Đừng đùa cợt với thế giới nghệ thuật của trẻ thơ

(Dân trí)- Khán giả nhí thường dễ tính, dễ cười, dễ sợ hãi, dễ thích thú… Thế nên, nhiều chương trình đang “đội lốt” phục vụ ngày Quốc tế thiếu nhi để tung ra những trò hề dễ dãi. Vở kịch “Câu chuyện thiên nga” là một ví dụ.

Dớ dẩn vì quảng cáo một đằng, kịch một nẻo

Vở kịch dành cho thiếu nhi “Câu chuyện thiên nga” được quảng cáo trên các băng rôn chương trình chào hè cho thiếu nhi như là một trong những nội dung chương trình trọng điểm cho khán giả nhí.
 
Băng rộn quảng cáo cho Câu chuyện thiên nga
Băng rộn quảng cáo cho "Câu chuyện thiên nga"

“Câu chuyện thiên nga” được quảng cáo trên một vài tờ báo là phỏng theo câu chuyện cổ tích "Chú vịt con xấu xí" của nhà văn Andersen (Đan Mạch), kể về quá trình một bé "vịt con xấu xí" trở thành một cô thiên nga xinh đẹp. Tại trang trại, vào một buổi trưa hè, bé thiên nga con chào đời cùng các anh chị vịt của mình và nó nghĩ rằng mình cũng là vịt. Mỗi ngày trôi qua, bé thiên nga lớn dần lên và thắc mắc với chính bản thân: Tại sao mình lại khác với các anh chị và cả với người mẹ của mình nữa? Nó xấu hổ, tủi thân vì ngoại hình khác biệt của mình nên đã bỏ vào rừng và gặp được bầy Thiên nga. Chính lúc này, "vịt con xấu xí" tìm được câu trả lời cho mình. Qua những lời động viên của bầy thiên nga, nó dần tự tin vào bản thân, không còn xấu hổ nữa và đã trở thành một cô Thiên nga xinh đẹp...

Thế nhưng nội dung vở kịch sơ duyệt vào tối 16/5 là kể về một ông vua đi săn, do mải chơi nên bị lạc trong rừng và gặp một mụ phù thủy. Để có thể ra khỏi cánh rừng, nhà vua đồng ý lấy con gái của phù thủy và đưa về vương quốc. Tại đây phù thủy đã chiếm đoạt vương quốc, biến các con vua thành thiên nga. May mắn cô công chúa út thoát nạn và đi tìm các anh chị mình, cô được các anh chị dặn dò hãy thêu những tấm thảm hoa cúc lộng lẫy để cứu các anh chị trở lại thành người… Sau khi trở lại thành người, các hoàng tử và công chúa đã bắt phù thủy, lấy lại vương quốc, đoàn tụ với gia đình. Như vậy, nội dung vở kịch này được phóng tác từ truyện cổ Grimm “Bầy chim thiên nga” chứ không phải “Vịt con xấu xí” như quảng cáo. Không hiểu sự nhầm lẫn này có phải do ekip không đọc hết câu chuyện cổ tích nổi tiếng này hay không!?

Nhảm, nhạt và buồn ngủ

Buổi sơ duyệt vở kịch chào hè dành cho thiếu nhi “Câu chuyện thiên nga” có khá đông trẻ con tham dự. Lý do có trẻ con là để các nghệ sĩ muốn “đo” xem vở kịch có làm các bé thích thú hay không. Vở kịch chỉ hơn 1 tiếng đồng hồ, vài nghệ sĩ nói bông đùa “kịch ngắn thôi để trẻ con đỡ buồn ngủ, dài quá đến lúc ngủ hết thì… chết”. Nhưng thật sự đoạn đường chưa đi được đến một nửa thì vở kịch đã làm khán giả thấy muốn… ngủ.

Để “hiện đại” và gây cười cho khán giả nhí, vở kịch thêm vào khá nhiều chi tiết vui nhộn và những câu nói chọc cười, có thêm những phần giao lưu trực tiếp kiểu tương tác giữa khán giả và diễn viên nhưng vẫn gây… buồn ngủ như thường. Truyện cổ tích “Bầy chim thiên nga” vốn là câu chuyện cảm động theo suốt thời thơ ấu của nhiều bạn nhỏ, bóng dáng những cảm động đó trong vở kịch gần như không còn tồn tại. Trẻ con vốn thích những vở kịch, bộ phim có tiết tấu nhanh, vui nhộn và phải dễ hiểu, thế nhưng vở kịch lại khá dàn trải và kéo dài lề rề ở những đoạn không cần thiết. Ví dụ như đoạn nhà vua đi săn vào rừng là đoạn diễn trò để khán giả nhí được vui nhưng dài quá mức cần thiết và nhiều chuyện nhảm. Chỉ riêng chuyện chỉnh một anh lính bị nói ngọng cũng làm hơi dài dòng, nhảm nhất là chuyện vua trêu anh lính bằng cách giả vờ đánh “bủm” bằng miệng và anh lính có thể chỉ thẳng vào mặt vua để mắng. Nhà vua khá già và anh lính thì trẻ, thử nghĩ xem một người trẻ chỉ thẳng vào mặt người già có nên cho trẻ con xem không?

Khi vua bị ép lấy vợ trẻ là con gái mụ phù thủy, vua đồng ý nhưng than “Không biết đủ sức khỏe” hay không, câu nói hài hước ấy chỉ người lớn hiểu, có em bé phải băn khoăn hỏi mẹ: “Sao lại không đủ sức khỏe hả mẹ?”. Vở kịch cũng cố gắng lấy vui cho các bé bằng những câu nói ngộ nghĩnh, nhưng đôi khi cách đùa lại hơi quá đà. Trong sinh nhật hoàng hậu, hoàng hậu hỏi 6 người con thích ăn gì để thưởng và tạo vui cho các bé bằng các câu nói có vần điệu như “con tặng mẹ con cò”, hoàng hậu trả lời “ta sẽ thành con bò”, công chúa nói “Con muốn ăn mứt”, “con muốn ăn mít”…hoàng hậu bảo: “Ta sẽ cho… bây giờ chưa nói được”. Ai cũng có suy nghĩ câu nói vần phía sau hơi tục một chút. Câu chuyện cứ lảm nhảm quanh quẩn như thế.

Đã thế sân khấu của cái thời đại mà trẻ con sống trong thế giới hoạt hình, kịch của thế giới lung linh hiện đại như vậy mà sân khấu “Câu chuyện thiên nga” lại vô cùng đơn giản với phông màn hoa lá tiết kiệm tối đa, kịch thường nói về rừng sâu nhưng những cái cây duy nhất được dựng lên là ha… khóm dừa. Những bài hát thiếu nhi, điệu nhảy Gangnam style, những câu nói chọc cười hay cái cách tương tác, “dụ” trẻ con của diễn viên để chỉ đường cho nhân vật… cũng không làm “mặn” hơn cho vở kịch.

Thật tiếc là với nguồn nguyên liệu hấp dẫn từ câu chuyện cổ tích nổi tiếng ấy, vở kịch lại “biến hóa” câu chuyện thành “món ăn” thật khó ăn. Trẻ con thời nay đâu dễ bị “dụ” với vài chi tiết nhảm ấy…

 
Lâm Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm