Đong đầy cảm xúc trong đêm nhạc mừng nhạc sĩ Phạm Tuyên tròn 91 tuổi
(Dân trí) - Đêm nhạc mừng nhạc sĩ Phạm Tuyên tròn 91 tuổi đã mang đến cho khán giả những cảm xúc đong đầy.
Đúng vào ngày 12/1/2021 - ngày nhạc sĩ Phạm Tuyên tròn 91 tuổi, gia đình kết hợp với Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam đã tổ chức đêm nhạc "Cây đại thụ và cánh én tuổi thơ" như một món quà mừng sinh nhật ông. Đêm nhạc đã mang đến nhiều xúc cảm và hoài niệm cho những người tham dự.
Xúc động ngay từ giây phút nhạc sĩ được con gái là chị Phạm Hồng Tuyến dìu lên sân khấu để giao lưu với khán giả. Những bước chân run run, chầm chậm của người nhạc sĩ đã gần đi qua thế kỷ như làm người ta thêm yêu mến và trân trọng.
Ở tuổi 91, dù sức khỏe đã yếu đi nhiều, chân bước chậm hơn, mắt nhìn không còn rõ... nhưng nhạc sĩ Phạm Tuyên vẫn còn rất minh mẫn. Đặc biệt, ông vẫn còn nhớ rất rõ hoàn cảnh ra đời của từng bài hát mà mình sáng tác và từng kỷ niệm với những đồng nghiệp cũ khi còn công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam.
Trong đêm nhạc, khi giao lưu với khán giả, nhạc sĩ Phạm Tuyên bộc bạch rằng: "Tôi rất bất ngờ vì không thể hình dung được mọi người lại tổ chức một đêm nhạc quy mô như thế này. Bước sang tuổi 91, bạn đồng nghiệp của tôi như nhạc sĩ Hoàng Vân, Văn Ký, Nguyễn Đức Toàn... không còn nữa. Nên đối với tôi, đêm nhạc hôm nay là một món quà rất ý nghĩa.
Nhiều nhà báo phỏng vấn tôi "Tại sao nhạc sĩ lại viết được nhiều bài hát đi cùng lịch sử như thế?", tôi bảo rằng "Tôi phải cảm ơn môi trường báo chí, môi trường phát thanh mà tôi đã gắn bó gần 1/4 thế kỷ. Hôm nay, đêm nhạc tổ chức ở ngay tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam khiến tôi rất xúc động".
Trong buổi giao lưu, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - TGĐ Đài Tiếng nói Việt Nam cũng nhấn mạnh rằng: "Hôm nay, chúng ta có mặt ở đây để dự đêm nhạc mừng sinh nhật nhạc sĩ Phạm Tuyên với lòng biết ơn và kính trọng. Nhạc sĩ Phạm Tuyên cùng các nhạc sĩ cùng thế hệ của ông đã nâng tâm hồn của cả một dân tộc trong kháng chiến gian lao, trong xây dựng vất vả...
Những bài hát đầu tiên của các nhạc sĩ đầu đàn từng vang lên ở 58 phố Quán Sứ (Hà Nội) - trụ sở của Đài Tiếng nói Việt Nam khi xưa. Có một điều rất thú vị là gia đình nhạc sĩ Phạm Tuyên, gia đình nhạc sĩ Thuận Yến, gia đình nhạc Cát Vận, gia đình nhạc sĩ Phạm Tuyên... và rất nhiều gia đình đã từ "cái nôi" này đóng góp rất nhiều cho văn học nghệ thuật nước nhà và đó là điều vô cùng tuyệt vời.
Tất cả chúng ta đều cầu chúc nhạc sĩ dồi dào sức khỏe và dồi dào bút lực để tiếp tục sáng tạo. Luôn mong ông mãi là cây đại thụ để các thế hệ hậu sinh nương tựa vào, về mặt tâm hồn, về mặt nhân cách... để đưa đất nước đi về phía trước".
Chị Phạm Hồng Tuyến - con gái nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết, nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam ở 58 phố Quán Sứ (Hà Nội) không chỉ là nơi làm việc suốt mấy chục năm của nhạc sĩ Phạm Tuyên mà còn là nơi ở của cả gia đình vào năm 1973, khi khu tập thể Đài Tiếng nói Việt Nam ở 126 Đại La bị bom Mỹ san phẳng. Nơi đây có phòng thu nhạc M mà chị con đã thu thanh rất nhiều bài hát thiếu nhi, hiện vẫn còn lưu trữ tại Đài Tiếng nói Việt Nam.
Xuyên suốt chương trình là những bài hát gắn với tên tuổi nhạc sĩ Phạm Tuyên như: Từ làng Sen, Cánh cò trong câu hát mẹ ru, Từ một ngã tư đường phố, Nơi ấy Trường Sa, Khát vọng mùa xuân, Chiếc đèn ông sao, Cánh én tuổi thơ, Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội... Với sự thể hiện của các giọng ca như: Phương Thanh Sao mai, Tiến Mạnh, Trịnh Nhật Minh, Mỹ Linh, Tùng Dương, Nguyễn Khánh Chi, CLB Họa My... Mỗi một ca khúc đều được nhạc sĩ hoặc con gái nhạc sĩ nói rõ thêm về nguồn gốc ra đời và cảm hứng sáng tác.
Riêng với ca khúc "Từ làng Sen" - 1 trong 5 ca khúc đưa nhạc sĩ Phạm Tuyên đến với giải thưởng Hồ Chí Minh đợt IV (năm 2012) về văn học - nghệ thuật được nhạc sĩ bật mí rằng, đây là ca khúc được ông sáng tay trong thời điểm Bác Hồ vừa qua đời.
"Nếu không thấm đượm dân ca xứ Nghệ thì không viết được một ca khúc như thế. Nhưng tình cảm dành cho quê hương xứ Nghệ, cho Bác Hồ vẫn là trên hết", nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết thêm.
Nói về âm nhạc và nhân cách của nhạc sĩ Phạm Tuyên, nhà thơ - nhà báo Hồng Thanh Quang cũng bộc bạch: " Tất cả những cảm xúc cách mạng của đất nước này trong hơn một nửa thế kỷ đi qua âm nhạc của ông đều trở thành sức mạnh của toàn quân, toàn dân... ".
Đêm nhạc kết thúc ấm áp và xúc động bởi sự kết nối của nhiều thế hệ ca sĩ. Ở đó, các ca sĩ đã thành danh đến các ca sĩ đang trưởng thành các cả các giọng ca nhí đang tiếp nối đều thể hiện âm nhạc Phạm Tuyên bằng một tâm hồn đầy trong trẻo và đầy yêu thương. Âm nhạc như trở thành sợi dây đưa người nghe ngược về quá khứ và vươn tới tương lai với bao sự nhân văn, nhân bản.
Chương trình kết thúc, nhiều người thân, đồng nghiệp và khán giả vẫn cố gắng nán lại. Có người nán lại để được ngắm nụ cười nhân hậu của vị nhạc sĩ đáng kính trước khi chào tạm biệt. Có người nán lại bởi dư âm của âm nhạc và hoài niệm vẫn đang dâng trào trong từng xúc cảm.