Gameshow ngày càng dung tục hoá với chuyện phòng the, cảnh nhạy cảm?
(Dân trí) - Gameshow truyền hình khai thác quá đà các tình tiết về chuyện phòng the, cảnh nhạy cảm... để câu khách không phải là câu chuyện mới xảy ra. Nhưng cứ để tình trạng này tiếp tục bùng phát thì sẽ khó tránh khỏi những hệ luỵ khôn lường.
Gameshow khai thác quá đà chuyện nhạy cảm
Mới đây, chương trình “Nữ hoàng quyến rũ” phát sóng trên HTV đã gây nhiều tranh cãi khi để thí sinh mặc bikini, tạo dáng khêu gợi và phản cảm. Do chương trình phát sóng giờ vàng nên sự bức xúc của dư luận càng tăng cao bởi đây là khung giờ có nhiều đối tượng khán giả là trẻ em và thiếu niên theo dõi.
Ngay khi xảy ra sự việc, đại diện đơn vị phát sóng xin tiếp thu các ý kiến phản ánh và chỉ đạo nghiêm túc rút kinh nghiệm đối với đội ngũ sản xuất đồng thời yêu cầu điều chỉnh nội dung hình ảnh trong các số phát sóng tiếp theo để phù hợp với tính chất cuộc thi, tránh sơ suất về mặt hình ảnh.
Tuy nhiên, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử vẫn cho Thanh tra Pháp chế vào cuộc tìm hiểu để có hình thức xử lý.
Thực tế, thị trường gameshow hiện này bùng nổ quá nhanh khiến cho mức độ cạnh tranh trở nên khốc liệt. Các nhà sản xuất tung ra đủ chiêu trò để câu kéo khán giả nhưng vô hình trung đẩy yếu tố thương mại hoá lên cao và mất dần đi tính nhân văn cần có.
Từng là một gameshow chiếm được nhiều thiện cảm của khán giả trên sóng truyền hình năm 2018 nhưng khi trở lại vào giữa tháng 4/2019. “Ngôi sao tình yêu” lại gây ồn ào khi để nhân vật nữ chính ăn mặc hở hang và có nhiều hành động nhạy cảm trên sóng truyền hình ở tập 23.
Trước đó, chương trình 18+ “Date & Kiss” (Hẹn và Hôn), “Dare Pong” cũng từng gây tranh cãi dữ dội trong giới trẻ khi quá lạm dụng chuyện nhạy cảm, hôn hít, ôm ấp…
Phải ngăn chặn kịp thời trước khi gây nên nhiều hệ luỵ
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng, việc gameshow khai thác quá đà chuyện phòng the và cảnh nhạy cảm không có tính giáo dục, vừa phản cảm.
“Khán giả lớn tuổi đã đành nhưng khán giả thanh thiếu niên và trẻ con thì tác hại quá lớn. Nhất là với một số gameshow không phát trên truyền hình (không bị kiểm duyệt) mà phát trên Youtube, rất dễ được đối tượng trẻ và trẻ con tiếp cận. Các gameshow này gây lệch lạc về giáo dục giới tính, gây tò mò và ham muốn về tình dục, làm dậy thì sớm nơi các bé.
Một số bộ phận giới trẻ ngày nay sống rất thoáng và dễ dãi, vì thế khi thực hiện những chương trình này, họ ngộ nhận là được xã hội đồng tình ủng hộ, lệch lạc về quan điểm về tình cảm tình yêu. Không còn trân trọng giá trị thân thể của bản thân mình. Rõ ràng, tôi nhận thấy các nhà sản xuất chỉ chạy theo yếu tố câu khách chứ chẳng có mục đích giải trí tốt đẹp nào ở đây cả”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bức xúc.
Nam nhạc sĩ cho biết, anh có xem qua một gameshow mà người nữ sẽ hôn 10 người nam mới biết nhau. Anh cảm thấy đây là một sự phản cảm vượt quá ngưỡng. Vì ai cũng như thế thì nụ hôn tình yêu không còn giá trị tình cảm, không còn giá trị thiêng liêng và riêng tư nào dành cho nhau. Còn hành động cởi áo này nọ cho hàng nghìn người xem thì khỏi nói vì quá trơ trẽn.
PGS.TS Trịnh Hoà Bình cho rằng, những gameshow có chiều hướng chạy theo xu hướng lệch lạc về thẩm mỹ như khoe thân hay dày đặc các tình tiết nhạy cảm, nếu không có biện pháp xử lý và ngăn chặn kịp thời sẽ còn diễn biến phức tạp, gây tác động xấu khi tác động vào suy nghĩ, lối sống của một bộ phận trong xã hội, đặc biệt là giới trẻ.
Những chương trình này làm méo mó giá trị chân - thiện - mỹ và ảnh hưởng tới góc nhìn về chất lượng nghệ thuật của những người làm nghệ thuật chân chính. Kẽ hở hiện nay đó là các nhà sản xuất tìm mọi cách “câu” khán giả bất chấp chiêu trò và đạo đức nghề nghiệp.
Các nhà quản lý phải sát sao hơn, buộc các nhà sản xuất và nghệ sĩ phải xây dựng những tiết mục tuyên truyền văn hóa có chất lượng nghệ thuật và phải thực hiện đúng những quy định của pháp luật về biểu diễn, truyền hình trên thông tin đại chúng.
TS Nguyễn Thị Hồng – nguyên Phó Trưởng khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Truyên truyền chia sẻ, bà hết sức phản đối chuyện khai thác quá đà các tình tiết giật gân, câu khách của các gameshow nói riêng và một số chương trình truyền hình nói chung. Cái này cho thấy một sự lệch chuẩn trong việc truyền bá thông tin để giáo dục và giải trí. Về lâu dài, nó khiến cho niềm tin con người bị lung lạc.
Theo TS Nguyễn Thị Hồng, các nhà quản lý nên có các hướng dẫn cụ thể và các chế tài quản lý thật chặt chẽ để sớm ngăn chặn tình trạng này. Một khi để hiện tượng này bùng phát sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ khó lường.
Hà Tùng Long