“Gặm nhấm” nỗi cô độc tận cùng trong tác phẩm của Gabriel Marquez
(Dân trí)- Sự cô độc thường xuất hiện trong các tác phẩm của Marquez. Ông khai thác sự cô độc trong tình yêu, trong mỗi cá nhân và trong cả đời sống nhân loại. Mỗi chúng ta từ khi sinh ra đã là một tiểu hành tinh đơn độc.
Chất văn riêng biệt của Gabriel Garcia Marquez
Độc giả thường nhận ra văn chương của Marquez với một vài đặc điểm nổi trội nhất, chẳng hạn như sự hài hước, dí dỏm, sự đơn độc, huyền ảo nhưng thực tế, Marquez không chủ ý gắn mình vào bất cứ một phong cách cụ thể nào, ông từng nói:
“Qua mỗi cuốn sách của mình, tôi cố gắng đi theo một con đường khác… Không thể áp đặt ý chí trong việc lựa chọn phong cách. Nếu gượng ép sẽ bất thành”.
Marquez thường bỏ ra ngoài tác phẩm một số chi tiết mà người đọc cho là quan trọng bởi ông muốn người đọc phải tham gia vào việc phát triển mạch truyện, phải tưởng tượng và lý giải.
Garcia Marquez thời trẻ
Chủ nghĩa hiện thực là một yếu tố quan trọng trong những tác phẩm của ông. Những tác phẩm đầu tay của Marquez phản ánh hiện thực cuộc sống ở quê nhà Colombia. Marquez không bao giờ hối tiếc vì đã từng viết những tác phẩm này, nhưng vì ông có thể dự tính quá nhiều chi tiết trước khi sáng tác, nên sau này ông chuyển sang chủ nghĩa hiện thực huyền ảo.
Marquez được giới văn chương khu vực Mỹ Latinh tôn sùng như Miguel de Cervantes - cha đẻ nhân vật Đôn Kihôtê. Ông là một trong những nhà văn sáng tác bằng tiếng Tây Ban Nha vĩ đại nhất, xuất sắc nhất kể từ thời Cervantes. Garcia Marquez đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền văn học Mỹ Latinh phát triển.
Sinh thời khi nhận giải Nobel Văn học năm 1982, ông đã rất khiêm tốn khi nói rằng: “Khi trao giải thưởng này cho tôi, người ta muốn thể hiện sự ghi nhận đối với nền văn học của một tiểu lục địa, trao giải thưởng cho tôi là một cách để trao giải thưởng cho nền văn học đó”.
Những mô-típ thường thấy trong văn chương Gabriel Garcia Marquez
Sự cô độc thường xuất hiện trong các tác phẩm của ông. Marquez khai thác sự cô độc trong mỗi cá nhân và trong cả loài người. Ngay cả trong tình yêu, khi yêu và được yêu, sự cô độc đó vẫn tồn tại bởi mỗi chúng ta là một hành tinh cô đơn trong sự tồn tại của riêng mình.
Nhiều nhà nghiên cứu đã tìm cách lý giải sự cô độc quen thuộc trong văn chương Marquez, cho rằng ông từng bị chấn thương tâm lý nhưng theo Marquez, “cô độc là vấn đề mà tất cả con người đều phải đối mặt. Mỗi người lại có những cách khác nhau để thể hiện sự cô độc đó”.
Marquez khẳng định cô độc là cảm xúc xuất hiện trong tác phẩm của rất nhiều nhà văn, thậm chí, có những người còn không ý thức được mình đang thể hiện sự cô độc qua ngòi bút.
Mexico là quê hương thứ hai của Marquez, ông sống ở đây phân nửa cuộc đời.
Thị trấn Macondo cũng thường xuất hiện trong tác phẩm của Marquez. Ông lấy quê nhà - khu đô thị Aracataca ở Colombia - làm hình mẫu văn hóa, lịch sử và địa lý để xây dựng nên thị trấn tưởng tượng Macondo.
Có lần cậu bé Marquez đi du lịch với người ông của mình, đi qua một trang trại trồng chuối, Marquez có thấy chữ “Macondo” được viết trước sân. Từ này đã đi theo Marquez bởi ông đặc biệt thích cách phát âm của nó. Về sau, ông đã đưa “Macondo” vào tác phẩm của mình.
“La Violencia” trong sáng tác của Marquez là để chỉ cuộc nội chiến giữa các đảng phái chính trị hồi thập niên 1960, gây ra cái chết của vài trăm ngàn người Colombia. Nhiều nhân vật trong tiểu thuyết của ông từng phải sống trong những hoàn cảnh éo le do hệ lụy từ cuộc xung đột này.
Phản ánh những câu chuyện chính trị và thời cuộc trong tác phẩm của mình nhưng Marquez không bao giờ sa đà vào chính trị. Đối với ông, sứ mệnh của một nhà văn Cách mạng là phải viết hay, sáng tạo ra những cuốn tiểu thuyết lý tưởng, có khả năng tác động tới độc giả để họ nhìn thấu hiện thực.
Tác phẩm nổi tiếng trong sự nghiệp văn chương Gabriel Marquez
“Trăm năm cô đơn” (1967) là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Marquez. Cho đến nay, tác phẩm này đã được dịch sang hơn 30 thứ tiếng. “Trăm năm cô đơn” được đánh giá là một trong những tác phẩm hay nhất thập niên 1960.
Tác phẩm có nhiều bình diện, phản ánh một cách độc đáo cuộc sống của các dân tộc Mỹ Latinh, cả những sự kiện quan trọng trong lịch sử khu vực này. Sự pha trộn giữa các yếu tố hiện thực và hoang đường trong tiểu thuyết đã tạo ra một hệ thẩm mỹ đặc biệt gọi là chủ nghĩa hiện thực huyền ảo.
Về mặt ý nghĩa, cái đuôi lợn của đứa bé dòng họ Buendia là sự vật chất hóa tính ích kỷ của loài người, đến mức đánh mất bản chất người. Những con người trong dòng họ Buendia có đầy đủ trí lực và thể lực, nhưng thiếu trái tim yêu thương sôi nổi, trong khi đó, tình yêu mới là yếu tố cần thiết để thoát khỏi cảnh cô đơn.
“Tình yêu thời thổ tả” (1985) là một bản cáo trạng đanh thép đối với xã hội đánh giá con người không bằng phẩm giá mà bằng số của cải anh ta sở hữu. Nó bóp chết những tình cảm trong sáng, tươi đẹp. Muốn có tình yêu và hạnh phúc, con người phải được giải phóng khỏi xã hội đó.
“Tình yêu thời thổ tả” cũng là những suy ngẫm về tình yêu ở mọi lứa tuổi, cả ở tuổi trẻ lẫn tuổi già. Tuổi tác, năm tháng thậm chí có thể khiến con người yêu nhau chân thành, da diết, si mê hơn. Tình yêu đích thực mới là chiếc chìa khóa giúp con người mở cửa tâm hồn mình, để chống lại nỗi cô đơn muôn thuở.
“Ngài đại tá chờ thư” (1961) hoàn toàn mang màu sắc huyền ảo. Ngay cả tên nhân vật chính cũng không được gọi lên, đem lại cho người đọc cảm giác về sự vô danh của những số phận con người. Tác phẩm gửi gắm một lời nhắn nhủ rằng đời lắm lúc phải sống bằng hy vọng dẫu sự hy vọng đó gần như… vô vọng.
“Sống để kể lại” (2002) là cuốn tự truyện khá chân thực kể về cuộc đời của Marquez. Ông khởi nghiệp văn chương từ khi còn là một sinh viên luật. Một thời gian, vì chán ngán các môn học khô khan, ông quyết bỏ học để chuyển hẳn sang lĩnh vực văn chương.
Qua cuốn hồi ký, Marquez đề cập rõ hơn về sự cô đơn; những ký ức, trải nghiệm đọng lại của một con người cô đơn với nhiều nỗi đau, ước mơ và khát vọng; những trăn trở về ý nghĩa cuộc sống ẩn chứa sau những sự kiện, những suy tư hoài niệm của một cuộc đời bôn ba, thăng trầm. Cuối cùng, cuộc đời không chỉ là tồn tại, hãy sống để sau này có thể kể lại.
“Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi” (2004) thuộc thể loại tiểu thuyết ngắn dưới dạng hồi ức, có lối kể tự sự đơn giản, nhịp kể đều đều nhưng hấp dẫn bởi những luận điểm mang tính triết lý giản dị mà sâu sắc. Người đàn ông già trong tác phẩm đã tìm thấy một tình cảm đẹp khi đang cố gắng trong tuyệt vọng, mong tìm lại tuổi trẻ. Tác phẩm là một niềm thương xót con người, đặc biệt là số phận những người phụ nữ éo le.
Bích Ngọc- H.H
Tổng hợp