“Đồng phục” biển quảng cáo trên phố: “Bóp chết” sự phát triển thương hiệu?

(Dân trí) - Nhiều chuyên gia cho rằng, việc bắt các cửa hàng, doanh nghiệp treo một loại biển bảng quảng cáo thống nhất ít nhiều đã góp phần tạo ra sự quy củ, thống nhất. Tuy nhiên, mặt trái của nó là đã “bóp chết” sự phát triển của thương hiệu và vô tình phạm vào luật quảng cáo đã được Chính phủ ban hành.

Bà Bùi Thị Kim Nga - TGĐ Công ty TNHH Quảng cáo Bình Minh: Chúng ta đã có luật quảng cáo ban hành dưới dạng văn bản và bây giờ UBND quận Thanh Xuân làm kiểu này tức là đề ra một luật riêng. Nói cách khác là kiểu làm này vi phạm luật quảng cáo đã được Chính phủ ban hành trước đây. Vì tôi là một trong những người đã góp công góp sức xây dựng luật quảng cáo này nên tôi biết để ra được luật quảng cáo đã ban hành, rất nhiều cơ quan ban ngành như: Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Chính phủ, Quốc hội, Hiệp hội Doanh nghiệp… đã phải ngồi họp với nhau để thống nhất từng điều.

Phố Lê Trọng Tấn nhìn từ trên cao. Ảnh: TL.
Phố Lê Trọng Tấn nhìn từ trên cao. Ảnh: TL.

Tôi cứ ngỡ Luật như thế là cao nhất rồi, không ai có thể được làm trái luật vậy mà bây giờ họ bỏ qua luôn cả luật mà tự làm theo một kiểu riêng không giống ai. Khi biết thông tin này tôi rất bức xúc vì làm kiểu này là đang đẩy lùi sự phát triển của mình lại khoảng một vài thập niên. Nó không phù hợp một chút nào hết với xu thế phát triển chung cả.

Người mà đưa ra ý tưởng này là người không hiểu gì về kinh tế thị trường hết bởi trong nền kinh tế thị trường thì sự cạnh tranh và quảng cáo để nổi bật thương hiệu lên là cần phải được khuyến khích tối đa. Sự cạnh tranh này đòi hỏi phải có sự sáng tạo, có sự độc đáo… kể cả biển bảng, logo, slogan. Cách làm này đã bóp chết những sáng tạo ấy. Sự khác biệt giữa các thương hiệu đã không còn. Giống như thời chiến tranh chúng ta chủ trương mang tất cả áo quần đi nhuộm màu đen hết để tránh bị máy bay địch phát hiện thả bom ấy.

Bây giờ tất cả đều đều như nhau hết và như thế nó sẽ tạo ra sự khô cứng của một đô thị. Chúng ta đã từng nhìn thấy những hình ảnh của Paris, NewYork, Tokyo… rất lung linh, rất rạng rỡ, rất nhiều sắc màu mà có cần phải đồng đều như thế này đâu. Tất nhiên, là nếu quy định biển bảng quảng cáo giống nhau như thế thì nhìn có vẻ trật tự, quy củ, ngắn nắp… nhưng đó là cái trật tự của nền kinh tế Xã hội chủ nghĩa nhiều năm về trước. Nó như là bộ mặt của một khu công nghiệp chứ không phải là thành phố “sống” nữa.

Trong Luật quảng cáo đã quy định rõ kích thước biển rồi, chiều cao không được vượt quá 1,2m, chiều ngang thì được phép chạy hết mặt tiền của nhà… vậy luật đã quy định rồi thì cứ thế mà thực hiện thôi. Hà Nội chẳng cần học hỏi ai cả mà hãy học hỏi Đà Nẵng, Đà Nẵng làm điều này rất tốt. Họ cũng quy định rõ kích thước từ nhà đến vị trí đặt biển quảng cáo là bao nhiêu, chiều cao tối đa bao nhiêu… trông rất quy củ nhưng vẫn đa dạng, sinh động. Thực tế là không cần nói ra các nhà quản lý cũng hiểu được giá trị của việc đa dạng hóa thương hiệu. Tại sao các doanh nghiệp phải mất công tổn sức để nghĩ ra bộ nhận diện thương hiệu của mình? Tôi nói ví dụ, đang đi trên đường bỗng có nhu cầu muốn tìm một ngân hàng A nào đó, chỉ cần ngước mắt lên nhìn thấy màu sắc của ngân hàng là họ nhận ra vị trí của nó luôn, không phải mất công đi tìm. Đấy chính là nhận dạng thương hiệu.

Hệ thống biển bảng quảng cáo đều có một màu, kích thước, kiểu chữ giống nhau.
Hệ thống biển bảng quảng cáo đều có một màu, kích thước, kiểu chữ giống nhau.

Tôi là người có hơn 20 năm làm dịch vụ quảng cáo ngoài trời, từng thiết kế quảng cáo cho rất nhiều doanh nghiệp… nhưng chưa bao giờ tôi thấy màu sắc biển quảng cáo ở phố Lê Trọng Tấn lại xấu đến thế. Hai màu xanh và đỏ đó là những màu của những ngày mới manh nha phát triển kinh tế thị trường. Đến bây giờ, khi làm biển quảng cáo, rất hiếm người chọn hai màu đấy. Chẳng lẽ bao nhiêu năm nỗ lực để đưa nền kinh tế phát triển bây giờ lại đưa doanh nghiệp trở lại thời kỳ đồ đá như thế này thì chết.

TS Mỹ học Thế Hùng: Với tư cách là họa sỹ Mỹ thuật công nghiệp, Tiến sỹ Mỹ học và Nhà phê bình mỹ thuật, tôi hoàn toàn phản đổi cách quy hoạch đô thị như tuyến phố Lê Trọng Tấn ở Thanh Xuân, Hà Nội. Đấy là một sự máy móc, đều đều, không tạo ra sự phong phú… về mặt thẩm mỹ cho đô thị. Cái đẹp phải là sự phong phú, mỗi cửa hàng có một cách thiết kế biển bảng quảng cáo khác nhau cũng sẽ góp phần tạo nên cái đẹp cho phố phường. Mỗi biển bảng quảng cáo mang đặc trưng thương hiệu vậy tại sao lại bắt các cửa hàng phải làm biển quảng cáo giống nhau như thế được.

Theo tôi như thế là không nên, làm nghèo nàn đi cái đẹp. Đưa pháp luật vào quản lý thị trường là đúng nhưng làm như thế này sẽ hạn chế sự cạnh tranh của thương hiệu. Mà đã không có cạnh tranh thì không phát triển. Cạnh tranh là cạnh tranh hình thức, Pr, Marketing… biển hiệu chính là một tín hiệu hay còn gọi là một công cụ để làm Marketing, Pr, tạo hình ảnh cho cửa hàng. Biển hiệu của mang sắc thái riêng của sản phẩm, của thương hiệu, của cửa hàng… bắt giống nhau cả thì còn ra làm sao nữa. Về mặt thẩm mỹ là không thẩm mỹ, về mặt khoa học là không học. Chân dung 10 cô Hoa hậu mà cô nào cũng giống cô nào thì còn gì để ngắm nghía nữa.

Việc bắt người dân làm biển quảng cáo theo kiểu đồng phục đã dấy lên nhiều tranh cãi. Ảnh: Hữu Nghị.
Việc bắt người dân làm biển quảng cáo theo kiểu "đồng phục" đã dấy lên nhiều tranh cãi. Ảnh: Hữu Nghị.

Thạc sỹ Nguyễn Minh Lý - Giảng viên Thiết kế - Đồ họa - Quảng cáo trường Arena MultiMedia: Thực ra quan điểm thẩm mỹ của mỗi người không ai giống ai. Chủ trương của UBND quận Thanh Xuân trong quy hoạch đô thị ở tuyến phố Lê Trọng Tấn theo tôi về chắc cũng đã tính đến yếu tố bền vững, dài lâu. Quan điểm của tôi là việc bắt các cửa hàng cùng treo một biển quảng cáo có kích thước, màu sắc, chất liệu, kiểu chữ… giống nhau như thế là không hợp lý chút nào. Trên website, các banner quảng cáo được đặt ở những vị trí khác nhau còn phải có kích thước và màu sắc khác nhau nữa là trên một tuyến phố. Bởi rõ ràng, màu sắc, hình ảnh, kích thước, font chữ, kiểu chữ… ở biển quảng cáo không đơn thuần chỉ mang lại giá trị thẩm mỹ mà còn liên quan đến giá trị lợi nhuận, đến việc phát triển và khuếch trương thương hiệu.

Biển bảng quảng cáo ngoài đường phố bắt buộc phải có sự đa dạng, nhiều sắc màu, nhiều chúng loại… cái đó luật cho phép. Chỉ có những dạng biển quảng cáo treo ở những khu vực gây nguy hiểm đến đến người đi đường hoặc ảnh hưởng cuộc sống của những người xung quanh mới phải bị chính quyền đưa vào khuôn phép. Chúng ta xem hệ thống biển bảng quảng cáo ở những nước phát triển như: Mỹ, Nhật, Anh, Nga… chỗ nào họ cũng có thể quảng cáo được. Thậm chí, màu sắc, hình hài, kích thước… mỗi nơi một vẻ, chẳng nơi nào giống nơi nào.

Nhiều người cho rằng, kiểu làm này sẽ bóp chết sự phát triển của doanh nghiệp. Ảnh: Hữu Nghị.
Nhiều người cho rằng, kiểu làm này sẽ bóp "chết" sự phát triển của doanh nghiệp. Ảnh: Hữu Nghị.

Tôi cho rằng, nếu chúng ta bắt doanh nghiệp phải làm theo một kiểu dạng giống nhau như thế sẽ hạn chế đi sự sáng tạo của doanh nghiệp mà cụ thể ở đây chính là việc khuếch tán thương hiệu hoặc sử dụng phương tiện quảng cáo để phát triển thương hiệu.

Hoạ sĩ Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Nhiếp ảnh, Mỹ thuật và Triển lãm: Theo tôi, chủ trương làm một tuyến phố thí điểm có sự văn minh - thẩm mỹ là chủ trương tốt nhưng khi thực hiện làm các biểu hiệu quảng cáo lại mới chỉ đúng được một nửa. Nếu quy định khuôn khổ, vị trí biển bảng quảng cáo theo khuôn khổ thống nhất thì cũng tạo ra được một sự ngăn nắp, quy củ. Cái không được là không nên can thiệp quá sâu vào bố cục, màu sắc, kiểu chữ, cách trình bày… Nên để cho doanh nghiệp được đưa nội dung quảng cáo, từ logo, màu sắc, hình ảnh, bố cục biển… chứ không nên can thiệp vào việc đó làm gì. Có lẽ cần phải mạnh dạn làm lại chứ để thế cũng không hợp lý.

Hà Tùng Long