Festival nghề truyền thống Huế 2017 nơi Tinh hoa nghề Việt hội tụ

Festival nghề truyền thống Huế lần thứ VII với chủ đề “Tinh Hoa Nghề Việt” sẽ diễn ra từ ngày 28/4 đến 2/5 . Đây là sự kiện văn hóa, du lịch và kinh tế lớn, có ý nghĩa quan trọng nhằm khẳng định và nâng cao vị thế của Huế “Cố đô xanh – di sản – Thành phố an toàn và thân thiện”

Kỳ Festival này sẽ là nơi tôn vinh những giá trị tinh hoa của di sản, nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất kinh doanh các ngành nghề truyền thống, đồng thời tăng cường mối quan hệ liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là thúc đẩy tăng trường tiêu thụ trong nước và quốc tế.

Nhiều nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân bàn tay vàng từ các làng nghề ở Huế và các làng nghề tiêu biểu trên cả nước cùng những sản phẩm độc đáo sẽ về tham dự. Du khách, người dân Huế sẽ được thưởng ngoạn và cùng trải nghiệm nhiều hoạt động nghề sống động, tinh hoa của bao thế hệ nghệ nhân trong một không gian trữ tình, lãng mạn bên bờ sông Hương và cầu Trường Tiền.

Kỳ Festival nghề truyền thống Huế 2017 sẽ diễn ra từ 28/4 đến 2/5 với nhiều hoạt động văn hóa cực kỳ đặc sắc
Kỳ Festival nghề truyền thống Huế 2017 sẽ diễn ra từ 28/4 đến 2/5 với nhiều hoạt động văn hóa cực kỳ đặc sắc

Không gian tôn vinh nghệ nhân và các làng nghề

Không gian Festival làng nghề Huế 2017 được tổ chức trong một khung cảnh đặc trưng với 30 ngôi nhà rường – kiệt tác của nghề chạm khắc gỗ Huế bên cạnh bờ sông Hương kéo dài trên suốt tuyến đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu. Được khai mạc từ 14h30’ ngày 28/4 ở công viên Tứ Tượng, đường Lê Lợi, TP Huế, tại đây sẽ là nơi trưng bày, giới thiệu nhiều sản phẩm nghề độc đáo của những nghệ nhân đến từ nhiều làng nghề truyền thống Huế và cả nước. Trên 320 nghệ nhân, hầu hết là nghệ nhân được phong tặng Nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân cấp tỉnh và những người thợ tài hoa bàn tay vàng của 40 cơ sở nghề sẽ ra mắt công chúng. Có thể kể đến những nhóm nghề như:

Thổ cẩm (Dệt Zèng của dân tộc Tà Ôi, A Lưới, Thừa Thiên Huế, di sản phi vật thể quốc gia; Thổ cẩm dân tộc H’Re làng Teng, Ba Tơ, Quảng Ngãi; Thổ cẩm Chăm từ Mỹ Nghiệp, Ninh Thuận; Dệt Lanh từ Sáp Ong dân tộc H’Mông Lùng Tám, Hà Giang) - Lụa (Làng Lụa Hội An, Quảng Nam; Lụa Vạn Phúc, cơ sở nghệ nhân Triệu Văn Mão, Hà Đong, Hà Nội; Đũi, Tơ tằm Nam Cao, cơ sở Hạnh Silk, Kiến Xương, Thái Bình; Dệt sợi bông và tơ tằm, dân tộc Thái Bản Lát 2, Mai Châu, Hòa Bình) – Thêu (Thêu Đức Thành, Huế với các tác phẩm thêu của nghệ nhân nhân dân Lê Văn Kinh và gia đình; Thêu Thuận Lộc, Huế; May Thêu Đoan Trang, Huế; Làng thêu Văn Lâm, Ninh Bình) - Gốm (Làng Gốm Phước Tích, Phong Hòa, Phong Điền, Thừa Thiên Huế; Gốm Chăm, Bàu Trúc, cơ sở nghệ nhân Đàng Xem, Ninh Thuận; Gốm Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội; Gốm Mỹ Thiện, Châu Ổ, Bình Sơn, Quảng Ngãi; Gạch Gốm và Đan thảm Lục Bình, Vĩnh Long; Đất nung gốm thô không men, cơ sở Lê Đức Hạ, Điện Bàn, Quảng Nam). Lần đầu tiên những tác phẩm gốm sẽ được các nhà thiết kế và nghệ nhân sáng tạo sẽ được trưng bày tại không gian Gốm Phước Tích và Gốm Mỹ Thiện.

Không gian đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu dọc sông Hương
Không gian đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu dọc sông Hương

Về làng nghề Mộc, Điêu khắc có Làng Điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên, Phong Điền, Thừa Thiên Huế; Mộc Mỹ nghệ Ngự Bình, Huế; Mộc đinh Ngọc Hồi, Phú Vang, Thừa Thiên Huế; Mỹ nghệ Đại Nghĩa, Huế; Mộc mỹ nghệ Thái Vinh, Huế; Mộc lũa, Nghệ nhân ưu tú Lê Viết Toàn, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế’; Mộc Đông Giao, Hải Dương; Mộc Đông Khương, Quảng Nam; Mộc Kim Bồng, Hội An.

Mây tre có Mây tre Bao La, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế; Mây tre Thủy Lập, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế; Tre Việt Huế. Về nghề Kim hoàn có Làng nghề Đậu Bạc Định Công, Hà Nội với tác phẩm nghề đậu bạc nghệ nhân nhân dân Quách Văn Hiểu; Làng nghề Kim hoàn Kế Môn, Thừa Thiên Huế với tác phẩm mỹ nghệ kim hoàn của nghệ nhân ưu tú Trần Duy Mong. Về nghề Nón lá có Nón lá Mỹ Lam, Nón lá Thủy Thanh, Nón lá Huế. Về Tranh dân gian có Tranh Làng Sinh, Phú Vang, Thừa Thiên Huế; Tranh gương Huế; Làng tranh Đông Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh

Về Đèn lồng có Đèn lồng cố đô; Đèn xếp giấy Huế; Lọng đèn Hoàng Ngọc Tuyên, Huế. Nhiều ngành nghề khác như Pháp Lam Huế; Nhang trầm Kỳ Nam Anh, Huế; Đầu lân Thái Nghi Đường, Huế; Làng nghề đệm bàng Phò Trạch, Phong Điền; Làng hoa giấy Thanh Tiên; Diều Huế; Làng nghề Đúc Đồng Huế; Nhang Đức Thành; Mõ Lê Thanh Liêm, Huế; Mỹ nghệ Thiên Lộc, Hà Nội; Hoa Đất sét Đà Lạt.

Festival nghề truyền thống Huế 2017 nơi Tinh hoa nghề Việt hội tụ - 3
Nhiều làng nghề trứ danh trên cả nước sẽ về tham dự Festival
Nhiều làng nghề trứ danh trên cả nước sẽ về tham dự Festival

Không gian trưng bày của các thành phố quốc tế

Đặc biệt từ năm 2013 đến nay, Festival Nghề truyền thống Huế còn là nơi gặp gỡ các làng nghề và sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của các thành phố quốc tế. Năm nay tại Bảo tàng Văn hóa Huế, số 25 đường Lê Lợi, TP Huế sẽ khai mạc Không gian trưng bày các thành phố quốc tế vào 15h30’ ngày 28/4 với những nước bạn tham dự là Nhật Bản với 34 nghệ nhân và người thợ đến từ thành phố Takayama, Saijo, Shizuoka gồm công ty thêu Shuei; Đồ thủ công tre Suruga; Sơn mài Suruga; Đồ thủ công gỗ Shizuoka; Hai loại trang phục truyền thống, trang phục Yukata, Kimono; Tranh ảnh giới thiệu văn hóa và nghề làm giấy truyền thống, đồ gốm sứ, đèn lồng, búp bê, kẹo, trà, rượu. Khách tham quan sẽ được giới thiệu “Lễ hội Saijo”, “Nghề thủ công truyền thống thành phố Saijo”. Cùng với các trưng bày, khách tham quan sẽ được trải nghiệm văn hóa Nhật Bản như mặc trang phục lễ hội, nhuộm giấy Nhật và thưởng thức các sản phẩm Nhật Bản.

Festival nghề truyền thống Huế 2017 nơi Tinh hoa nghề Việt hội tụ - 5
Không gian trưng bày của các thành phố trên thế giới tại Bảo tàng Văn hóa Huế
Không gian trưng bày của các thành phố trên thế giới tại Bảo tàng Văn hóa Huế

Hàn Quốc với quận Dongnae, thành phố Busan sẽ đem đến Sản phẩm mặt nạ Dongnae Yaryu; Mặt nạ Hahoe, di sản phi vật thể quốc gia; Diều truyền thống Nongnae, di sẳn phi vật thể quốc gia; Sản phẩm thủ công Gyubang; Nút thắt truyền thống Hàn Quốc; Vòng cổ, phụ kiện khảm xà cừ sơn mài truyền thống, búp bê truyền thống…

Về Trung Quốc, đại diện Thành phố Nghi Hưng, tỉnh Giang Tô với Công ty TNHH Lục Thuận Đại Tử Sa sẽ đem đến Ấm trà Tử Sa, gốm sứ đặc sắc giới thiệu với khách tham quan.

Cũng tại không gian Bảo tàng Văn hóa Huế, các tác phẩm thêu của nghệ nhân nhân dân Lê Văn Kinh và gia đình - xưởng thêu Đức Thành Huế, tác phẩm nghề đậu bạc nghệ nhân nhân dân Quách Văn Hiểu - làng nghề đậu bạc Định Công, Mỹ nghệ sừng Thụy Ứng Hà Tây, tác phẩm mỹ nghệ kim hoàn của nghệ nhân ưu tú Trần Duy Mong, làng nghề kim hoàn Kế Môn, Thừa Thiên Huế sẽ được giới thiệu.

Khai mạc Festival với chương trình nghệ thuật “Tinh hoa nghề Việt”

Chương trình ca múa nhạc đặc biệt chào mừng khai mạc Festival Nghề truyền thống Huế 2017 sẽ diễn ra vào 20h30’ ngày 28/4 tại Quảng trường trước trường Quốc Học. Chương trình sẽ kết hợp nhiều hình thức nghệ thuật với ngôn ngữ hiện đại trên nền bản sắc dân tộc, giới thiệu đất nước quê hương, giới thiệu Huế, các ngành nghề đặc trưng, tinh hoa của thủ công mỹ nghệ truyền thống. Sẽ có sự tham gia của các nghệ sĩ, diễn viên, các nhà thiết kế Malaysia, Philippines, Indonesia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam, các người mẫu đến từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Huế và các nghệ nhân các làng nghề.

Lễ khai mạc Festival nghề truyền thống Huế 2017 sẽ diễn ra ấn tượng tại Quảng trường trước trường Quốc Học và tối 28/4
Lễ khai mạc Festival nghề truyền thống Huế 2017 sẽ diễn ra ấn tượng tại Quảng trường trước trường Quốc Học và tối 28/4

Biểu diễn trang phục “Hội tụ bản sắc châu Á”

Vào 20h ngày 29/4 tại Quảng trường trước trường Quốc Học sẽ diễn ra chương trình biểu diễn trang phục Dệt may trên chất liệu truyền thống các nước ASEAN với sự có mặt của các nhà tạo mẫu gồm: Ao Edwin Perez (Philippines), Sakchira Wiengkao (Thái Lan), Emilio (Indonesia), Mohom Loikhamleng (Myanmar), Eric Choong (Malaysia), Xuân Hảo, Quang Huy, Duy Nguyễn, Vũ Việt Hà, Chula, Vũ Trần Đức Hải, Hà Duy, Hiền Đặng, Viết Bảo, Khánh Shyna, Hữu LaLa, Minh Hạnh (Việt Nam) và Tây Ban Nha. Những bộ sưu tập đặc sắc và tiêu biểu được thiết kế trên chất liệu vải truyền thống của mỗi nước. Đặc biệt các nhà thiết kế Việt Nam phần lớn sử dụng chất liệu Zèng của dân tộc Tà Ôi, Thổ cẩm của dân tộc H’Rê, dân tộc H’Mông, Lụa tơ tằm, Đũi.

Lễ hội áo dài “Hội họa Huế và Áo dài” trên cầu Trường Tiền

Vào 20h ngày 30/4 tại cầu Trường Tiền đường Lê Lợi sẽ diễn ra Lễ hội áo dài với chủ đề “Hội họa Huế và Áo dài”. Hội họa Huế đã trải qua thời gian dài và có rất nhiều tên tuổi không chỉ làm rạng danh cho mảnh đất Huế mà con góp thành tựu lớn cho mỹ thuật đất nước. Chủ đề Hội họa trong tà áo dài thực sự là cuộc gặp gỡ đầy ý nghĩa của áo dài và hội họa Huế. Những tác phẩm hội họa của các cố họa sỹ Tôn Thất Đào, Đinh Cường, Bửu Chỉ, Võ Xuân Huy và các họa sĩ Trương Bé, Đặng Mậu Tựu, Công Huyền Tôn Nữ Tuyết Mai, Phan Thanh Bình, Nguyễn Thiện Đức, Lê Văn Nhường, Lê Phạm Đức Hải, Hải Brother, Lê Ngọc Thanh, Đặng Mậu Triết, Lê Phan Quốc, Nguyễn Đình Dạng, Phạm Trinh, Nguyễn Văn Tuyên, Nguyễn Đăng Sơn và các nhà thiết kế Quang Huy, Chu La, Vũ Việt Hà, Hiền Đặng, Ngọc Hân, Thanh Thúy, Duy Nguyễn, Vũ Trần Đức Hải, Nhi Hoàng, Đỗ Trịnh Hoài Nam ở Hà Nội; Quang Tân, Xuân Hảo, Viết Bảo, Khánh Shyna ở Huế; Hữu LaLa, Minh Hạnh ở TP Hồ Chí Minh.

Chính sự kết hợp của áo dài và những tác phẩm hội họa không chỉ mang lại giá trị vật chất cho cuộc sống mà còn mang giá trị tinh thần vô giá, biểu đạt được giá trị thẩm mỹ của một trang phục bao đời đã thấm sâu vào tâm hồn người phụ nữ Việt Nam. Một lần nữa, chiếc áo dài lại được tung bay trên cầu Trường Tiền, đây là sự kết hợp hoàn mỹ giữa “tinh hoa hội họa Huế”, cầu Trường Tiền huyền thoại” và “chiếc áo dài - niềm tự hào của người Việt”.

Lễ hội áo dài đặc sắc với chủ đề Hội họa Huế và Áo dài sẽ biểu diễn trên cầu Trường Tiền thơ mộng vào tối 30/4
Lễ hội áo dài đặc sắc với chủ đề "Hội họa Huế và Áo dài" sẽ biểu diễn trên cầu Trường Tiền thơ mộng vào tối 30/4
Cầu Trường Tiền là nhân chứng lịch sử tại Huế - nơi đã diễn ra nhiều sự kiện văn hóa rất đặc sắc của cố đô
Cầu Trường Tiền là "nhân chứng" lịch sử tại Huế - nơi đã diễn ra nhiều sự kiện văn hóa rất đặc sắc của cố đô

Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế Huế lần thứ II - 2017 được diễn ra từ 28/4 đến 1/5 tại sân Kỳ Đài - Đại Nội, Huế nhằm giới thiệu về khinh khí cầu, một trong những loại hình thể thao trên không đặc sắc đã xuất hiện trên thế giới hơn 200 năm. Ngày hội này có sự góp mặt của đội ngũ phi công đến từ các quốc gia: Mỹ, Hà Lan, Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Philippine, Việt Nam. Tại đây, du khách sẽ được xem biểu diễn khinh khí cầu bay tự do với độ cao từ 300m - 500m, bán kính 5 - 10km; khinh khí cầu mini neo đậu tại chỗ và bay lên ở độ cao 30 - 50m và ánh sáng khinh khí cầu.

Chương trình Nghệ thuật “Hát mừng Tổ quốc thống nhất” diễn ra tại Quảng trường trước trường Quốc Học vào 19h30 ngày 30/4 nhằm chào mừng 42 năm thống nhất Tổ quốc (30/4/1975 - 30/4/2017) do Nhà hát nghệ thuật Ca kịch Huế biểu diễn.

Nhiều hoạt động văn hóa phong phú đa dạng

Trong khuôn khổ Festival Nghề Huế 2017 sẽ có nhiều hoạt động văn hóa như Trưng bày bộ sưu tập “Gấm vóc vàng son thời Nguyễn” của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn và nhà sưu tập Hoàng Văn Kim gồm Tranh, Trướng thêu bằng chỉ màu trên gấm vóc và các vật phẩm bằng gỗ chạm sơn son thếp vàng thời Nguyễn; Liên hoan Diều nghệ thuật “Những cánh bay Việt Nam” diễn ra từ 13h30 đến 17h các ngày 28/4 đến 1/5 tại Công viên Lý Tự Trọng, Công viên Phu Văn Lâu và bãi bồi Công viên Thương Bạc; Không gian Ẩm thực Huế do Khách sạn Duy Tân và Khách sạn Morin tổ chức tại Công viên 3 tháng 2 từ 28/4 đến 2/5; Liên hoan “Sắc màu tuổi thơ” khai mạc từ 7h30 ngày 27/4 đến 29/4 tại Nhà Thiếu Nhi, số 8 đường Lê Lợi; Triển lãm “Nghiên bút một thời” Từ 26/4 đến 5/7 tại Bảo tàng đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, số 114 đường Mai Thúc Loan; Trưng bày và trải nghiệm sáng tạo Tranh Dân gian Việt Nam từ 16g ngày 27/4 đến 1/5 tại Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng, số 15 đường Lê Lợi; Âm nhạc đường phố từ 18h đến 20h từ 28/4 đến 2/5 tại Nhà Kèn Công viên 3 tháng 2 và phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu; Chương trình “Mở cửa Đại Nội về đêm” từ 19h đến 22h từ ngày 22/4 tại Đại Nội Huế; Không gian Trà và nghề thủ công truyền thống tại Trung tâm văn hóa Lục Bộ số 79 đường Nguyễn Chí Diểu…

Các đơn vị tài trợ, đồng tài trợ cho Festival nghề truyền thống Huế 2017
Các đơn vị tài trợ, đồng tài trợ cho Festival nghề truyền thống Huế 2017

Chương trình bế mạc “Lễ tế tổ bách nghệ”

Lễ rước tôn vinh nghề và Bế mạc Festival Nghề truyền thống 2017 sẽ diễn ra tại Công viên Tứ Tượng, trên đường Lê Lợi, cầu Trường Tiền, Trần Hưng Đạo, Cầu Phú Xuân và sân khấu quảng trường trước trường Quốc Học từ 16h đến 20h30' ngày 1/5.

Lễ tế tổ bách nghệ ở Festival nghề truyền thống Huế
Lễ tế tổ bách nghệ ở Festival nghề truyền thống Huế
Lễ rước tôn vinh nghề trên đường phố Huế
Lễ rước tôn vinh nghề trên đường phố Huế
Lễ bế mạc Festival nghề truyền thống Huế sẽ diễn ra vào tối 1/5
Lễ bế mạc Festival nghề truyền thống Huế sẽ diễn ra vào tối 1/5

PV