"Dưới ánh hoàng hôn" hiện lên một Phan Quang giữa đời văn, nghiệp báo

PGS, TS Nguyễn Văn Dững

(Dân trí) - Cuốn sách này hiện ra một Phan Quang lừng lững giữa đời văn, nghiệp báo, giữa sự nghiệp văn chương và nhiệm vụ của đất nước mà ông là một nhân chứng, một nhân vật đã có đóng góp ít nhiều.

Phan Quang sinh năm 1928 ở xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Ông sinh ra trong gia đình “trâm anh thế phiệt”, nhưng xách ba lô lên rừng tham gia Cách mạng từ năm 18 tuổi, và tác phẩm truyện ngắn đầu tay của ông cũng được in cùng năm.

Trải qua hơn 70 năm cầm bút, gắn với đời văn, nghiệp báo Cách mạng, ông đã in 47 cuốn sách sáng tác, 15 cuốn biên dịch, bình luận,…Có những cuốn như "Nghìn lẻ một đêm" được tái bản hơn 40 lần, "Nghìn lẻ một ngày" tái bản 17 lần,… do các nhà xuất bản lớn ở Việt Nam ấn hành.

Dưới ánh hoàng hôn hiện lên một Phan Quang giữa đời văn, nghiệp báo - 1

Nhà báo Phan Quang và PGS, TS Nguyễn Văn Dững.

Phan Quang là một cây đại thụ giới báo chí Cách mạng Việt Nam hiện đang viết đều, viết khỏe. Ông là nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn, nhà ngoại giao và là nhà lãnh đạo, quản lý đã có nhiều đóng góp không chỉ cho báo chí, văn học và văn hóa, ngoại giao nước nhà.

Cuộc đời và sự nghiệp của ông không ồn ào trên công luận, nhưng đã có những đóng góp không nhỏ và để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng và bạn bè, đồng nghiệp,…

Cuốn "Dưới ánh hoàng hôn" là ấn phẩm như điểm nhấn cuối do chính tay ông tuyển, được chọn lọc 30 bài trong các bài viết của ông trong ba năm nay. Đó là thông điệp riêng của ông "Dưới ánh hoàng hôn".

Đọc xong "Dưới ánh hoàng hôn", tôi thật sự bị choáng ngợp. Choáng ngợp không chỉ bởi cho đến ngoài tuổi 90 Phan Quang vẫn viết khỏe như ngày nào, mà còn hơn 70 năm cống hiến, ông đã xuất bản 47 cuốn sách do mình sáng tác, biên khảo cùng với 15 cuốn dịch và bình luận,…

Và qua cuốn sách này càng hiện ra một Phan Quang lừng lững giữa đời văn, nghiệp báo, giữa sự nghiệp văn chương và nhiệm vụ của đất nước mà ông là một nhân chứng, một nhân vật đã có đóng góp ít nhiều công sức vào sự nghiệp này, và trong các mối quan hệ hiện hữu đang ngời lên như một tấm gương cho các thế hệ sau chiêm nghiệm, học hỏi.
Một cuốn sách không dày, chỉ tầm 300 trang in, với khoảng 30 bài ông “viết dưới ánh hoàng hôn” đã xuất bản trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng vẫn đầy ắp những sự kiện nổi bật và vấn đề đặc sắc Phan Quang muốn gửi gắm đến công chúng, lại toát lên tầm vóc tư tưởng, văn hóa và nhân cách của không chỉ một cây bút, một cuộc đời, không riêng đối với văn chương hay báo chí, mà tôi nghĩ còn có ý nghĩa thiết thực đối với những ai muốn làm nên nghiệp lớn, nhất là với giới trẻ hôm nay.

Với một Phan Quang nhà văn, bạn đọc đã biết đến ông từ những truyện ngắn đầu tay vào tuổi hai mươi - từ những ngày đầu xách ba lô lên rừng, xuống biển, rồi những bút ký, tản văn trải dài từ Bắc vào Nam cho đến những miền đất lạ ở Trung Đông, Châu Phi và cả những miền quê trù phú chưa được khơi thức ở Đông Âu, Châu Mỹ.

Phan Quang nổi tiếng với những tác phẩm văn học ông dịch đã tái bản nhiều lần, như “Nghìn lẻ một đêm” hơn 40 lần, “Nghìn lẻ một ngày” mới chuyển ngữ sau khi ông nghỉ hưu cũng đã in lại gần 20 lần, hay “Những ngôi sao ban ngày” bút ký đậm chất thơ của nhà thơ Nga Olga Berggoltz, rồi “Một mình giữa đại dương” viết cho bạn đọc trẻ là chính, in nhiều chục ngàn bản.

Tiếp đó là những công trình đồ sộ và công phu như “Sử thi huyền thoại Đông Tây”, “Nghìn lẻ một đêm và Văn minh A Rập” - một vấn đề khá mới mà ở Việt Nam hầu như chưa có nhà khoa học nào đề cập.

Dòng văn học tư liệu - văn học chính luận đã ra đời ở Nga từ rất sớm, với các tác phẩm để đời, phản ánh cuộc sống đời thường đang diễn ra, với “con mắt thần” soi sáng những vấn đề thực tiễn, với những tư liệu ngồn ngộn hơi thở của cuộc sống, tiêu biểu là Lev Nikolayevich Tolstoy nổi tiếng trên thế giới với những kiệt tác như "Chiến tranh và hòa bình", "Anna Karenina"…

Lev Tolstoy từng nói: “Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, không có phương hướng thì không có cuộc sống”.

Các nhà văn, nhà báo một khi đã được lý tưởng như ánh đèn pha soi sáng sẽ nhìn nhận cuộc sống với triết lý xuyên thâu, từ đó phản ánh hiện tại bằng hơi ấm của quá khứ, và hình dáng tương lai sẽ hiện dần trước công chúng.

Có lẽ, Phan Quang, với nghiệp báo, đời văn xuyên qua hai thế kỷ với hơn 70 năm miệt mài vì sự nghiệp, có thể xếp ông vào một đại diện của dòng văn học chính luận - văn học tư liệu.

Với một Phan Quang nhà báo, bạn đọc Việt Nam hơn 70 năm qua không còn lạ “Nhà báo xuất sắc liền hai thế kỷ” (Nguyễn Sĩ Đại), “Cánh chim bằng của báo chí Việt Nam” (Dương Thu)…

Gần một phần tư thế kỷ trước, nhà báo Hoàng Tùng vốn là thủ trưởng của Phan Quang tại báo Nhân Dân đã nhận xét: “Anh là một trong những đồng chí đi nhiều nhất, viết nhiều nhất. Đi bằng xe đạp dưới sự gầm rú của máy bay và tiếng nổ của bom Mỹ. Anh viết nhiều thể loại. Phong cách làm việc của anh rất nghiêm chỉnh, khoa học”.

Phan Quang đã có những cống hiến cho sự phát triển của báo chí nước nhà và phần nào của thế giới qua 30 năm tham gia Ban lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam và một số tổ chức nghề nghiệp quốc tế.

Lần này đọc Phan Quang qua "Dưới ánh hoàng hôn", với chỉ 30 câu chuyện dài ngắn không đều, tôi cũng lại không khỏi bất ngờ vì nó quy tụ những tố chất nói trên và tiếp tục tỏa sáng.

Tôi trộm nghĩ, qua cuốn sách viết về cuối đời Phan Quang không chỉ muốn gửi gắm bầu tâm sự với đời về sự nghiệp của mình mà dường như ông còn muốn chuyển giao cho thế hệ trẻ những tư tưởng sâu lắng, những câu chuyện đời thường mà vẫn ngời sáng phẩm chất nhân văn…, bởi hệ giá trị văn hóa dân tộc chỉ có thể tồn tại và phát triển thông qua quá trình giao lưu và truyền tải từ người này sang người khác, từ cộng đồng này sang cộng đồng kia, từ thế hệ trước sang thế hệ sau.

Có thể coi cuốn "Dưới ánh hoàng hôn" như là chương cuối của quá trình chuyển giao, nhắn nhủ ấy với đời, với nghề khi ông đã chập choạng dưới ánh hoàng hôn.

Ông viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã dẫn dắt, chỉ giáo ông trong nhiều năm khi Người còn tại thế với lòng kính trọng và biết ơn vô hạn.

Viết về báo chí cách mạng đi theo con đường của Bác Hồ, không phải chỉ để ôn lại lịch sử mà Phan Quang đã “tóm” được cái thần rồi trải ra qua bài viết. Bác Hồ đi tìm đường cứu nước từ năm 1911, với một câu hỏi đời thường hết sức rộng lớn: "Tại sao đất nước họ giàu, dân người ta sống đủ?"

Và để tìm câu trả lời, Nguyễn Ái Quốc sang phương Tây, đến tận các nước phát triển như Mỹ, Pháp, Anh…, và thực tế đã giúp Bác tự giải đáp phần nào câu hỏi. Vì đất nước họ có độc lập và dân chủ.

Điều thú vị từ bài viết của Phan Quang về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở đây là, trên cơ sở tư liệu lịch sử từ Đại hội Tours cuối năm 1920 đến Đại hội Quốc tế Cộng sản V mấy năm sau, khi Người đã sang Liên Xô và thuyết phục được các lãnh tụ cộng sản chấp thuận về tư tưởng và con đường cứu nước của mình.

Từ những tư liệu lịch sử, với những nhận xét, bình giải ngắn gọn mà chắc nịch, Phan Quang đã “luận” về tư tưởng tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong một giai đoạn quyết định, xác định con đường cho dân tộc Việt Nam theo hướng đi một cách sáng rõ, có sức thuyết phục cả về trí tuệ và cảm xúc, được minh chứng bằng những dẫn liệu tin cậy và sinh động.

Cũng với phong cách ấy, Phan Quang viết về Hồ Chí Minh người khai sinh, huấn luyện và chỉ hướng cho báo chí Cách mạng Việt Nam, kể từ khi Người xuất bản báo Thanh Niên số 1 ra ngày 21 tháng 6 năm 1925.

Đó là tờ báo có vai trò lịch sử chuẩn bị về tư tưởng, lý luận và tổ chức tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, báo Thanh niên đã đặt đường ray cho con tàu báo chí Cách mạng Việt Nam chạy từ cột số 0 đến tầm cỡ hoành tráng ngày nay; những tư tưởng của Người về báo chí, chúng ta cần nhận thức kỹ càng hơn, thực hành và ôn luyện công phu hơn...

Ông kể về Tố Hữu, nhà thơ Cách mạng đã ghi dấu ấn vào cuộc sống của dân tộc ta qua một dịp hai người cùng làm một chuyến đi về thăm quê hương Thừa Thiên, Quảng Trị sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thông qua những câu chuyện kể lại từ một chuyến đi, Phan Quang còn bộc bạch tình cảm sâu đậm của mình với khúc ruột miền Trung.

Ông viết về Chế Lan Viên, nhà thơ tài năng với tầm tư tưởng và đức độ, nhà báo chính luận, một sứ giả văn hóa đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp của dân của Đảng trên lĩnh vực văn chương, báo chí.

Chế Lan Viên trong lòng Phan Quang còn là người thầy và người anh, người bạn tri kỷ, cho nên những câu chuyện ông kể rất đời, chân thực, chứa chan tình nghĩa.

Viết thế nào để chân dung Chế Lan Viên, một nhân cách lớn, một nhà hoạt động xã hội và nhà văn, nhà thơ vượt trội về tư tưởng, tài năng và phong cách hiện lên như một bức tranh sinh động, với những gam màu đặc sắc là việc không dễ, nhưng qua ngòi bút và cách phác họa của Phan Quang thì lại dễ hiểu, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người.

Có phải do cách ông tự đặt ra câu hỏi Chế Lan Viên, anh là ai? rồi trả lời như những điệp khúc được lặp lại qua các câu hỏi và câu trả lời. Chế Lan Viên, anh là ai? “Là một trong những nhà thơ hàng đầu của Việt Nam từ xưa tới nay”. Chế Lan Viên, anh là ai? “Là một nhà viết văn xuôi với phong cách độc đáo…” Cứ thế, cuối cùng Phan Quang đi đến kết thúc: Chế Lan Viên, anh là ai? “Là  một người Việt Nam rất người, với nội hàm phong phú nhất của từ người”.

Rõ ràng nghệ thuật và cách tái hiện chân dung một nhân vật lớn của thời cuộc như Chế Lan Viên qua ngòi bút Phan Quang đã cho tôi bài học quý khi cần giới thiệu, phác họa chân dung một con người, một nhân cách không chỉ về nghệ thuật khắc họa mà còn nhiều điều quan trọng hơn nữa, làm tôi nhớ lại lý thuyết hệ thống của Ferdinand de Saussure - người đặt nền móng cho lý thuyết ngôn ngữ học đại cương.

Ông cho rằng, trong ngôn ngữ học đại cương, yếu tố và quan hệ tạo nên giá trị. Với Phan Quang, yếu tố, ấy là bản thân mình phải là người thế nào, thì mới thiết lập được quan hệ để tạo nên được giá trị một Phan Quang ngày hôm nay.

Ông kể những câu chuyện gặp gỡ, mạn đàm với những cây đa, cây đề văn học như Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Bùi Hiển, Hà Minh Đức…, mà không quên giới thiệu các tác phẩm mới những đồng nghiệp trẻ hơn mình về tuổi đời như Phạm Quang Nghị, Phạm Quốc Toàn, Hồ Quang Lợi, Trần Phương Trà, Nguyễn Uyển, Vĩnh Trà... với tấm lòng trân quý, thân thương.

Qua "Dưới ánh hoàng hôn", Phan Quang còn viết khá sâu về một số sự kiện văn hóa, ngoại giao, về các đồng nghiệp nước ngoài mà ông có dịp tiếp xúc, giao lưu.

Dưới ánh hoàng hôn hiện lên một Phan Quang giữa đời văn, nghiệp báo - 2

Những câu chuyện kể tưởng giản đơn nhưng lại mang tính biên khảo của một nhà nghiên cứu ham học hỏi, qua đó chúng ta có thể thấy thái độ nghiêm cẩn của một người cầm bút, và những điều ông trải lòng lại có thể dùng làm nguồn dẫn liệu cho những ai quan tâm.

Cuốn sách được viết khi tác giả đã ngoài tuổi 90 càng nặng tình với quê hương Quảng Trị, miền quê nghèo mà anh dũng kiên trung, nơi sản sinh ra cho đất nước lắm nhân tài, cũng là nơi hun đúc cho đứa con nhỏ thuộc dòng họ Phan xã Hải Thượng trưởng thành và có được những phẩm chất của một Phan Quang tài ba, chính trực, một tầm vóc văn hóa.

Tôi may mắn có dịp được đọc nhiều tập sách của ông, hầu như tập nào cũng ít nhiều thấm đậm hồn quê, cũng chan chứa nỗi niềm về miền đất “đến rồi, nhớ mãi”.

Có lẽ vì thế mà chất văn, chất báo, chất triết luận hay phong cách làm việc và lối hành xử nơi ông không đưa đẩy, không gió chiều nào che chiều ấy đậm chất mưu sinh, mà lúc nào cũng chân thực, ngồn ngộn tư liệu, đôi khi còn mơ màng nhịp hò đập bắp hay câu hò mái đẩy đầy tràn âm hưởng văn hóa miền Trung.

Lứa chúng tôi cách Phan Quang một thế hệ, đọc sách ông không thể không suy ngẫm về những gì ông muốn gửi lại và nhắn nhủ mình; và qua những chuyện ông kể, những điều ông viết, chúng tôi chiết xuất được ít nhiều nhựa sống, chất đời cho bản thân mỗi khi có hoài bão trở thành người cầm bút chân chính; rằng muốn nên nghiệp thì cần phải chắt chiu thời gian cho việc học hành, tích cóp kiến thức, vốn sống và rèn luyện cây bút, tu rèn nhân cách, bản lĩnh trong thực tiễn cuộc sống nghề nghiệp, mới có thể góp ích cho đời, …

Thiết nghĩ cuốn "Dưới ánh hoàng hôn" đang trên tay của bạn đọc, tuy không dày về số lượng nhưng nặng ký về trí tuệ và cảm xúc. Qua đó, bạn đọc có thể hiểu thêm về một tầm vóc văn hóa, một nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động đối ngoại là Phan Quang con người đôn hậu, điềm tĩnh, lừng lững giữa đời thường.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm