Du khách choáng ngợp với "đám cưới thế kỷ" ngay tại phố cổ Hội An
(Dân trí) - Đám cưới giữa Công nữ Ngọc Hoa và thương nhân Nhật Bản Araki Sotaro hơn 400 năm trước là minh chứng cho tình yêu đẹp, là sự khởi đầu cho mối quan hệ bang giao giữa Việt Nam - Nhật Bản.
Chiều 5/8, tại phố cổ Hội An (Quảng Nam), diễn ra lễ tái hiện Đám cưới Công nữ Ngọc Hoa và thương nhân Nhật Bản Araki Sotaro hơn 400 năm trước.
Du khách choáng ngợp, thích thú trước "đám cưới thế kỷ" được cho là sự khởi đầu mối quan hệ hữu nghị, bang giao giữa hai quốc gia Việt Nam - Nhật Bản.
Đây là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện "Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản" lần thứ 19, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973-2023), đồng thời tiếp nối mối quan hệ giao lưu, hợp tác giữa Hội An và Nhật Bản.
Tương truyền, thương nhân Araki Sotaro vốn là võ sĩ Samurai. Năm 1588, ông tới Nagasaki và bắt đầu nghề buôn bán, dần trở thành thủ lĩnh các doanh nhân xứ Phù Tang.
Khoảng những năm đầu thế kỷ 17, Araki Sotaro sang làm ăn buôn bán tại Hội An và chiếm được cảm tình của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Sau đó, Chúa lập cho ông một tờ thư xác nhận ông đã tự nguyện ở dưới gối (trung thành với Chúa).
Năm 1619, Chúa Nguyễn đồng ý gả con gái của mình là Công nữ Ngọc Hoa cho Araki Sotaro, với mong muốn xây dựng mối quan hệ lâu dài tốt đẹp với các thương nhân Nhật.
Năm 1620, công nữ Ngọc Hoa lên thuyền theo chồng là Araki Sotaro về sinh sống tại tỉnh Nagasaki của Nhật Bản.
Khi về sinh sống tại Nhật Bản, Công nữ đã dạy các điệu múa An Nam cho người Nhật, có công chẩn tế, xây chùa Phật, dạy nấu nướng bày biện cho người Nhật.
Nhờ những đức tính cũng như phẩm giá đáng quý của người phụ nữ Việt Nam, Công nữ Ngọc Hoa được người Nhật yêu quý, kính trọng, gọi bằng tên thân mật là Anio.
Năm 1635, sau khi chồng mất, bà vẫn tiếp tục giúp đỡ nhiều thương nhân buôn bán tại Nagasaki, thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp với triều đình nhà Nguyễn.
Viện Bảo tàng nghệ thuật Nagasaki hiện vẫn còn trưng bày chiếc gương soi của Công nữ Ngọc Hoa. Khi qua đời, bà được chôn cất tại Đại Âm tự nằm ngay trung tâm thành phố Nagasaki.
Ngày nay, lễ rước kiệu đón công nữ Anio (công nữ Ngọc Hoa) được tái hiện trong phân cảnh "Châu Ấn thuyền" được tổ chức 7 năm một lần tại lễ hội "Nagasaki Kunchi" ở Nagasaki.
Câu chuyện hôn nhân giữa Công Nữ Ngọc Hoa và thương nhân Araki Sotaro được xem như nhịp cầu nối hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản từ quá khứ đến hiện tại.
Tại Hội An, hiện nay cũng có con đường mang tên Công Nữ Ngọc Hoa chạy dọc sông Hoài từ cầu gỗ nhỏ trước Chùa Cầu đến Quảng trường sông Hoài.
Dự kiến, vở Opera Công nữ Anio kể về chuyện tình có thật từ 400 năm trước giữa Công chúa nhà Nguyễn và thương nhân Nhật Bản sẽ được công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào tháng 9 và công diễn tại Nhật Bản vào tháng 11.