Đưa những tác phẩm văn học lớn của Việt Nam lên phim

(Dân trí)- Chia sẻ với phóng viên Dân trí, đạo diễn- NSND Thanh Vân cho biết, “Những tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam những năm 1930-1945 như Bỉ vỏ, Tắt đèn, Số đỏ… Nếu "không làm gì", thật uổng phí. Vì vậy, chúng tôi đang bắt đầu từ Số đỏ của Vũ Trọng Phụng”.

Đạo diễn- NSƯT Nguyễn Hữu Phần hiện là Phó giám đốc hãng phim Hội Điện ảnh VN. Chia sẻ bên lề cuộc hội thảo “Nhân vật lịch sử trong phim truyện Việt Nam”, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần khẳng định, phim lịch sử Việt Nam yếu kém một phần là do kịch bản. Kịch bản phim lịch sử của chúng ta vừa yếu, vừa thiếu.

Giữa bối cảnh khan hiếm kịch bản phim lịch sử, những tác phẩm văn học lớn của lịch sử trở nên quý giá. Đạo diễn- NSƯT Nguyễn Hữu Phần cho biết “Ai đã từng đọc văn học lịch sử giai đoạn 1930-1945 cũng có thể cảm nhận được sự “kỳ lạ” của giai đoạn này. Phải nói, đó là một giai đoạn văn học kỳ lạ! Chỉ trong vòng gần 20 năm, văn học Việt Nam bỗng nhiên nở rộ với hàng loạt cái tên xuất sắc. Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng… Mỗi người một phong cách, mỗi người một cách viết, và cách viết nào cũng tài tình, xuất sắc như nhau. Chỉ sống đến 27 tuổi mà Vũ Trọng Phụng để lại những tác phẩm lớn đến khó hiểu như Số đỏ, như Làm đĩ, như Giông tố… Và, những tư tưởng, những nhân vật của ông vẫn sống động, vẫn đúng cho đến tận bây giờ”.
 
Đạo diễn- NSƯT Nguyễn Hữu Phần
Đạo diễn- NSƯT Nguyễn Hữu Phần

Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, nếu như các nhà làm phim hậu thế “không biết làm gì” với những tác phẩm văn học lớn giai đoạn 1930-1945, đó sẽ là một món nợ lớn.

Đứng trước ý tưởng này, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần và hãng phim Hội Điện ảnh VN đã lên kế hoạch triển khai một dự án phim truyền hình chuyển thể kịch bản từ những tác phẩm văn học nổi tiếng giai đoạn 1930-1945. Sau khi trình bày dự án phim này với lãnh đạo VTV, và lãnh đạo trung tâm sản xuất phim truyền hình VFC, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần và hãng phim Hội Điện ảnh VN đã nhận được sự đồng thuận, hỗ trợ cùng sản xuất từ phía VFC.

Kịch bản đầu tiên được chọn lựa triển khai là 30 tập phim Số đỏ. Kịch bản 30 tập Số đỏ được tổng hợp từ 3 tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Vũ Trọng Phụng là: Số đỏ, Cơm thầy cơm côKỹ nghệ lấy Tây. 30 tập phim được giao cho đạo diễn Phạm Nhuệ Giang triển khai. Đạo diễn- NSND Nguyễn Thanh Vân tham gia chỉ đạo sản xuất.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, đạo diễn- NSND Nguyễn Thanh Vân cho biết “Quả thật, nếu “không làm gì” với những tác phẩm văn học lớn giai đoạn 1930-1945 sẽ thật uổng phí. Hiện, chúng tôi đã tiến hành quay bộ phim Số đỏ. Sau khi Số đỏ phát sóng, nếu có được hiệu ứng tốt từ khán giả, chúng tôi sẽ tiếp tục với những tác phẩm văn học nổi tiếng khác”.

Trước khi tham gia sản xuất phim Số đỏ, đạo diễn- NSND Nguyễn Thanh Vân đã hoàn tất bộ phim Lều chõng, kịch bản chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Ngô Tất Tố. Lều chõng ngay sau khi phát sóng đã được đánh giá cao.
 
Lều chõng của đạo diễn- NSND Thanh Vân nhận được nhiều lời khen ngợi sau khi phát sóng


Lều chõng của đạo diễn- NSND Thanh Vân nhận được nhiều lời khen ngợi sau khi phát sóng
Lều chõng của đạo diễn- NSND Thanh Vân nhận được nhiều lời khen ngợi sau khi phát sóng


Theo đạo diễn Thanh Vân, quan trọng nhất khi bắt tay vào những tác phẩm văn học lớn của giai đoạn 1930-1945 là phải dựng lên được bối cảnh chân thực của thời đại ấy, phải nắm được phần hồn của câu chuyện diễn ra thời ấy, nhưng vẫn cho khán giả thấy được rằng, “các nhà làm phim đang lấy chuyện hôm qua để nói chuyện hôm nay”.

Trước câu hỏi, “Việc được phát sóng giờ vàng trên VTV hiện nay, các bộ phim phải tính toán chi ly về rating, về mức quảng cáo thu được. Liệu những bộ phim chuyển thể từ các tác phẩm văn học như Số đỏ, Lều chõng, hay Tắt đèn… có thu hút được quảng cáo, thu hút được lượng người xem đông đảo?”, đạo diễn Thanh Vân trả lời “VTV và phía VFC đã đồng ý cùng chúng tôi hợp tác sản xuất nghĩa là, họ đã phải tính đến phương án quảng cáo. Chúng tôi cũng mới bắt đầu. Số đỏ sẽ là bộ phim mang tính “thăm dò” với khán giả. Nếu khán giả thích, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai chuyển thể kịch bản từ những tác phẩm văn học nổi tiếng khác. Dù sao, với tôi, đây cũng là một dự án hay”.

 
Giữa bối cảnh khan hiếm kịch bản, các nhà làm phim muốn chuyển thể những tác phẩm văn học nổi tiếng giai đoạn 1930-1945 lên màn ảnh. Quan điểm của bạn?
Tôi không quan tâm đến các tác phẩm văn học giai đoạn 1930-1945. Đó là những câu chuyện đã cũ.
Đây là một ý tưởng hay. Nhưng, quan trọng nhất vẫn là chất lượng bộ phim.
Ý kiến khác
  


H.H

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm