“Đóng vai Bác Hồ, quan trọng nhất là thần thái phải giống Bác”

(Dân trí) - “Khi nhận tôi nhận lời đóng vai Bác Hồ trong phim “Thầu Chín ở Xiêm”, đạo diễn có nói với tôi là làm sao khi diễn thần thái của mình phải giống với Bác và mắt luôn phải sáng, chứ không cần khắc họa 1 diễn viên có ngoại hình giống hệt với Bác Hồ…”

Đó là chia sẻ của nam diễn viên Nguyễn Mạnh Trường, khi anh vào vai Bác Hồ hồi trẻ trong bộ phimThầu Chín ở Xiêm” của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng. Bộ phim kể về câu chuyện hoạt động cách mạng bí mật của Bác Hồ ở Xiêm (Thái Lan) những năm 1928-1929 với bí danh Thầu Chín, trước khi Bác trở về nước để hợp nhất 3 tổ chức Đảng và tiến tới thành lập Đảng cộng sản Việt Nam vào năm 1930. Bộ phim này đã nhận được giải A của Giải thưởng “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Phóng viên Dân trí đã có cuộc phỏng vấn diễn viên Mạnh Trường về vai diễn Thầu Chín của anh.

Diễn viên Mạnh Trường đóng vai Thầu Chín (Bác Hồ) trong phim Thầu Chín ở Xiêm

Diễn viên Mạnh Trường đóng vai Thầu Chín (Bác Hồ) trong phim "Thầu Chín ở Xiêm"

Được biết, trước đó anh chưa từng vào vai Bác Hồ. Vậy lý do gì khiến anh nhận lời đóng vai Bác Hồ trong phim “Thầu Chín ở Xiêm”. Liệu đó có phải là quyết định quá táo bạo đối với anh?

Rất là ngẫu nhiên, trong thời gian đang diễn bộ phim “Đường lên Điện Biên” của Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng. Khi mà chúng tôi làm được 1 nửa bộ phim này, thì anh Dũng đã có ngỏ ý là sau dự án này, anh sẽ vào dự án phim về Bác Hồ và nói tôi tham gia cùng anh ấy. Ban đầu tôi cũng chỉ nghĩ anh Dũng sẽ mời vào 1 vai diễn nào đó trong phim, không bao giờ nghĩ là anh Dũng sẽ mời vào vai Bác Hồ. Tôi tự nhận thấy, ngoại hình của mình không giống với vai Bác Hồ. Đến khi chuẩn bị cho dự án phim này thì anh Dũng nói, tôi sẽ vào vai Bác Hồ. Lúc đó tôi rất bất ngờ, ban đầu tôi không dám nhận lời, vì tôi sợ nếu mình làm không tốt, ngoại hình đã không phù hợp nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến bộ phim, ảnh hưởng đến chính mình, vì đây là vai diễn rất là lớn. 

Nhưng đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cũng có thuyết phục và nói rằng anh ấy muốn tìm 1 người diễn được thần thái của Bác Hồ. Anh Dũng nói nhìn thấy ở tôi có được cái đó, chứ không cần khắc họa 1 diễn viên giống hệt ngoại hình với Bác Hồ. Qua mấy cuộc trò chuyện giữa 2 anh em, thì tôi đồng ý làm. Thực ra đó là quyết định cũng khá táo bạo, nhưng có sự động viên của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng nên tôi cũng tự tin hơn rất nhiều (cười).

Vậy từ khi nhận lời, anh đã chuẩn bị những gì cho vai diễn lớn này trước khi phim bấm máy?

Cũng giống như bất kỳ tác phẩm nào, trước khi diễn tôi cũng đều phải nghiên cứu rất kỹ kịch bản. Đọc tổng thể kịch bản và đọc vai diễn của mình, rồi tìm hiểu nhân vật…Nhưng với vai diễn về Bác trong phim này quả thực tôi mất khá nhiều thời gian để nghiên cứu về Bác. Mà tài liệu về Bác hồi trẻ hoạt động ở Thái Lan những năm đó không có nhiều. Đạo diễn có đưa cho tôi ít tài liệu rất quý về Bác và rồi tôi cứ mày mò nghiên cứu. Tôi có xem lại các diễn viên đàn anh như chú Trần Lực, chú Tiến Hợi diễn khá thành công với vai diễn về Bác, để tôi học hỏi thêm. Tuy nhiên, khi xem các chú ấy diễn lại rất sợ mình “nhiễm” phong cách diễn đó, nên tôi cố chắt lọc những chỗ tinh tế nhất của các chú ấy, để rồi tôi phải tạo ra nét riêng cho mình.

Ngoài ra, tôi cũng phải điều chỉnh chế độ ăn để giảm cân. Trong vòng 1 tháng tôi đã giảm được 6kg, để làm sao khi diễn nó không béo quá, sẽ bị phản cảm (cười).

Cảnh trong phim Thầu Chín ở Xiêm

Cảnh trong phim "Thầu Chín ở Xiêm"

Mọi thứ đã được chuẩn sẵn sàng, nhưng khi tiến hành bấm máy, anh có gặp khó khăn gì khi diễn?Đoạn nào anh thấy khó diễn nhất trong phim?

Suốt thời gian hơn 2 tháng diễn bộ phim này tôi cũng không gặp khó khăn gì lớn. Bởi ngay từ đầu đạo diễn có nói là là diễn làm sao thần thái phải giống với Bác. Ngoại hình của tôi đã không giống lắm với Bác, nên phải làm được điều đạo diễn kỳ vọng và tôi đã làm được điều này. Ngoài ra ánh mắt luôn phải sáng, mắt sáng sẽ toát lên được tất cả. Thì rất may khi xem lại thấy mắt mình sáng thật (cười), vì do nhiều yếu tố như quay phim, góc máy, ánh sáng… Mặc dù lúc đó Bác Hồ chưa phải là vị lãnh tụ, nhưng khi diễn tôi luôn ý thức là làm sao để người xem nhìn thấy được dáng dấp của người lãnh tụ trong đó.

Đoạn khó diễn nhất trong phim và cũng là đoạn tôi nhớ nhất đó là khi cả đoàn ra Thanh Hóa diễn cảnh Bác đứng bên bờ sông nhìn về dãy núi. Vì qua dãy núi này là quê hương Việt Nam. Lúc đó Bác rất nhớ nhà, nhớ quê hương. Khi đến Thái Lan là Bác đã 17 năm xa quê hương. Nhưng khi mọi thứ chuẩn bị hết rồi thì trời mưa, chờ mãi vẫn mưa, không biết làm thế nào. Cuối cùng đạo diễn quyết định mưa cũng quay. Tôi sợ tôi bị phân tán vì trời mưa, vì đoạn này phải thật tập trung, thật xúc động. Nước mắt phải rưng rưng, phải tiết chế làm sao cho nước mắt cứ ở trong mắt, không được rơi là rất khó, vì với diễn viên bảo khóc là khóc được ngay (cười). Nhưng rất may cảnh này quay đúng 1 đúp được luôn, không ngờ lại diễn “ngọt” đến thế (cười), mọi người xem lại lúc đó rất ưng ý. Mưa lất phất làm ướt áo, khi lên hinh làm cho cảnh diễn càng xúc động, hóa ra mưa lại có tác dụng hơn mong đợi.

Diễn viên Mạnh Trường 

Diễn viên Mạnh Trường 

Thực ra khi mình nhận được vai diễn này, mình nghĩ là làm sao diễn cho tốt, không được sai sót chứ chưa nghĩ tới là bộ phim nó lại có hiệu ứng đến như vậy. Khi mà công chiếu cho anh em trong nghề và báo chí xem, mọi người đánh giá rất cao bộ phim và vai diễn của tôi. Có mấy chị nhà báo lớn tuổi khi xem xong các chị ấy đã khóc, vì các chị ấy lớn tuổi rồi nên hiểu khá rõ về Bác. Các chị ấy ra bắt tay chúc mừng, lúc đó tôi xúc động vô cùng, không ngờ mình lại diễn thành công đến như vậy.

Xin cảm ơn anh!

Nguyễn Dương