để chặn đoàn tàu chở vũ khí Pháp đến Việt Nam.

Ngoài ra, ê-kip của còn thực hiện những cuộc phỏng vấn bà Gallard - nữ y tá duy nhất của Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ giai đoạn tháng 3/1953 và một số cựu binh Pháp. Họ là những người bị chiến tranh “bóp nát” ước mơ chính đáng được trở thành bác sĩ, kỹ sư vào 60 năm trước.

Nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc tại chương trình


Nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc tại chương trình

Nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc tại chương trình

Và đặc biệt, trong những nhân chứng sống của trận chiến Điện Biên Phủ năm xưa, không thể không nhắc tới đạo diễn Daniel Roussel - cựu phóng viên của báo L’Humanitté (Nhân đạo). Ông cũng là đạo diễn của bộ phim tài liệu nổi tiếng: Cuộc chiến giữa hổ và voi. Sau cuộc trò chuyện tại Pháp, ông đã nhận lời mời của đoàn về Việt Nam để tham gia chương trình truyền hình trực tiếp Điện Biên Phủ - Bản giao hưởng hòa bình. Sự xuất hiện của ông tại trường quay đã thu hút sự quan tâm của khán giả. Là một người Pháp, nhưng ông Daniel Roussel lại rất nặng tình với mảnh đất Việt Nam- nơi đã phải chịu nhiều đau thương, mất mát trong chiến tranh.

 Chứng kiến cuộc chiến tranh giữa Pháp và Việt Nam, chứng kiến những người Việt Nam đã nỗ lực, đã mạnh mẽ, đã chấp nhận mọi gian khổ, khi sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, đến giờ nghĩ lại ông không khỏi bồi hồi. Đặc biệt khi nhắc đến Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, mắt ông ánh lên một niềm yêu mến, tiếc thương vô hạn.

Đạo diễn Daniel Roussel chia sẻ rất nhiều điều khi gặp khán giả Việt Nam: “Tôi đặt tên bộ phim của mình là Cuộc chiến giữa hổ và voi. Hổ và voi là một phép ẩn dụ mà chính Hồ chí Minh đã dùng. Hồ Chủ tịch nói nếu như con hổ dừng lại thì con voi dùng ngà mạnh mẽ của mình sẽ xuyên thủng con hổ. Nhưng con hổ rất là khôn ngoan, nó không dừng cuộc chiến của mình. Ban ngày con hổ vào trong rừng, ban đêm con hổ ra khỏi rừng, nhảy lên lưng con voi cào xé, sau đó lại trốn vào trong rừng. Và ngày này qua ngày khác, đêm này qua đêm khác, đến một ngày con voi kiệt sức mất máu và chết. Điện Biên Phủ chính là cái mồ của con voi”.

Khi được hỏi giữa cựu chiến binh Pháp và Việt Nam khác nhau thế nào khi nhớ về chiến dịch Điện Biên Phủ, dưới góc độ một nhà làm phim, ông Daniel Roussel không ngần ngại đánh giá: “Cái quyết tâm của hai bên là khác nhau, một bên chiến đấu chỉ vì phải chiến đấu mà thôi, trong khi bên kia lại là cả một dân tộc, những con người đứng dậy đấu tranh để mà giữ lấy đất của mình, để có thể tìm lại độc lập, hoà bình cho mình. Điều đó là hoàn toàn khác biệt.”

Ông Trịnh Quang Thiềm chia sẻ về hành trình chở gạo ra tiền tuyến

Ông Trịnh Quang Thiềm chia sẻ về hành trình chở gạo ra tiền tuyến

Những cựu chiến binh cùng ca lên bản giao hưởng hòa bình Qua miền Tây Bắc


Những cựu chiến binh cùng ca lên bản giao hưởng hòa bình Qua miền Tây Bắc

Những cựu chiến binh cùng ca lên bản giao hưởng hòa bình "Qua miền Tây Bắc"

Ai ai cũng phải thừa nhận rằng cuộc chiến tranh của chúng ta là chính nghĩa. Những người con Việt Nam vùng lên bảo vệ Tổ quốc, từ người già, người trẻ, từ đàn ông cho tới đàn bà, luôn sẵn sang hy sinh thân mình để đổi lại độc lập, thống nhất cho Đất nước. Ngay khi bắt đầu chương trình Đại tá, Anh hùng LLVT Phùng Văn Khầu- Khẩu đội trưởng Khẩu đội 1, Trung đoàn 675 đã phát biểu lý do xin vào pháo binh của mình: “Tôi nghĩ rằng là bộ binh bắn một phát chỉ có một thằng chết thôi, pháo binh bắt một phát phải có ít nhất mười thằng chết cơ.” Qua những câu chuyện được chia sẻ trong chương trình có thể thấy quyết tâm giết giặc của nhân dân ta rất cao. Và để có được những ngày tháng độc lập, hoà bình, tự do như bây giờ chúng ta đã phải đánh đổi không ít.

Khép lại chương trình, những câu chuyện, những nhân vật, những clip như vẫn còn đọng lại trong tâm trí người xem, gợi nhớ về một quá khứ hào hùng đã qua, và nỗi nhớ thương những chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ quê hương.

Trúc Diệp