Gala Cười 2018 đả kích vấn nạn “ăn” chặn tiền từ thiện, hủ tục chọn vợ
(Dân trí) - Tối 9/1, Gala Cười chào Xuân Mậu Tuất đã được ghi hình tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt - Xô Hà Nội. 4 tiểu phẩm của chương trình đã khiến khán giả cười nghiêng ngả vì đả kích “vấn nạn” ăn chặn tiền từ thiện, hủ tục chọn vợ trong gia đình “tứ đại đồng đường”…
Nếu Táo Quân là chương trình tổng kết các vấn đề đã xảy ra trong năm để nhìn nhận lại một năm và có hướng khắc phục thì Gala Cười chứa nhiều tiểu phẩm đơn lẻ, phản ánh những vấn đề gần gũi với cuộc sống. Đây cũng là chương trình lớn nhất trong năm quy tụ được dàn nghệ sĩ hài của hai miền Nam - Bắc.
Gala Cười 2018 có chủ đề “Tết sum vầy” bao gồm 4 tiểu phẩm: Khám bệnh từ thiện, Tứ đại đồng đường, Đặt tên cho con và Tết sum vầy.
Tiểu phẩm “Tết sum vầy” kể câu chuyện về ông chủ nhà trọ vì vợ mất sớm, con ở xa nên năm nào ông cũng phải thui thủi một mình đón tết. Năm nay, ông quyết định rủ cặp vợ chồng và nam sinh viên ở trọ trong nhà mình ở lại đón tết cùng nhưng không ai chịu.
Ông đã dùng mọi cách, kể cả cho tiền lẫn khuyến mại hai tháng nhà trọ miễn phí nhưng mọi người vẫn nhất quyết về quê để sum vầy với gia đình.
Cuối cùng, ông vẫn phải đón tết một mình trong căn nhà lạnh lẽo cùng tấm di ảnh của vợ. Ấy thế nhưng khi con cái ở xa gọi điện về hỏi thăm ông vẫn phải nói dối các con là đón tết rất vui và đầm ấm. Tiểu phẩm mang lại nhiều tiếng cười vui vẻ nhưng cũng dấy lên trong lòng người xem những nỗi xót xa.
Tiểu phẩm “Đặt tên cho con” với sự tham gia của các diễn viên trẻ như: Duy Nam, Trung “ruồi”, Dũng “hớn”… đề cập đến câu chuyện dở khóc dở cười trong việc đặt tên con ở các làng quê.
Theo đó, một cặp vợ chồng vừa sinh được một cậu con trai đầu lòng, chưa kịp vui mừng thì đã phải “vò đầu bứt tóc” vì không biết tìm sao cho con một cái tên mà không trùng với tên huý của những người thân trong gia đình. Những tình huống bi hài cộng với lối diễn xuất đầy duyên dáng của các diễn viên trẻ làm cho khán giả cười nghiêng ngả.
“Vấn nạn” ăn chặn tiền từ thiện và “thẩy” quà từ thiện không phù hợp cho người dân được báo chí đề cập đến trong thời gian qua cũng được dựng thành tiểu phẩm “Khám bệnh từ thiện”.
Theo đó, một đoàn bác sĩ về vùng cao để khám răng từ thiện cho người dân đã ngỡ ngàng khi phát hiện người dân ở đây ai cũng bị mòn răng. Hài hước hơn là đàn ông phải mặc váy thay quần và ăn mì tôm trừ bữa.
Qua những lời kể thật thà của người dân bản, cuối cùng đoàn khám bệnh đã hiểu ra rằng, mặc dù thường xuyên có các đoàn từ thiện về trao quà nhưng vì bị chính quyền ăn chặn hết tiền nên người dân phải nhận những món quà họ không mong muốn. Và vì quá uất ức nhưng do “thấp cổ bé họng” nên người dân chỉ biết nghiến răng chịu dựng… dẫn đến mòn răng.
Tiểu phẩm “Tứ đại đồng đường” do các nghệ sĩ của dàn Táo Quân như: NSND Tự Long, NSƯT Quang Thắng, NSƯT Công Lý, NSƯT Xuân Bắc và nghệ sĩ Vân Dung thể hiện. Tiểu phẩm đả kích hủ tục chọn vợ theo tiêu chuẩn trong gia đình có 4 thế hệ.
Vì những hủ tục này mà cậu cháu đích tôn đã phải “ăn cơm trước kẻng” để buộc cụ nội, ông nội và bố chấp nhận người mình yêu. Với lối tung hứng có nghề và cách diễn xuất dí dỏm mà các nghệ sĩ đã mang đến những tiếng cười sảng khoái nhưng cũng không kém phần suy nghĩ.
Bên cạnh các tiểu phẩm, Gala Cười còn có sự góp mặt của ca sĩ Bảo Trâm Idol, Minh Quân, Mỹ Dung và diễn viên Trương Thế Vinh trong một số tiết mục âm nhạc đầy không khí xuân.
Hà Tùng Long