Gặp gỡ người phụ nữ mang tranh Việt chinh phục giải thưởng “Sáng tạo châu Á”

(Dân trí) - Lần đầu tiên, gửi tác phẩm do chính mình làm nên ra một sân chơi lớn, Nguyễn Dạ Quyên đã mang về cho Việt Nam 2 trong số 9 giải thưởng trong khuôn khổ cuộc thi “Sáng tạo châu Á”. Mới đây, Dân trí đã có cuộc trò chuyện đầu năm cùng nữ họa sĩ trẻ này.

Với 2 giải thưởng đã nhận được tại cuộc thi “Sáng tạo châu Á” 2014, cảm xúc của bạn có thể được diễn tả bằng lời như thế nào?

Đây là một kết quả bất ngờ mà tôi cũng không nghĩ mình sẽ có được. Trước giờ, tôi thường thiếu may mắn trong các cuộc thi và việc gửi tác phẩm dự thi lần này cũng chỉ nghĩ là “thử cho vui” nhưng cuối cùng, mọi thứ lại đến rất tự nhiên, khiến tôi cũng chưa kịp đón nhận. Mãi đến một thời gian sau, khi nhận được những lời chúc mừng và khích lệ từ người thân, bạn bè… tôi mới tự tin hơn và bắt đầu nghĩ tới việc hun đúc mạnh mẽ ngọn lửa đam mê hơn nữa.

Cơ duyên nào dẫn bạn đến với cuộc thi “Sáng tạo châu Á” 2014 ?

Trong một lần đi uống cà phê ở TPHCM, tôi chợt nhìn thấy bản tin quảng cáo cho cuộc thi này và có một sự chú ý dành cho nó. Sau đó, tôi trở về, lên mạng để tìm hiểu và âm thầm gửi tác phẩm dự thi mà không cho bất cứ một ai biết. Vì thật sự lúc đó tôi vẫn chưa tự tin và nghĩ tác phẩm của mình sẽ đoạt giải. Thật bất ngờ khi sau đó biết mình lọt vào Top 25 và nhận được 2 trong số 9 giải thưởng.

Nguyễn Dạ Quyên
Nguyễn Dạ Quyên

Điều gì khiến bạn tâm đắc nhất về cuộc thi cũng như có động lực để gửi tác phẩm tham gia dự thi?

Như bạn cũng biết, ở Việt Nam việc đánh giá nghệ thuật thường diễn ra theo xu hướng “khen ít chê nhiều”. Hơn nữa, các cuộc thi cũng chưa minh bạch cho lắm trong vấn đề giải thưởng. Điều này vô hình trung làm cho những người sáng tạo nghệ thuật cảm thấy mất đi sự tự tin và cả niềm tin về bản thân mình. Từ đó, khả năng sáng tạo sẽ bị hạn chế và trở nên nghèo nàn.

Với cuộc thi này, điều mà tôi thấy rõ nhất chính là sự công tâm của các giám khảo và sự đối xử công bằng dành cho tất cả các thí sinh. Bạn là những thí sinh hoàn toàn xa lạ, không quen biết ai trong ban tổ chức và việc gửi tác phẩm dự thi cũng hoàn toàn qua mạng. Bạn có thể bất cứ ở đâu trên thế giới, không phân biệt tuổi tác, không phân biệt trình độ học vấn, chuyên nghiệp hay nghiệp dư, miễn sao bạn là người châu Á và bạn có niềm đam mê sáng tạo nghệ thuật. Tiêu chí sáng tạo là yếu tố được cuộc thi đặt lên hàng đầu và đó cũng là điều tâm đắc nhất khiến tôi tham gia cuộc thi này.

Là một người chưa từng học qua trường lớp nghệ thuật chính quy, từ đâu mà đam mê sáng tác tranh của bạn được khởi nguồn?

Tôi nghĩ, khả năng sáng tác nghệ thuật đã có sẵn và tiềm ẩn bên trong mình từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, có lẽ vì phải dành thời gian tập trung cho việc học rồi áp lực thi cử vào đại học cũng là yếu tố khiến cho sở thích của tôi tạm ngủ quên ở một góc nào đó.

Cho mãi đến khi tôi gặp ông xã người Pháp của mình hiện giờ và biết được, các thành viên của gia đình chồng đều ít nhiều có sở thích về nghệ thuật. Điều đó, dẫn tôi đến suy nghĩ, tại sao mình lại khô khan đến thế, chỉ biết sáng đi làm và chiều tối về nhà? Thế là, sở thích sáng tác tranh của tôi từ đó cũng trỗi dậy.

Mọi người thường hay nhận xét thế nào về các tác phẩm của bạn? Bản thân bạn nghĩ tác phẩm của mình phản ánh khoảng bao nhiêu phần trăm tính cách cá nhân trong đó?

Rất may là tôi nhận được sự ủng hộ lớn từ ông xã và một số bạn bè thân thiết. Họ thường xuyên giúp tôi đưa ra những lời nhận xét chân thành, đặc biệt là sự khích lệ, động viên giúp tôi tự tin hơn để tiếp tục sáng tác. Trước đây, tôi thường chỉ sáng tác cho riêng mình mà không dám cho ai xem tác phẩm vì rất thiếu tự tin và ngại rằng, mọi người sẽ chê tác phẩm của mình.

Một vài người bạn là họa sĩ chuyên nghiệp thì họ nhận xét các tác phẩm của tôi là hoang dã, mạnh bạo, có vẻ không mang chất gì đó nhẹ nhàng như kiểu thiếu nữ ngồi bên hoa sen… Và tôi nghĩ điều đó khá đúng với tính cách của mình. Theo cá nhân tôi thì nghệ thuật phản ánh 50% tính cách của bản thân,50% phản ánh những gì mà mình chưa có cơ hội thể hiện ra bên ngoài và chính tác phẩm sẽ là nơi để mình tự do sáng tạo và thể hiện nó.

Được biết, ngoài việc sáng tác tranh, bạn còn là một “bà chủ trẻ” của công ty chuyên về marketing. Công việc bận rộn như vậy, bạn thường sắp xếp thế nào cho nghệ thuật sáng tác?

Trái lại, tôi nghĩ sáng tác trong hoàn cảnh này lại là một cái hay, vì nó cũng như một cách để giúp tôi giải tỏa những căng thẳng sau những giờ làm việc ở công ty. Tôi thường dành cho mình các ngày cuối tuần để sáng tác. Trước mắt là như vậy, còn kế hoạch lâu dài thì tôi đã tự đặt ra mục tiêu cho mình là, trong khoảng thời gian này, sẽ chăm chỉ làm việc để có thể tích lũy và “nghỉ hưu sớm”. Khi đó, tôi có thể dành nhiều thời gian hơn cho nghệ thuật, vì tôi biết tuổi của mình hiện giờ cũng đã khá muộn để bắt đầu cho một đam mê. Tôi muốn mình được sống với đam mê dài hơn và không phải đến lúc 70 tuổi mới cặm cụi sáng tác. (cười)

Nguyễn Dạ Quyên
Khoảng mùa hè năm nay, các tác phẩm của Nguyễn Dạ Quyên sẽ được giới thiệu tại buổi triển lãm ở Thượng Hải

Những chất liệu nào mà bạn thường hay mang vào các tác phẩm của mình để sáng tác?

Không biết tôi có phải là người “cuồng” Việt Nam quá hay không nhưng hầu như tất cả những gì mà tác phẩm của tôi thể hiện đều là những gì “rất Việt Nam”. Chẳng hạn, hình ảnh của những chiếc xe máy, của một cậu bé bán thuốc lá,... hay cả những vật liệu mà tôi lưu giữ từ khá lâu như những tờ báo cũ, vé số hoặc cả những tờ vé giữ xe nằm trong một kế hoạch mà tôi đang ấp ủ để thực hiện cho một tác phẩm. Để có được những chất liệu như vậy tôi cũng thường hay đi thực tế ở những vùng quê, nhưng có lẽ thời điểm này, ở Sài Gòn còn quá nhiều thứ để cho tôi có thể khai thác và sử dụng làm chất liệu cho mình.

Ở cuộc triển lãm sắp tới tại Thượng Hải, bạn sẽ mang những gì trong tác phẩm của mình để giới thiệu với  bè quốc tế?

Chắc chắn, đó sẽ là những gì “rất Việt Nam” mà qua đó, tôi mong muốn bạn bè quốc tế có thể cảm nhận được Việt Nam qua những hình ảnh rất đời thường và rất thật.

Với giải thưởng đạt được tại sân chơi mang tầm châu Á này, bạn có thông điệp nào gửi đến các bạn trẻ khác?

Người Á Đông thường hay chịu sự ảnh hưởng bởi cách dạy dỗ kiểu “uốn nắn bonsai” của gia đình, xã hội, khác với sự tự lập, tự do phát triển của người phương Tây. Tôi nghĩ, người Việt mình cũng nên tự thoát khỏi vỏ bọc của sự ảnh hưởng thiếu tích cực đó. Nhất là các bạn trẻ, ngay cả các nhân viên của mình, tôi cũng thường khuyên các bạn rằng, khi bạn đam mê thì bạn hãy cứ làm. Chưa cần nghĩ đến việc đó có thành công hay không nhưng dám nghĩ, dám làm và sống với đam mê của mình thì các bạn sẽ không thấy hối tiếc.

Cảm ơn  bạn và chúc bạn  sẽ tiếp tục thành công với đam mê của mình!

Cuộc thi “Sáng tạo châu Á” được tổ chức lần đầu tiên với mục tiêu tìm kiếm, hỗ trợ phát triển lĩnh vực sáng tạo và nghệ thuật tại Châu Á, được sáng lập bởi 2 tổ chức phi lợi nhuận ACN Asian Creative Networks có trụ sở tại Nhật kết hợp cùng Ubies. Ban giám khảo gồm những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật chuyên môn đến từ các quốc gia như Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Phillippines, Indonesia… Hơn 10.000 tác phẩm của hơn 3.000 nghệ sĩ chuyên nghiệp và nghiệp dư tại hơn 26 quốc gia châu Á ở lĩnh vực sáng tạo trên không gian 2 chiều đã gửi tác phẩm dự thi. Trong 09 giải thưởng, Nguyễn Dạ Quyên đến từ TPHCM - Việt Nam, đã được trao 2 giải: Giải Tác phẩm dành cho triển lãm IMG SRC và Giải Tác phẩm được yêu thích do truyền thông bình chọn.

Dưới đây là 5 tác phẩm dự thi của Nguyễn Dạ Quyên tại cuộc thi “Sáng tạo châu Á 2014”

Box in Box
Box in Box

Dreams
Dreams

Vietnamese
Vietnamese

Paris
Paris

The Loop
The Loop

T.Hòa