“Đường đi nước bước” của nhóm nhạc nam đình đám nhất thế giới hiện nay
(Dân trí) - Sự thành công của BTS đang giúp công chúng phương Tây hiểu về “độ cool” của người trẻ Châu Á, giúp văn hóa Á Đông được yêu thích ngay trên đất Mỹ.
Tháng 2/1964, nhóm nhạc nam đến từ Anh - The Beatles lần đầu tiên xuất hiện trên sóng truyền hình Mỹ, bắt đầu tạo nên cơn sốt trong công chúng Mỹ. Buổi biểu diễn của nhóm tại nhà hát Ed Sullivan Theater từng chứng kiến những tiếng la hét vì... phát cuồng của fan hâm mộ.
Tháng 5/2019, 55 năm sau, có một ban nhạc nam ngoại quốc khác cùng biểu diễn tại nhà hát Ed Sullivan Theater. Mọi việc diễn ra giống hệt trước đây một cách đầy chủ ý.
Những chàng trai trong nhóm BTS đến từ Hàn Quốc cũng lựa chọn cùng một phong cách thời trang, kiểu tóc tương tự, cách bài trí sân khấu cũng giống như The Beatles khi xưa và thậm chí phần ghi hình biểu diễn cũng được thực hiện với tông màu đen trắng. 7 chàng trai trong nhóm BTS đã làm nên nhóm nhạc nam đình đám nhất thế giới hiện nay.
Hồi tháng 4/2019, BTS đã trở thành nhóm nhạc thứ 3 trong lịch sử âm nhạc quốc tế 50 năm qua có 3 album đứng đầu bảng xếp hạng Billboard 200 của Mỹ trong chưa đầy 12 tháng, trước đó mới chỉ có The Beatles và The Monkees làm được điều này. Những thành tích này cho thấy cơn sốt mà BTS tạo ra đối với khán giả tại Mỹ.
Giống như The Beatles, BTS đến từ một lục địa khác nhưng lại có một lượng fan khổng lồ ở Mỹ. Cách mà những ngôi sao đến từ Hàn Quốc đã làm để chinh phục thị trường Mỹ có lẽ còn ấn tượng hơn, với những thành tích đáng nể hơn.
Đa số các bài hát của BTS đều bằng tiếng Hàn Quốc, nhóm chỉ có một thành viên sử dụng thành thạo tiếng Anh, nhưng họ đã khiến khán giả Mỹ phát cuồng trước phong cách biểu diễn và gu thẩm mỹ đậm chất Á.
6 năm trước, khi BTS cho ra mắt MV đầu tay “No More Dream” hồi tháng 6/2013, không có gì chứng tỏ rằng họ sẽ trở thành nhóm nhạc thành công lớn trong nền công nghiệp âm nhạc Mỹ.
Nhóm gồm các thành viên Kim Tae-hyung (nghệ danh V), Jung Ho-seok (J-Hope), Kim Nam-joon (RM), Kim Seok-jin (Jin), Park Ji-min, Jeon Jung-kook, Min Yoon-gi (Suga).
BTS theo đuổi phong cách “bad boys” nổi loạn với những dây xích vàng, khăn bandanna và kẻ mắt đậm. Âm nhạc của nhóm có giai điệu nhanh, mạnh, bùng nổ, đậm chất rap, ca từ thể hiện những tâm sự đa dạng của người trẻ.
Thoạt tiên, khi BTS mới ra mắt, người Hàn Quốc chưa ấn tượng ngay. Đĩa đơn đầu tay của họ đứng ở vị trí 84 trên bảng xếp hạng Gaon của Hàn Quốc.
Ở thời điểm ấy, những nhóm nhạc nam như EXO, Big Bang, SHINee đang thống trị các bảng xếp hạng âm nhạc K-pop. Trong khi những nhóm nhạc này đôi khi đưa khía cạnh hip-hop vào trong các sản phẩm âm nhạc của mình, họ chủ yếu vẫn theo đuổi hình ảnh khá lãng tử, chủ yếu hát các ca khúc pop với nội dung lãng mạn.
Nhưng BTS, với các thành viên khi ấy ở tuổi từ 15 cho tới 20, đã có sự khác biệt: họ được gây dựng và phát triển bởi một công ty giải trí mới hình thành, không phải những tập đoàn vốn đã có tiếng tăm từ lâu trong nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc.
Lại nói một chút về các tập đoàn này, để cạnh tranh trong nền công nghiệp K-pop có giá trị vào khoảng 4,7 tỷ USD, các tập đoàn này đã xây dựng nên những lò đào tạo chuyên săn lùng - phát hiện - phát triển các tài năng trẻ, để sớm tạo nên những nhóm nhạc có thể sinh lợi cho công ty về sau.
Hàng ngàn người trẻ tới tham gia các buổi thử giọng do các tập đoàn này tổ chức thường niên, lúc này, họ thường mới chỉ 10-14 tuổi, khi được tiếp nhận, những thiếu niên này sẽ luyện tập không ngừng tại các lò đào tạo ca sĩ K-pop, thực hiện một lịch trình tập luyện khổ ải, vất vả dài lâu để rèn luyện khả năng ca hát, vũ đạo và cả chăm chút, chỉnh sửa ngoại hình, phong cách.
Sau cùng, những thực tập sinh ưu tú và may mắn sẽ được lựa chọn gia nhập các nhóm K-pop được “tung ra thị trường”, lúc này, họ được ký những hợp đồng chính thức, các bản hợp đồng này sẽ có những điều khoản quy định chi tiết và nghiêm ngặt về đời sống riêng tư, về mức thù lao ít ỏi ban đầu để bù cho những năm tháng công ty đã chi ra để đào tạo họ.
Các ca sĩ phải thực hiện tốt những quy định của công ty, mỗi thành viên có một vai trò riêng, như trưởng nhóm, vũ công chính, giọng ca chính, “người đẹp của nhóm”... Giống như các nhóm nhạc thần tượng khác trong K-pop, BTS cũng có những điểm tương tự, nhưng đơn vị quản lý của họ - Big Hit Entertainment - có những khác biệt đột phá.
Khởi đầu, Big Hit Entertainment và nhóm BTS gặp nhiều khó khăn. Họ không có nhiều mối quan hệ trong nền công nghiệp giải trí, họ không có vốn lớn, vì vậy, họ đã phải phụ thuộc nhiều vào mạng xã hội để quảng bá hình ảnh.
BTS là nhóm nhạc K-pop đầu tiên lập tài khoản Twitter - mạng xã hội vốn phổ biến trong giới trẻ phương Tây. Nhóm cũng làm vlog trên YouTube và nhiều kênh video trực tuyến phổ biến tại Hàn Quốc để chia sẻ về cuộc sống đời thường của nhóm.
Trong các clip, BTS ghi lại cảnh họ nấu mì ăn liền trong căn bếp nhỏ, cảnh tranh thủ chợp mắt, vội vã dùng bữa, cùng ngồi taxi di chuyển, trêu đùa nhau... Đó là những đăng tải đời thường, những video tựa như nhật ký bằng hình ảnh, cho thấy thực tế cuộc sống của nhóm.
Giáo sư chuyên về Á Đông học tại trường Đại học Toronto (Canada) - bà Michelle Cho nhận xét về BTS: “Trong khi nhiều nhóm nhạc K-pop khác luôn giữ kín đời sống hậu trường của họ và chỉ xuất hiện với những kịch bản dàn dựng sẵn khiến họ trở nên thiếu chân thực; thì BTS lại rất khác bởi toàn bộ ý tưởng của họ là chân thực nhất với fan và khắc họa đầy đủ những trải nghiệm của tuổi trẻ”.
Những video của BTS xây dựng nên những cá tính chân thực cho các thành viên. Họ hiện đã là những ngôi sao lớn, nhưng họ cũng có những khía cạnh đời thường, điều này khiến BTS trở nên gần gũi với fan. Dù vậy, BTS cũng có những điều phải tuân thủ, chẳng hạn họ không bao giờ đề cập tới chuyện tình cảm riêng tư của các thành viên.
BTS vươn ra thị trường nước ngoài từ sớm. Năm 2014, khi vẫn còn chưa nổi danh ở quê nhà, BTS đã bắt đầu những bước đi đầu tiên tại thị trường Mỹ. Nhóm bắt đầu từ những sự kiện nhỏ giúp quảng bá K-pop tại Mỹ, âm nhạc của BTS là sự pha trộn giữa hip-hop, nhạc điện tử và một số thể loại khác đang thịnh hành tại phương Tây.
BTS không phải nhóm K-pop đầu tiên có tham vọng tiến ra thế giới. Big Bang đã từng có những thành công nhất định trước đó, nhưng mối liên hệ chặt chẽ với fan đã giúp BTS có lợi thế vươn xa hơn hẳn. Chính nhóm fan hùng hậu đã trở thành những sứ giả tích cực quảng bá cho BTS, họ thực hiện những đoạn clip có phụ đề tiếng Anh để kết nối BTS với những khán giả không biết tiếng Hàn.
Đa phần các đăng tải Twitter của BTS không phải bằng tiếng Anh, nhưng nhóm vẫn có hơn 20 triệu lượt theo dõi trên Twitter - mạng xã hội vốn phổ biến với giới trẻ phương Tây. Cả nhóm luôn chỉ có một tài khoản chung trên mỗi mạng xã hội, khiến các fan tập trung vào một tài khoản chính thức đó.
Năm 2017, khi BTS bắt đầu được biết tới ở Mỹ, họ đã được mời xuất hiện trong các talkshow ăn khách tại Mỹ như “The Ellen Show” hay show của Jimmy Kimmel.
Nhiều chuyên gia tại Mỹ cho rằng chính mức độ ảnh hưởng của BTS trên mạng xã hội Twitter đã giúp nhóm nhận được sự quan tâm của truyền thông Mỹ và được mời xuất hiện trong các show ăn khách như một hiện tượng mới lạ trong nền công nghiệp giải trí Mỹ.
BTS không chỉ khôn ngoan trong cách dùng mạng xã hội mà còn tiên phong trong âm nhạc. Các ca khúc của nhóm không chỉ xoay quanh chủ đề tình yêu vốn rất thường thấy trong K-pop.
Ca khúc “Spine Breaker” (2014) của nhóm nói về những người trẻ sử dụng tiền của cha mẹ để mua đồ hiệu đắt tiền. “Baepsae” (2015) phản biện định kiến của một số bậc tiền bối cho rằng người trẻ bây giờ thường lười biếng. “Idol” (2018) nói về việc phải biết yêu thương chính mình, không nên quá để tâm người khác nghĩ gì.
Các nhạc phẩm của BTS cũng đề cập tới văn học và triết học. Album mới nhất của họ “Map of the Soul: Persona” có đề cập tới nhà tâm lý học người Thụy Sĩ Carl Jung (1875-1961) hay bản hit “Dionysus” trong album đề cập tới thần rượu trong thần thoại Hy Lạp.
Fan của BTS luôn được thấy những MV cầu kỳ, trau chuốt, với phong cách thời trang mới lạ. Dù là trên sân khấu hay trong đời thường, các thành viên BTS vẫn luôn chú trọng ngoại hình với những chuẩn mực riêng, không tuân theo tiêu chí nam tính của công chúng phương Tây.
Thành công của BTS được xem như dấu hiệu mới của “làn sóng Hàn” trong bức tranh tổng thể của nền công nghiệp giải trí quốc tế. Bên cạnh thành công của BTS, bắt đầu có những tín hiệu mới, tháng 4/2019, nhóm nhạc nữ Blackpink đã trở thành nhóm nhạc nữ K-pop đầu tiên biểu diễn tại lễ hội âm nhạc đình đám Coachella (diễn ra ở bang California, Mỹ).
Tầm ảnh hưởng của BTS đã khiến nhiều fan không biết tiếng Hàn quyết tâm theo học tiếng Hàn để hiểu ngôn ngữ của thần tượng.
Sự thành công của BTS đang giúp công chúng phương Tây hiểu “độ cool” của người trẻ Châu Á và khiến văn hóa Á Đông được yêu thích, thịnh hành ngay trên đất Mỹ - nền công nghiệp giải trí lớn nhất thế giới vốn luôn thắng thế trong việc xuất khẩu văn hóa sang các nước khác.
Bích Ngọc
Theo The Guardian/Billboard