Dựng Điện Kính Thiên, không thể vội?
Sau nhiều đề xuất và ý kiến, lần đầu tiên Hà Nội ra quyết định lập đề án nghiên cứu để tiến tới phục dựng không gian Điện Kính Thiên. Hôm qua, đề án được giới thiệu với báo chí trên tinh thần “Hà Nội không vội được đâu”.
Nền và thềm bậc Điện Kính Thiên thời Lê còn sót lại đến hiện nay. Ảnh: T.Toan.
Bỏ ngỏ
Sau khi có quyết định của UBND thành phố Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội, đơn vị chủ đầu tư được cấp kinh phí nghiên cứu, tạm tính gần 2 tỷ đồng. “Vấn đề phục dựng Điện Kính Thiên trải qua rất nhiều thời gian dài nung nấu, rất nhiều cuộc hội thảo. Đề án này trước mắt đặt viên gạch đầu tiên để có sơ sở pháp lý cho những bước tiếp theo”, ông Trần Việt Anh, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long nói.
Về tầm quan trọng của việc phục dựng, các chuyên gia đều cho rằng, trung tâm Hoàng thành Thăng Long là di sản thế giới vậy mà giờ không có gì ngoài kiến trúc Pháp, còn lại hầu hết nằm dưới lòng đất, kết quả khảo cổ chưa chỉ ra hết. Cho nên việc nghiên cứu không gian Điện Kính Thiên sẽ tạo điểm nhấn quan trọng cho di sản, và làm cơ sở quyết định khôi phục Điện Kính Thiên. Trước đó,
PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Việt Nam chia sẻ: “Bạn bè, gia đình tôi đến Hoàng thành đều có cảm giác chung là không thực sự hài lòng, không chấp nhận di sản thế giới bao nhiêu giá trị toàn cầu lại ở hiện trạng như thế”.
Nhiều nước trên thế giới và trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đã phục dựng được cung điện của họ, phát huy hiệu quả. Chỉ Việt Nam là chưa thể. Có thể nói, kết quả của đề án này nhắm đến đưa ra mô hình 2D, 3D, sau đó là mô hình tỷ lệ 1/20 để lấy ý kiến. “Còn quá sớm để nói có thể xây dựng hay không, trước mắt cứ nghiên cứu đã”, ông Việt Anh nói thêm.
Điện Kính Thiên được sử sách nhắc nhiều. Tư liệu khảo cổ gần đây cũng khẳng định bước đầu phát lộ kiến trúc thời Lê sơ và Lê Trung Hưng, có cả thời Lý, Trần, tuy nhiên chưa thấy rõ bố cục kiến trúc của hai triều đại Lý Trần. Hầu hết chuyên gia, những người thực hiện đề án đều cho rằng phải xác định rõ chất liệu, cấu trúc của điện rồi mới quyết định. “Muốn dựng không gian ảo 3D thì công cụ, phương pháp rất nhiều, rất nhiều người làm được. Tuy nhiên điện như thế nào, dựng cái gì thì không ai biết, cho nên mới phải qua giai đoạn nghiên cứu. Đến lúc ấy chúng tôi sẵn sàng chia sẻ, hợp tác với các đơn vị để dựng 3D. Nếu vẽ 3D mà không biết mình làm cái gì dễ thành của người khác ngay”, đại diện Trung tâm nói.
Phải dám chịu trách nhiệm
Trước đây, những người thực hiện đề án đề xuất khoảng 10 năm mới xong, do yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, dự kiến năm 2016 sẽ có báo cáo với hy vọng có được phương án cụ thể. Thực tế, Nhật Bản làm rất chắc chắn, 50 năm khảo cổ cung điện Nara, 10 năm nghiên cứu và 10 năm phục dựng. Hàn Quốc chỉ mất 20 năm, Trung Quốc ngắn hơn.
Dự định phục dựng không gian Điện Kính Thiên thu hút được sự quan tâm dư luận, cũng như giới khoa học. Đại diện đơn vị tư vấn - Liên danh cty TNHH MTV MQL và đối tác Hội Khảo cổ học Việt Nam - cho biết, đề án này sẽ huy động gần như mọi chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước, làm việc theo từng nhóm từ khảo cứu tư liệu, khai quật khảo cổ học.
Trong đề án nói rằng nghiên cứu điện qua các triều đại, trong đó đặc biệt lưu ý thời Lê Trung Hưng. “Hiện nền điện vẫn còn, các chuyên gia sau khi đi vòng ngoài cảm nhận thời Lê còn nhiều tư liệu nhất. Trên lãnh thổ Việt Nam cũng còn nhiều công trình kiến trúc gỗ của thời Lê, chứ Trần, Lý không còn gì”, ông Việt Anh nói. Dù không khẳng định hình hài sau này của không gian Điện Kính Thiên, các chuyên gia đều dự báo có thể dựng theo kiến trúc thời Lê là khả thi nhất.
Không ít người dự cảm ngày mà dân Việt được chạm vào cung điện phục dựng này còn rất xa. Cứ nhìn sang khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu thì rõ. Hà Nội chọn được ba phương án tốt nhất cho công viên văn hóa lịch sử, hài hòa với không gian xung quanh, nhưng chưa thể chọn một phương án cụ thể. “Ta phải quyết đoán, dám chịu trách nhiệm trước lịch sử. Dựng, ai cũng đồng ý rồi, nhưng dựng thế nào thôi. Quan điểm của tôi là cố gắng tìm những tư liệu đầy đủ một cách tương đối nhất, có phương án tối ưu, chứ bảo giống hệt thì làm gì có”, PGS.TS Đặng Văn Bài nói.
Ông nói thêm, bên cạnh việc đảm bảo tương đối về hình dạng, chất liệu, kiến trúc của Điện Kính Thiên, làm sao phải để không gian ấy hấp dẫn, thu hút, gây cảm xúc, ấn tượng để giáo dục cho người Việt tự hào về di sản thế giới của ông cha. “Chức năng xã hội, văn hóa của Điện Kính Thiên sẽ phục dựng thỏa mãn được nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa đa dạng của nhiều giai tầng, thành điểm đến du lịch hấp dẫn”, PGS.TS Đặng Văn Bài nhấn mạnh.
Đại diện Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội khẳng định, khảo cổ không thể nhanh được. Khu 18 Hoàng Diệu mất 13 năm khảo cổ, chỉnh lý mới được như hiện nay. Thành cổ mới làm được 4 năm, chủ yếu ở thềm điện Kính Thiên, Đoan Môn. Quan trọng nhất, phần phía sau Hậu Lâu và khu vực quân đội quản lý sẽ phải nhanh chóng bàn giao cho Trung tâm, để thực hiện cam kết của Thủ tướng - nhất thể hóa quản lý nhà nước đối với di sản thế giới. |
Theo Nguyên Khánh
Tiền Phong