Đông Giang: Phục dựng nói lý, hát lý của người Cơ tu

(Dân trí) - Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) huyện Đông Giang phối hợp với các đơn vị cơ sở tổ chức thí điểm tại ba thôn hoạt động nói lý, hát lý của ngời Cơ tu trong 3 ngày từ 14-17/11 nhân kỷ niệm 81 năm Ngày truyền thống của ngành.

Nghệ thuật nói lí, hát lí (prma-têng bhanoóch) thường được sử dụng, trong lễ cưới hỏi truyền thống của người Cơ tu. Sau khi tiến hành xong nghi thức đón khách (chnao) và đón chào các vị cao niên (pay buốh tacoóh), nhà trai mời tất cả an vị quanh mâm cổ trên sàn nhà. Người đại diện nhà trai bắt đầu tuyên bố lí do (pay hla) và mời chia vui chén rượu. Qua vài ba chén, rượu đã ngà ngà người chủ xướng chọn thời điểm và bắt đầu ứng khẩu:  "Ô... ô... ô... Azô achoọng/coonh vóc, coonh êên..."  (đây là lời gợi mở) sau đó vừa hát vừa nói lên nội dung cần bàn bạc, giãi bày. Trong nội dung nói lí hát lí của lễ cưới có thể là lời gửi gắm, hứa hẹn, lời chúc phúc cho đôi uyên ương.
 
Đông Giang: Phục dựng nói lý, hát lý của người Cơ tu - 1
Màn trình diễn của Đội Tung tung Zha Zhá thôn Éo xã Ba

 

Người Cơ tu có nhiều loại hình nghệ thuật ngôn từ mà chủ yếu là ứng khẩu theo tài năng và cảm xúc của người thể hiện như chàchập-babóoch (hát giao duyên), hâu clêng (khóc người chết)... nhưng Nói lí-hát lí là đặc sắc hơn cả bởi không chỉ phong phú về đề tài mà còn đa dạng về ngôn từ.

 

Người hát "đối" phải sử dụng nhiều hình ảnh lạ, cách nói bóng gió, ẩn ý. Người "đáp" phải nhạy bén, nhanh trí để hiểu được, hiểu hết ý tứ sâu xa của người đối diện để lựa lời ứng đáp. Do yếu tố "ẩn dụ", "nhân hóa" "thậm xưng" kết hợp với lí lẽ sắc bén mà sâu xa nên không phải người Cơ tu nào nghe cũng hiểu và có thể nói lí, hát lí được.

 

Cái độc đáo của Nói li-hát lí còn thể hiện ở việc so tài để khẳng định cao thấp giữa các già làng, giữa các vùng Cơ tu thượng, Cơ tu hạ, Cơ tu trung... Đồng thời, Nói li-hát lí còn dùng để giải quyết mâu thuẫn giữa các gia đình dòng tộc, giữa các bản làng theo hình thức hòa giải bằng tính chất nhận định, khẳng định theo lí lẽ, phong tục truyền thống. Nghệ nhân nói lí, hát lí phải dùng từ ngữ, làng điệu mang nhiều lớp nghĩa kín đáo, sâu xa để "đối thủ"  không kịp nghĩ ra, không đối đạp lại được. Và từ đó buộc người khác phải thừa nhận và nghe theo mình.
 
Đông Giang: Phục dựng nói lý, hát lý của người Cơ tu - 2
Nghệ nhân Blinh Hây thôn Bhơ Hôồng, xã Sông Koon đang trình diễn điệu lí Cơ tu

 

Nghệ thuật đối đáp này dẫu thắng hay thua đều không bao giờ gây mâu thuẫn hay làm mất đi tính đoàn kết. Mà ngược lại chính trong buổi giao lưu này, tình cảm tộc họ, bản làng càng thêm khăng khít, cảm thông. Bởi trong từng lời nói lí, câu hát lí dù có sắc bén cũng nhẹ nhàng, kín đáo mà gần gũi, biết tôn trọng lẽ phải nên người nghe dễ đồng cảm, chấp nhận. Và một điều đặc biệt nữa là Nói lí-hát lí không khi nào sử dụng những lời nói, câu hát tục tĩu.

 

Ông Nguyễn Hữu Linh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN huyện Đông Giang cho biết: “Nói lý (hát lý truyền thống là loại hình nghệ thuât theo hình thức truyền khẩu và mang chất tài nghệ cá nhân nên rất khó truyền dạy. Đòi hỏi phải có lòng yêu thích, đam mê và phải chú ý lắng nghe thật nhiều lần cộng với sự liên tưởng tưởng tượng may ra mới thẩm thấu được. Lớp trẻ Cơ tu bây giờ lại tỏ ra xấu hổ thẹn thùng khi phải ăn mặc trang phục truyền thống trong lễ hội và xem những làn điệu dân ca của dân tộc mình là lạc hậu... Đây là vấn đề đáng buồn, đáng lo ngại trong việc tìm ra lớp người kế cận để lưu giữ bảo tồn”.
 
Đông Giang: Phục dựng nói lý, hát lý của người Cơ tu - 3
Ông Nguyễn Hữu Linh (áo xanh) - Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Đông Giang trao đổi về bảo tồn văn hóa

 

Cũng thông qua các buổi sinh hoạt tuyên truyền, nghệ thuật nói lý, hát lý của người Cơ tu sẽ được duy trì và hình thành nếp sinh hoạt thường kỳ tại các thôn và các cụm xã.
 

 

Bài, ảnh: Đông Phước