Game show hài, nghệ sĩ trẻ đang làm “biến dạng” tiếng cười?

(Dân trí) - Càng ngày, các game show càng làm cho tiếng cười bị “biến dạng” bởi những thứ dễ dãi, nhảm nhí và rẻ rúng...

Khán giả phát hoảng vì... “biến dạng” tiếng cười

Nếu khoảng 5 năm về trước, khán giả cứ phải chờ đến cuối tuần mới được xem một vài chương trình thư giãn đậm màu sắc hài hước. Hoặc nếu muốn xem ngày thường phải tìm đến các sân khấu kịch, các tụ điểm giải trí… thì ngày nay chỉ cần mở tivi là có thể “bội thực” với các game show hài.

Một số nghệ sĩ cho rằng, đời sống thường nhật nhiều áp lực, thị trường âm nhạc bão hoà, thị trường phim ảnh chững lại… khiến khán giả tìm đến nhiều hơn với tiếng cười để xả stress. Đó là một trong những nguyên nhân khiến game show hài nở rộ lên trên truyền hình trong khoảng 3 năm trở lại đây. Cứ ngỡ đó sẽ tín hiệu mừng cho khán giả khi họ có thêm những “món ăn tinh thần” mới giúp cải thiện đời sống tinh thần vốn có quá nhiều nỗi lo toan và căng thằng.

Nhiều nghệ sĩ lo sợ game show hài sẽ giật thẩm mỹ tới mức lệch lạc. Ảnh minh hoạ.
Nhiều nghệ sĩ lo sợ game show hài sẽ "giật" thẩm mỹ tới mức lệch lạc. Ảnh minh hoạ.

Tuy nhiên, ngoại trừ một số rất ít chương trình có sự đầu tư, chọn lọc và sáng tạo thì đa phần các game show hài hiện nay đều na ná nhau. Từ Cười xuyên Việt, Thách thức danh hài, Đấu trường tiếu lâm, Siêu hài nhí, Học viện danh hài, Làng hài mở hội, Tiếu lâm tứ trụ… đều có format tương đối giống nhau. Đặc biệt, càng ngày, các game show hài càng khiến khán giả phát hoảng vì làm “biến dạng” tiếng cười. Nói cách khác là làm cho tiếng cười trở nên nhạt nhẽo, rẻ rúng và dung tục.

Bên lề một cuộc trò chuyện, NSND Hồng Vân từng tâm sự rằng, chị sợ đến một ngày, khán giả sẽ quay lưng hoàn toàn với game show truyền hình, nhất là các game show hài. Nữ nghệ sĩ cũng lo sợ, các nhà sản xuất vì mải chạy đua với doanh thu và lợi nhuận mà “giật” thẩm mỹ tới mức lệch lạc.

Bản thân danh hài Hoài Linh - người được cho là “đệ nhất danh hài” phía Nam hiện nay cũng phải thẳng thắn nhìn nhận: “Có những game show hài, tôi giảm dần dần vì không muốn ngồi nhiều nữa. Nói thật là có ngồi cũng không biết nói gì vì quay tới quay lui, diễn lặp đi lặp lại cũng những nội dung đó. Sáng tạo dĩ nhiên có nhưng vì có quá nhiều chương trình nên mọi thứ lại bị trùng lặp”.

Điều đặc biệt, một trong những nguyên nhân khiến tiếng cười bị “biến dạng” trên game show truyền hình lại chính là những người luôn nhận mình là “danh hài”, “nghệ sĩ”, “diễn viên hài”... Chính họ là những người đã tạo ra sự dễ dãi, tiếp tay cho những thứ rẻ tiền lên ngôi trong cuộc vui.

Cách đây mấy hôm, chính Trấn Thành cũng đã phải lên fanpage nhận lỗi vì đã bật cười một cách dễ dãi trước câu nói đầy tục tĩu của thí thí sinh Lê Tấn Lợi. Trước đó, anh chàng này cũng từng bị “ném đá” vì cười dễ dãi với Lệ Rơi và cô giáo đến từ Vĩnh Long.

Ngoài ra, ở vai trò giám khảo, Trấn Thành liên tục quỳ lạy thí sinh một cách dễ dãi, thay vì nói những lời nhận xét có chuyên môn về hài kịch hoặc kỹ năng diễn xuất thì anh nói về những điều chung chung, hoặc những câu chữ vô nghĩa không có giá trị về chuyên môn.

Thực tế, việc nhận lời tham gia quá nhiều chương trình khiến cho các nghệ sĩ không có điều kiện để trau dồi tư duy nghề nghiệp. Những Việt Hương, Trấn Thành, Trường Giang, Đại Nghĩa, Hoài Linh... xuất hiện ở rất nhiều game show truyền hình nhưng cũng liên tiếp vấp lỗi. Nghệ sĩ Anh Vũ cho rằng, khi họ xuất hiện nhiều đồng nghĩa với việc họ có tiền và tên tuổi được hâm nóng nhưng mặt không tốt lại là các sản phẩm của họ sẽ ít được đầu tư. Từ đó dẫn đến cái duyên nghề của nghệ sĩ bị nhạt đi, còn khán giả thì chán nản và thất vọng.

Nghịch lý nghệ sĩ hài sợ game show hài

NSƯT Đức Hải cho rằng, ở góc độ kinh doanh, việc các nhà sản xuất buộc lòng phải mời những người có thể xin được tài trợ để có tiền đầu tư cho game show là có thể thông cảm được. Nhưng dưới góc độ xã hội, dưới mắt nhìn của một khán giả thì anh cho là các nhà sản xuất cần phải cân đối lại đội ngũ “host” của các game show.

“Bây giờ thử nghĩ xem, cha mẹ, anh em… mình mở tivi ra phải xem mấy bạn danh hài trẻ dạy khôn người khác không bực mình sao được. Làm gì có nền tảng mà dạy khôn ai. Thực ra, các bạn ấy dạy mấy thí sinh là một hình thức “đá bóng bật tường”, dạy khôn cả người ngoài đời nữa đấy. Đưa ai lên làm “host” chương trình cũng phải "cân đong đo đếm" chứ đưa mấy người ít học lên đó ngồi là chết. Mà tình trạng này hiện nay lại đang tương đối nhiều.

Tôi là người lớn nên không hiềm tỵ chuyện người giữa hay ngồi bên nhưng có nhiều người khoác áo danh hài bây giờ có những niềm tự hào ảo. Mình là danh hài, mình phải ngồi chính giữa trung tâm, phải ngồi ở bàn ban giám khảo. Càng như thế là càng giật lùi văn hoá, càng làm biến tướng thẩm mỹ của xã hội”, nghệ sĩ Đức Hải thẳng thắn nói.

Bản thân NSƯT Hữu Châu cũng từng khiến những người trong nghề “chột dạ” với tuyên bố: “Có những giám khảo đáng học trò tôi, nhận xét của họ rất mắc cười vì vậy tôi tuyệt đối không coi game show. Khi thí sinh diễn dở mà mình vẫn khen vì tiền thì ra ngoài tôi làm sao dám dạy ai nữa”.

Hình ảnh Trấn Thành lạy thí sinh trong game show. Ảnh: BTC.
Hình ảnh Trấn Thành lạy thí sinh trong game show. Ảnh: BTC.

Nghệ sĩ Tấn Beo thật lòng rằng, anh đã từng phải từ chối rất nhiều game show vì anh sợ khán giả nhàm chán mình.

“Những nghệ sĩ làm nghề chân chính, người ta luôn ý thức được giá trị của mình, biết được khán giả đến với mình vì điều gì. Cho nên tại sao tôi từ chối rất nhiều gama show là thế. Nhà sản xuất đôi khi cũng tránh mời vì tôi vì biết tính tôi không chịu đi theo đường dây của họ. Ngồi ghế giám khảo, tôi nói hoặc làm những điều người ta không vừa ý. Tôi chỉ muốn nói thật, không thích diễn trò trước công chúng.

Bây giờ, rất nhiều đàn em của tôi ngồi ghế nóng game show nhưng tôi nhớ họ tên gì, tại sao họ lại được ngồi trên đó. Nhiều khi tôi phải mở mạng ra để xem họ đã từng diễn những cái gì. Tôi nói thật, sở dĩ game show hài làm tiếng cười biến dạng là vì nhiều diễn viên phải phục tùng nhà sản xuất để làm theo ý họ. Khán giả chửi cứ chửi, mình làm cứ làm, miễn có rating… đó là xu hướng chung của nhiều game show hài. Nhưng đến bây giờ thì hậu quả khó lường. Người ta không chỉ tẩy chay chương trình mà có khi còn tẩy chay cả nghệ sĩ nếu cứ trượt dài trong những sự dễ dãi đó”, nghệ sĩ Tấn Beo trải lòng.

Thực tế thì không chỉ có nghệ sĩ Tấn Beo mà trong giới nghệ sĩ sân khấu hiện nay, nhất là những tên tuổi kỳ cựu như: NSƯT Hữu Châu, NSƯT Thành Lộc, NSƯT Thành Hội… vẫn luôn nói “không” với game show. Bởi họ thừa biết bản chất thực sự của game show là gì và giá trị của người nghệ sĩ quý giá ra sao. Có lẽ vì thế mà bao năm quan, tên tuổi của họ “trụ vững” như một “tượng đài” trong làng nghệ thuật và trong lòng khán giả.

Bài 3: Nhà sản xuất sẽ làm gì nếu khán giả đồng loạt quay lưng với game show hài?

Hà Tùng Long