Nhân kỷ niệm 107 năm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3
“Em vẫn là em đến bạc đầu”
(Dân trí) - Ở độ tuổi hoa niên thơ viết cho người yêu thường khó mà dễ. Vào độ tuổi “tri thiên mệnh” thơ viết cho vợ hoặc chồng dễ mà khó.
Cái dễ, cái khó thường nẩy sinh từ tâm lý tuổi tác. Khi người ta biết nóng lạnh cuộc đời, qua gạn đục khơi trong trước biến cô đời sống, tâm linh cá thể thường tiết kiệm ngôn từ bày tỏ, dù đầy ắp muôn vàn kỷ niệm tình nghĩa tao khang.
Bằng ba khổ thơ với 12 câu, cố Nhà thơ Xuân Hoài đã tỏ bày những cảm xúc bình dị của mình trào dâng trước vẫy gọi mới của mùa xuân trong tình cảm thiêng liêng :
Nhà thơ Xuân Hoài
(15/5/1941 - 08/3/2006)
Quê quán: Thị trấn Đức Thọ - Hà Tĩnh
Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam
Nguyên Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội VHNT, Giám đốc Sở văn hóa thông tin Hà Tĩnh
* Tác phẩm chính đã xuất bản:
- Đừng là mưa bóng mây (Tập thơ)
- Tiếng chim vườn (Tập thơ)
- Gửi người xa xứ (Tập thơ)
- Khói lam chiều (Tập thơ)
- Sen lên (Thơ thiếu nhi)
- Dưới trời mây trắng(Tập thơ)
- Thơ Xuân Hoài (Thơ tuyển)
- Những cây dù đỏ (Thơ thiếu nhi)
- Người trong cõi nhớ
VỚI EM
Với em nên ví như gì nhỉ
Như Tiên - Anh đã thấy Tiên đâu
Như hoa - ôi thế thì hơi phí
Hoa nở hoa tàn chẳng mấy lâu
Cho anh được ví em như rượu
Càng uống càng say biết đến đâu
Chỉ xin chén nhỏ phòng khi thiếu
Rượu hết chai còn lại khổ đau
Tốt hơn em chẳng như gì cả
Em vẫn là em đến bạc đầu
Cho thơ anh viết tình không giả
Em - nguồn sáng tạo của ngàn câu.
Xuân, 1994
Xuân Hoài
Lời bình :
Vào bài, tác giả tự đặt cho mình các trạng huống khác nhau bằng những ví von so sánh: “Với em nên ví như gì nhỉ/ Như Tiên - Anh đã thấy Tiên đâu...”. Ví vợ như Tiên, dù đó chỉ là một sự ngộ nhận đi chăng nữa nhưng lại thật có lý. Khi người ta yêu nhau thì người mình yêu là đẹp hơn tất cả. Chả thế, một nhà thơ đã viết: “Em là tiên giáng thế của đời anh” hoặc danh ngôn có câu: “Người phụ nữ yêu ta thì vẫn chỉ là một người phụ nữ. Nhưng người phụ nữ ta yêu thì đó là một thiên thần. Mọi khuyết điểm của họ đều biến mất qua lăng kính mà ta nhìn nàng”. Với nhà thơ Xuân Hoài, Tiên chỉ là hình ảnh tượng trưng cho người đẹp chỉ có trong truyện cổ tích thần thoại. Hoặc giả có Tiên thật đi nữa, e rằng Tiên rồi cũng sẽ bay về cõi Tiên để lại một mình anh nơi trống vắng bơ vơ. Còn ví vợ “như hoa” quả đúng là “hơi phí” bởi “hoa nở hoa tàn chẳng mấy lâu” .
Trong văn học nói chung và thơ ca nói riêng , người con gái thường được ví như hoa khá nhiều trong các câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao và thơ. Ta thường nói: khuôn mặt cô ấy, em ấy “đẹp như hoa”, “tươi như hoa”. Thậm chí khi họ không may bị người yêu phụ bạc, ruồng bỏ vẫn có người con trai khác nâng niu chăm sóc: “Ra đường gặp cánh hoa rơi/ Hai tay nâng lấy cũ người mới ta” (ca dao). Nhưng cho dù hoa đẹp, hoa tươi nhưng cái sự hoa nở lại tàn - nhanh hay chậm là điều tất yếu của muôn loài cây. Đóa phù dung còn chịu kiếp sớm nở chiều tàn nữa là! Bởi thế, tác giả mong sao tình yêu của mình phải là vĩnh cửu như một triết lý danh ngôn: “Hoa đời chỉ nở một lần rồi tàn, nhưng hoa tình người nở mãi”.
Khổ thơ tiếp đưa người đọc đến một trạng huống thú vị bởi cách giải quyết vấn đề khá trân trọng: “Cho anh được ví em như rượu/ Càng uống càng say biết đến đâu...” Trên thi đàn xưa nay bao người đã ví men tình như mẹn rượu. Thậm chí thi sỹ Nguyễn Bính còn đem hoà lẫn hình ảnh người yêu vào rượu uống cho đã đời thương nhớ: “... Chiều nay thương nhớ nhất chiều nay/ Thoáng bóng em trong cốc rượu đầy/ Tôi uống cả em và uống cả/ Một trời quan tái mấy cho say” (Một trời quan tái).
Nhà thơ Xuân Hoài cũng ví vợ như rượu nhưng lại có cách lý giải khá tế nhị, thanh cao, đó là: “Chỉ xin chén nhỏ phòng khi thiếu...” Câu thơ cảnh tỉnh cho những đôi lứa biết quý trọng gìn giữ sự thiêng liêng trong trắng tâm hồn đôi lứa. Xin đừng hoang phí, tận hưởng, đùa bỡn với tình yêu, biến nó thành một trò chơi để người ta luôn luôn chơi gian (ý của Ban Zắc).
Tưởng sự so sánh trên đã là thú vị và ổn thỏa lắm rồi, nhưng tác giả còn phân vân: Vị ngọt tình yêu dù được giành dụm để nhấm nháp thì rốt cuộc cũng phải trả giá cho lúc “Rượu hết chai còn lại khổ đau”.
Sau những so sách nẩy sinh mâu thuẫn, cuối cùng đã được nhà thơ giải quyết một cách thỏa đáng trong bốn câu thơ cuối: “Tốt hơn em chẳng như gì cả/ Em vẫn là em đến bạc đầu/ Cho thơ anh viết tình không giả/ Em - nguồn sáng tạo của ngàn câu”.
Một cái kết có tính khẳng định như vậy thấm đẫm nhân tình của bao đôi lứa nói chung và của những cặp vợ chồng khi tuổi tác đã xế bóng mãn chiều nói riêng. Họ đang cầm tay nhau êm ái đi suốt cuộc đời. Tâm hồn họ nguyên vẹn trẻ trung mãi những kỷ niệm tươi đẹp buổi ban đầu.
Duy Thảo