Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL:

“Đưa Đờn ca tài tử vào nội dung đào tạo ở các cấp học”

(Dân trí)- Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái- cho biết, Bộ cũng mong muốn đưa nghệ thuật đờn ca tài tử vào nội dung đào tạo ở các cấp học.

Trong Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần I tổ chức tại Bạc Liêu vừa qua, các địa phương có ý kiến cần đưa bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) vào sách giáo khoa để giảng dạy cho học sinh, sinh viên.

Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái, bản thân Bộ VH-TT&DL cũng mong muốn đưa bộ môn nghệ thuật ĐCTT vào nội dung chương trình đào tạo ở các cấp học. Tuy nhiên, Thứ trưởng Ái cho rằng, vấn đề này không đơn giản, không phải bất cứ cái gì cũng đều đưa vào làm giáo trình giáo khoa, cho các cấp học vì sẽ tạo nặng nề cho người học.

Theo Thứ trưởng Ái, hiện nay chủ yếu là các địa phương nào có bộ môn nghệ thuật ĐCTT đậm đặc thì kết hợp làm ngoại khóa để cho học sinh, sinh viên hiểu và tham gia bảo tồn phát huy ĐCTT. “Chứ còn đưa bộ môn này vào sách giáo khoa là cả một vấn đề cần phải xin các cấp có thẩm quyền”, Thứ trưởng Ái nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái.
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái.

Về vấn đề trên, trong tham luận “Giáo dục nhạc tài tử, cải lương- Một việc làm cấp thiết”, TS Mai Mỹ Duyên- Nguyên Phó Khoa Sau Đại học (Trường ĐH Văn hóa TPHCM) cho rằng, nghệ thuật ĐCTT, cải lương đang đứng trước nguy cơ bị mai một và biến dạng bởi lực lượng trẻ (từ độ tuổi 16 – 40) kế thừa không nhiều lại không được học tập và rèn luyện “đến nơi, đến chốn”; Đa số nghệ nhân, tài tử giỏi “nghề” đều nghèo, đời sống nhiều khó khăn nhưng sự đối đãi từ nhà nước với họ vẫn chưa có động thái tích cực; Hình thức, nội dung sinh hoạt, giao lưu … của các câu lạc bộ, ban nhóm nhạc tài tử cải lương đang đi vào lối mòn, chưa cuốn hút với chính người trong cuộc, nói gì đến những người không am hiểu hoặc không ham thích dòng âm nhạc này. Trong khi đó, nhiều hình thức văn nghệ ngoại lai mới lạ xâm nhập vào đời sống văn hóa cộng đồng lại được sự hỗ trợ, đầu tư của ngành truyền thông đang diễn ra từng giờ, từng ngày, rất sôi động, hấp dẫn, kích thích sự sáng tạo và hưởng thụ ở giới trẻ. “Từ đó việc giáo dục, đào tạo ĐCTT hiện nay là cần thiết để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật độc đáo này”, TS Duyên nhấn mạnh.

Theo TS Duyên, đa số các tài tử trẻ ở các ban, nhóm, câu lạc bộ tại các tỉnh Nam bộ đều được tiếp xúc nhạc tài tử cải lương ngay từ rất nhỏ. Cụm từ con nhà nòi cũng cho thấy một môi trường hoạt động trải dài từ ấu thơ cho đến trưởng thành của những người làm nghệ thuật. Do đó, độ tuổi thích hợp giáo dục, đào tạo là lúc các em bắt đầu vào lớp 1 cho đến hết bậc tiểu học (từ 6 tuổi đến 10 tuổi). “Lứa tuổi này còn hồn nhiên, tâm hồn như tờ giấy trắng, việc dạy nhạc dân tộc vào độ tuổi này sẽ ghi dấu ấn rất sâu và lâu trong ký ức của các em. Hãy cho các em tiếp xúc với dân ca và nhạc tài tử, tạo cho các em cái nền âm nhạc dân tộc bền chắc trước khi các em tiếp thu âm nhạc phương Tây ở bậc trung học”, TS Duyên phân tích.

TS Duyên nêu rõ hơn, việc dạy nhạc tài tử phải có chương trình, giáo trình được sự thống nhất của 3 nhà chuyên môn: nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc, nhà giáo và nghệ nhân. Việc dạy nhạc tài tử cải lương cần dạy từ thấp cho đến cao, từ đơn giản đến phức tạp; dẫn dắt các em từ tò mò muốn tìm hiểu, khám phá đi dần đến thích thú làm theo, rồi yêu mến và say mê. Vì có yêu mến, say mê mới cố công luyện tập, ra sức giữ gìn và tìm cách phát triển âm nhạc truyền thống.

TS Duyên cho rằng, căn cứ điều kiện thực tế của ngành GD-ĐT và đội ngũ nghệ nhân có năng lực truyền nghề hiện có ở các tỉnh, thành Nam Bộ thì muốn dạy nhạc tài tử ở các trường học nhất thiết phải kết hợp cả 2 đối tượng là giáo viên và nghệ nhân. “Giáo viên bằng phương pháp sư phạm được đào tạo sẽ cung cấp cho các em những kiến thức đơn giản, dễ hiểu về bài bản và nhạc cụ. Còn nghệ nhân là người có nghề sẽ thao tác trên nhạc cụ, giúp các em thực hành bài học. Sự kết hợp giảng dạy này phải thật chặt chẽ, đồng bộ trên cơ sở thống nhất phân công chuyên môn giữa giáo viên và nghệ nhân do các cơ sở đào tạo tổ chức tập huấn về phương pháp giảng dạy”, TS Duyên nêu quan điểm.

Chơi ĐCTT ở Nam Bộ. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Chơi ĐCTT ở Nam Bộ. (Ảnh: Huỳnh Hải)

Còn trong tham luận của mình, theo NSSK Trần Khánh- Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa- Nghệ thuật Bạc Liêu- thì việc đưa nghệ thuật ĐCTT vào trường học cũng là rất cần thiết. Theo NSSK Trần Khánh, muốn bảo tồn và phát triển đờn ca tài tử Nam Bộ, phải song song hai loại hình đào tạo trong nhà trường và cả truyền thống vì mỗi loại hình có mặt hay của nó, dù cũng có hạn chế nhất định nên cần uốn nắn, không thể thiếu loại hình nào.

Theo NSSK Trần Khánh, đào tạo ĐCTT Nam Bộ trong trường học (trong đó có các Trường Văn hóa- Nghệ thuật chuyên nghiệp) là rất hay vì nơi đây dạy được những kiến thức cơ bản, khoa học, có bằng cấp. Trong quá trình đào tạo, xét thấy năng khiếu học sinh giỏi đờn hoặc giỏi ca thì phân môn để dạy hoặc đưa vào Nhạc viện đào tạo chuyên nghành hơn.

Trong khi đó, đào tạo truyền thống là loại hình từ ngàn xưa mà cha anh chúng ta đã học, là vấn đề cần phát huy mạnh. Theo NSSK Trần Khánh, bởi đào tạo theo hình thức này có thể mở lớp nhỏ, lẻ dạy tại nhà, không cần trường lớp. Dạy truyền ngón thì các em không biết nhạc lý đều học được, người giỏi dạy người yếu, học ca tại chỗ. Thầy giáo dạy truyền thống, không cần bằng cắp chuyên môn (khác hơn nhà trường) biết nhiều dạy nhiều, biết ít dạy ít, học sinh tự tìm thầy học tiếp nên có những thuận tiện nhất định.

“Tóm lại, tôi đề nghị việc giáo dục, đào tạo nghệ thuật ĐCTT cả hai phương pháp trên cần tồn tại song song với nhau, bổ sung cho nhau. Phương pháp truyền thống thì vỡ lòng, còn nhà trường đào tạo chính quy, chuyên nghiệp tạo ra nhiều người giỏi có bằng cấp vừa giảng dạy, vừa phục vụ nghề”, NSSK Trần Khánh nhấn mạnh.

                                                                                                Huỳnh Hải 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm