Đưa phim Việt ra thế giới: “Giấc mơ” đã không còn là “giấc mơ”

Hà Tùng Long

(Dân trí) - Việc một số bộ phim được phát hành ở thị trường Mỹ, Australia và nhiều nước trên thế giới đã mở ra những cơ hội mới cho điện ảnh Việt.

“Giấc mơ” đã không còn là “giấc mơ”

Từ nhiều năm trước, giấc mơ mang phim Việt ra thế giới để quảng bá và giới thiệu về đất nước - con người Việt Nam đồng thời tìm hướng đi mới cho điện ảnh Việt luôn thường trực trong tâm trí nhiều nhà sản xuất phim Việt.

Thỉnh thoảng “giấc mơ” ấy lại được loé lên khi nghe đâu đó thông tin phim Việt được chiếu tại các liên hoan phim quốc tế hoặc được công chiếu ở các cộng đồng người Việt tại nước ngoài. Tuy nhiên, mức độ vẫn chỉ dừng ở công chiếu hoặc giới thiệu còn chiếu thương mại (có bán vé) thì vẫn là một giấc mơ mà đến giờ nhiều nhà sản xuất phim Việt vẫn nỗ lực để biến thành hiện thực.

Đưa phim Việt ra thế giới: “Giấc mơ” đã không còn là “giấc mơ” - 1

Bộ phim "Sky Tour Movie" được chọn chiếu độc quyền trên Netfilix ở 190 quốc gia.

Bởi lẽ đó, mới đây, thông tin bộ phim “Sky Tour Movie” của Sơn Tùng - bộ phim tài liệu âm nhạc đầu tiên của Việt Nam được chọn phát độc quyền trên Netfilix ở 190 quốc gia đã dấy lên nhiều tia hy vọng mới.

Trước đó, bộ phim “Hai Phượng” và “Lật mặt: Nhà có khách” cũng được công chiếu thương mại tại các rạp lớn của Mỹ và Australia. Theo Box Office Mojo, “Hai Phượng” được chiếu tại 28 cụm rạp, lọt top 25 doanh thu phòng vé tại Mỹ sau 2 tuần công chiếu với doanh thu hơn 395.000 USD (9,1 tỷ đồng).

Riêng bộ phim “Lật mặt: Nhà có khách” của Lý Hải thì được phát hành tại Mỹ và Australia. Tại Mỹ, phim được trình chiếu từ ngày 19/4 tại 6 thành phố lớn bao gồm San Francisco, Houston, Garden Grove, Orange, Seattle, Dallas. Đây là những bước đi chạm gần hơn tới “giấc mơ” đưa phim Việt ra thế giới.

Nhà sản xuất Trần Bảo Sơn nhận định, việc phim Việt được công chiếu thương mại ở nước ngoài là một bước ngoặt lớn. Bởi thực tế, để được chọn chiếu ở các cụm rạp của nước ngoài phải đáp ứng nhiều tiêu chí khắt khe.

“Việc các bộ phim của Việt Nam được chiếu thương mại ở nước ngoài hoặc trên kênh chiếu phim trực tuyến lớn như Netflix đã góp phần làm cho vị thế phim Việt lên một tầm cao mới. Các nhà phát hành sẽ có nhiều thay đổi trong nhìn nhận về phim Việt. Và chúng ta có quyền đặt hy vọng vào những cơ hội hợp tác mới”, nhà sản xuất Trần Bảo Sơn bày tỏ.

Để phim Việt “ăn khách” trên thị trường nước ngoài

Đạo diễn Lương Đình Dung cho biết, sau khi tham gia nhiều liên hoan phim quốc tế và sự kiện điện ảnh ở nước ngoài, anh nhận ra rằng, ở bất kỳ sự kiện nào cũng có các hội chợ về trao đổi - hợp tác điện ảnh. Tại đó, có các “agency” (đại lý) sẽ giúp các nhà sản xuất phát hành sản phẩm của mình ở các thị trường nước ngoài.

Đưa phim Việt ra thế giới: “Giấc mơ” đã không còn là “giấc mơ” - 2

Hình ảnh trong bộ phim "Lật mặt: Nhà có khách" của Lý Hải.

“Mỗi quốc gia sẽ có vài agency, mỗi agency sẽ chuyên về những thể loại phim khác nhau. Chẳng hạn, bộ phim “Cha cõng con” của tôi khi được công chiếu tại một số liên hoan phim thì được rất nhiều agency tiếp cận và trao đổi về việc phát hành. Tuy nhiên, để một bộ phim đạt được hiệu quả trong phát hành thì nên trao đổi từ khâu hình thành kịch bản. Tức đơn vị sản xuất khi làm kịch bản sẽ đưa ra một số “option” (sự lựa chọn) để đơn vị phát hành chọn kịch bản có khả năng phát hành rộng nhất.

Ngoài yếu tố trên, một khâu rất quan trọng nữa là bộ phim phải đạt chuẩn điện ảnh. Phim càng đạt được nhiều chuẩn thì cơ hội đến với khán giả nước ngoài sẽ rất cao. Và một đơn vị sản xuất đã có phim phát hành thành công ở nước ngoài rồi thì những phim sau sẽ rất thuận lợi”, đạo diễn Lương Đình Dũng tiết lộ thêm.

Theo đạo diễn “Cha cõng con”, hiện có hai dòng phim Việt có nhiều cơ hội được phát hành rộng rãi là phim hành động như “Hai Phượng” hoặc phim ma hài như “Lật mặt: Nhà có khách”. Khán giả nước ngoài họ cũng rất chú trọng đến những yếu tố mang tính bản sắc văn hoá vùng miền trong mỗi thước phim. Vì lẽ đó, các bộ phim càng đưa được nhiều “yếu tố Việt” sẽ càng dễ tạo thiện cảm.

Nhà sản xuất Minh Hà cũng chia sẻ, để được công chiếu tại Mỹ, “Lật mặt: Nhà có khách” đã phải vượt qua những tuyển chọn rất gắt gao với tiêu chuẩn kỹ thuật riêng của nhà phát hành. Từ việc nội dung đến hình thức thể hiện và công nghệ thực hiện bộ phim.

“Không phải phim cứ đạt chuẩn về âm thanh, hình ảnh, màu sắc là được mà phải đáp ứng tiêu chí rất cao về nội dung và hình thức thể hiện. Ngoài những yếu tố về mặt kỹ thuật thì để một bộ phim Việt có thể chiếu rạp ở Mỹ cần phải có những công thức rất riêng. Ở Hollywood, thể loại phim nào, câu chuyện nào cũng có, bởi vậy muốn phát hành ở đó phải nghiên cứu rất kỹ thị hiếu của người xem”, nhà sản xuất Minh Hà bộc bạch.