Phim hay một thời:

"Fight Club": Hành trình đi tìm sự giải thoát khỏi những bức bối nghẹt thở

(Dân trí) - "Fight Club" (1999) đã đến với công chúng được hơn 20 năm, cho tới hôm nay, nhiều người xem thuộc nhiều thế hệ vẫn thích xem lại bộ phim này, một bộ phim nói về những bức bối, khủng hoảng.

Fight Club: Hành trình đi tìm sự giải thoát khỏi những bức bối nghẹt thở - 1

Bộ phim khi mới ra mắt từng khiến nhà sản xuất e dè, họ tin rằng phim sẽ bị lỗ nặng, nên đã tìm cách cắt gọt mọi kế hoạch quảng bá để tránh tốn tiền vô ích. Kể từ khi phim ra rạp, giới phê bình từ bấy đến nay vẫn có nhiều đánh giá trái chiều đối với phim, cơ bản "Fight Club" có quá nhiều cảnh bạo lực và cảnh "nóng" trần trụi.

Bộ phim từng bị xem là tác phẩm gây tranh luận nhiều nhất trong năm 1999, chủ yếu là bởi giới phê bình khó kết luận được phim có xứng đáng được xem là một tác phẩm điện ảnh nghiêm túc và có giá trị hay không.

Thời gian trôi qua, "Fight Club" vẫn được nhiều thế hệ người xem thích thú tìm đến, phim phát hành thành công thông qua các loại băng đĩa, nối dài sức sống của phim trong lòng công chúng và bỗng trở thành một dạng phim kinh điển do chính người xem tự lựa chọn, mà không cần bất cứ sự tôn vinh đình đám nào từ giới phê bình.

Chính nhờ thế mà qua thời gian, truyền thông và giới phê bình điện ảnh lại thường phải quay lại phân tích để xem "Fight Club" hay ho và có giá trị như thế nào.

"Fight Club" là một bộ phim chứa đầy sự bức bối, chán nản, nhưng cũng có sự vui tươi, phấn khích, đó là một bộ phim nói về những gã chán đời, cảm thấy mình đang sống mòn trong chuỗi ngày của những công việc lặp đi lặp lại, họ tìm tới "Fight Club" để thỏa sức tung ra những cú đấm thép giải tỏa những bức bối, ngột ngạt trong tâm lý.

Bộ phim có rất nhiều cảnh đánh nhau tay bo dữ dội, nhưng không hề có sự ác ý giữa những người tham gia vào các cuộc đấu ấy, bởi đơn giản tất cả họ đều như nhau, đều tìm đến "Fight Club", chấp nhận đánh và bị đánh trên sàn đấu, để được giải tỏa và cảm thấy nhẹ nhõm hơn.

Fight Club: Hành trình đi tìm sự giải thoát khỏi những bức bối nghẹt thở - 2

Khi đạo diễn David Fincher thực hiện bộ phim này, Hollywood đã bước qua thời kỳ thực hiện các bộ phim ngập tràn cảnh bạo lực và tình dục, vì vậy, "Fight Club" thoạt tiên bị xem nhẹ, bị cho là một bộ phim chạy theo thị hiếu đã lỗi thời.

Nhưng về sau, người ta hiểu rằng, David Fincher đã thực sự thử thách chính mình với bộ phim "Fight Club" để kể một câu chuyện muôn thuở của những gã trung niên sống trong thành phố, sáng sáng đi làm bảnh bao, gọn ghẽ nhưng chất chứa trong nội tâm biết bao đè nén, bức bối.

Thực tế, thời gian đã chứng minh "Fight Club" là một bộ phim khá ấn tượng, đặc biệt là ở phần đầu khi miêu tả về cuộc sống của nhân vật nam chính "người dẫn chuyện không tên" (nam diễn viên Edward Norton).

Trong phim, Edward Norton vào vai một người đàn ông trung niên độc thân có dấu hiệu trầm cảm, sống cô độc trong thành phố, mọi thứ trong cuộc sống của anh ta có vẻ rất ổn thỏa xét về khía cạnh vật chất, nhưng âm thầm trong nội tâm nhân vật có một cơn giận dữ bức bối ngột ngạt ngấm ngầm đang đốt cháy anh ta.

Công việc và cuộc sống dần khiến anh ta trở nên muốn phát điên. Để xoa dịu những nỗi bức bối của mình, anh ta thường xuyên tham gia những cuộc gặp gỡ do các hội nhóm từ thiện tổ chức, tại đây, anh ta lắng nghe câu chuyện của những người kém may mắn hơn mình và cảm thấy được an ủi khi được biết về những bi kịch xảy ra trong cuộc đời người khác.

Những cảnh đầu phim được kể với giọng đầy châm biếm, hài hước, đó là giọng kể của người dẫn chuyện không tên - nhân vật của Edward Norton. Những cuộc gặp với các hội nhóm phát huy tác dụng, anh ta như có được liều thuốc an thần và cảm thấy cuộc sống của mình nhìn chung cũng vẫn kiểm soát được, nhưng rồi xảy ra trục trặc...  

Fight Club: Hành trình đi tìm sự giải thoát khỏi những bức bối nghẹt thở - 3

Anh ta phát hiện có một người phụ nữ cũng liên tục xuất hiện trong các cuộc gặp giống mình, đó là Marla (nữ diễn viên Helena Bonham Carter). Cô ta cũng là một "khách bộ hành lang thang" ở những cuộc gặp gỡ mà nam chính tham dự, chỉ bởi Marla thích đồ ăn, thức uống được phục vụ miễn phí ở những sự kiện từ thiện như thế. Sự đóng kịch, giả dối, dù vô hại của nam chính vì thế mà bị lột trần.

Trên máy bay, nam chính lại có một cuộc gặp kỳ cục khác với Tyler Durden (nam diễn viên Brad Pitt), một gã trai có cá tính thú vị với cái nhìn như xuyên thấu nội tâm nam chính.

Chính Tyler Durden đã cưu mang nam chính, cho anh ta đến ở cùng khi căn hộ của nam chính bị nổ tung và cháy ra tro, cũng chính Tyler Durden đưa nam chính tới với "Fight Club", cho anh ta biết về một cộng đồng bí mật gồm những gã đàn ông gặp nhau chỉ để "tẩn" nhau, để tìm được sự tự do, phóng túng và nhận diện chính mình trong những cuộc đấu tay bo.

Chính từ đây, "Fight Club" bắt đầu có nhiều cảnh đánh đấm, nhiều nhà phê bình bắt đầu mất thiện cảm với phim từ chỗ này, còn với người xem, họ lại cảm thấy thật... "đã đời" với những cảnh đấu tay bo ngoạn mục, thực sự giải tỏa bức bối.

Về sau, "Fight Club" có một bước ngoặt nội dung gây "ngã ngửa", một cú bẻ lái rất "dữ", về sau, nhiều nhà làm phim phải chịu áp lực tạo ra được những cảnh kết làm đảo lộn toàn bộ nội dung mà người xem đã được xem trước đó, giống như "Fight Club".

Vậy "Fight Club" muốn nói về điều gì? Theo Durden, tìm đến "Fight Club" là cách để những gã đàn ông có thể tự giải phóng chính mình khỏi gánh nặng kìm kẹp của cuộc sống hiện đại, một cuộc sống tù túng và nhàm tẻ. Bằng cách sẵn sàng chấp nhận mọi thương tích và hậu quả khi tìm tới "Fight Club", những gã đàn ông tham gia vào sàn đấu sinh tử ấy đã tìm được sự tự do.

Fight Club: Hành trình đi tìm sự giải thoát khỏi những bức bối nghẹt thở - 4

Nhân vật Tyler Durden đã nói: "Chỉ khi ta đã đánh mất mọi thứ, ta mới có đủ sự tự do để làm những điều mình muốn". Thực sự những gã đàn ông trong "Fight Club" có trở nên mạnh mẽ hơn, tự do hơn sau khi tham gia vào sản đấu sinh tử không? Có phải Tyler Durden chính là hiện thân cho một khía cạnh tính cách ẩn giấu trong mỗi gã đàn ông trung niên đang trải qua bức bối, khủng hoảng?

Thực tế, "Fight Club" không cổ vũ cho cách tư duy và hành động như kiểu của Tyler Durden, thậm chí bộ phim còn là lời cảnh báo cho lối sống ấy. Khi con người để cho bản thân sống quá bản năng lại cộng thêm sự đè nén, bức bối, khốn khổ đến từ áp lực cuộc sống, họ sẽ dễ trở nên... điên rồ.

Nhìn chung, người xem yêu thích "Fight Club" chủ yếu vẫn là bởi họ được thấy hai tài tử Brad Pitt và Edward Norton "tẩn" nhau trên sàn đấu, những triết lý lắng đọng trong phim cũng thú vị nhưng thường ít được để ý đến hơn.

Tham gia phim này, cả Norton và Pitt đều phải trải qua những thử thách thể chất thực sự, Pitt đã phải đi sửa răng sau vai diễn này.

"Fight Club" có thể xem như một dạng phim "tào lao" nhưng hấp dẫn và có sức sống lâu bền, bởi phim có sự góp mặt của những tài năng điện ảnh thực thụ.

Bộ phim được đạo diễn bởi David Fincher, biên kịch bởi Jim Uhls, kịch bản chuyển thể dựa trên tiểu thuyết của Chuck Palahniuk. "Fight Club" kể về hành trình thử thách sức chịu đựng của những gã đàn ông trong xã hội hiện đại, khi sự thăng bằng trong cuộc sống của họ trở nên chao đảo, họ phải tìm cách chiến đấu để sinh tồn.

Fight Club: Hành trình đi tìm sự giải thoát khỏi những bức bối nghẹt thở - 5

Bộ phim có những khuôn hình đẹp theo phong cách trần trụi, dữ dằn, u tối như chính bản thân các nhân vật. Ngôn ngữ trong phim đầy tính châm biếm. Dù đạo diễn và biên kịch lồng ghép nhiều thông điệp, nhưng kỳ thực người xem sẽ nhớ nhất những cú ra đòn cùng vẻ ngoài rất ngầu của Pitt và Norton.

"Fight Club" là chuyến hành trình kịch tính đầy kỳ thú mà ở đó mọi triết lý đều xếp sau những pha dữ dội xảy đến trên màn ảnh. Đó là một dạng phim mà có người xem xong cảm thấy điên rồ, vô nghĩa lý; nhưng cũng nhiều người cảm thấy tâm đắc và muốn xem lại lần nữa.