Đông đảo du khách đến với Ngày thơ Việt Nam

(Dân trí) - Dù thời tiết không thuận lợi, trời đổ mưa sáng ngày 17/2 (tức ngày 13 tháng Giêng) nhưng đông đảo người yêu thơ vẫn có mặt từ sớm tham dự Lễ khai mạc Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVII tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Khai mạc Ngày thơ Việt Nam 2019

 

Từ sáng sớm ngày 17/2, nhiều du khách trong và ngoài nước đã đổ dồn về Văn Miếu- Quốc Tử Giám để tham dự Lễ khai mạc Ngày thơ Việt Nam ần thứ XVII - Nguyên tiêu Kỷ Hợi 2019. Dù trời mưa nhưng vì Lễ khai mạc diễn ra đúng ngày nghỉ cuối tuần, lại có sự tham gia của khoảng 200 đại biểu quốc tế nên hội thơ xuân vẫn không kém phần đông đúc.

Nhiều nhà thơ, văn đến từ hơn 50 nước trên thế giới háo hức nghe thơ, trải nghiệm không gian văn hóa- di tích lịch sử đặc biệt của Hà Nội, của Việt Nam.

ngay tho viet nam5.JPG

 

ngay tho viet nam4.JPG

Nghệ sĩ, du khách quốc tế không ngại trời mưa đã đến tham dự khai mạc Ngày thơ Việt Nam 2019 tại Văn Miếu, Quốc Tử Giám.

 

Với chủ đề “Sông núi trên vai”, Ngày thơ Việt Nam hướng về biên cương, hải đảo của Tổ quốc và kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới (17/2/1979 - 17/2/2019). Tại lễ khai mạc, những hình ảnh các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng với những bài thơ về chủ đề biển đảo, biên giới của chính các tác giả cũng cũng được trưng bày.

Phát biểu khai mạc Ngày thơ trên sân Thái Học, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhấn mạnh: “Tôn vinh thơ ca chính là tôn vinh đất nước, tôn vinh con người, tôn vinh văn hóa Việt Nam. Đây là dịp rất tốt để các nhà thơ trong nước và quốc tế giao hòa và đối thoại, cởi mở, thân thiết với công chúng yêu thơ nhiều thế hệ.

Với chủ đề “Sông núi trên vai”, chúng tôi muốn gửi một thông điệp tâm huyết đến công chúng yêu thơ cả nước: các nhà thơ đặt lợi ích của tổ quốc, của dân tộc, nhân dân lên trên hết.

Tổ quốc và nhân dân là niềm cảm hứng, say đắm, thăng hoa và là trách nhiệm của các nhà thơ Việt Nam.

Đặc biệt, Ngày thơ Việt Nam năm nay chúng ta vui mừng đón nhận 190 các nhà thơ, nhà văn, nhà dịch giả nổi tiếng trên thế giới từ 46 quốc gia đến với chúng ta...”

ngay tho viet nam8.JPG

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu tại Lễ khai mạc sáng 17/2.

 

Đại diện cho các nghệ sĩ quốc tế, nhà thơ Fernando Rendon, Phó Tổng thư ký Hội Nhà Văn Á - Phi - Mỹ La cũng gửi lời cảm ơn tới nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều... và những người yêu thi ca Việt Nam đã làm hết sức mình để có được những hoạt động thi ca trí tuệ thật đẹp. Ông bày tỏ sự mong chờ, ủng hộ để thủ đô Hà Nội trở thành thủ đô của thi ca quốc tế, thủ đô của phong trào thi ca quốc tế...

ngay tho viet nam17.JPG

Nhà thơ Fernando Rendon, Phó Tổng thư ký Hội Nhà Văn Á - Phi - Mỹ La tinh bày tỏ mong muốn ủng hộ thủ đô Hà Nội trở thành thủ đô của thi ca quốc tế.

 

Không chỉ thêm phần phong phú khi có sự tham gia của các đại biểu quốc tế, Ngày thơ Việt Nam năm nay cũng có sự đổi mới so với năm trước đó là sự hoán đổi vị trí của “sân thơ trẻ” và “sân thơ già”. Thay vì diễn ra trên sân Thái Học, “sân thơ trẻ 2019” lại diễn ra tại sân Thái Miếu, và ngược lại, “sân thơ già” năm nay lại diễn ra trên sân Thái Học.

Chủ đề “Mở đường bay phía trước” của “sân thơ trẻ” được lấy cảm hứng và niềm tự hào trước ý chí và nghị lực của những cầu thủ trẻ trong đội tuyển bóng đá Quốc gia. Từ các sáng tác của các nhà thơ được đọc tại sân thơ này đến các tác phẩm sắp đặt với góc thể hiện đa chiều của cả trăm chiếc gương phản chiếu mọi mặt của đời sống đương đại, đến những thiết kế phông nền sân khấu với những góc cạnh mạnh mẽ mà bay bổng đều thể hiện một tinh thần Trẻ, sức sống mãnh liệt của tuổi trẻ thời đại mới, đem lại nhiều hy vọng và kỳ vọng lớn lao.

ngay tho viet nam19.JPG

Phần trình diễn ngẫu hứng, cá tính trên "sân thơ trẻ".

 

Đến với “sân thơ trẻ” năm nay, người yêu thơ được gặp lại những gương mặt thơ trẻ đã hoặc chưa từng xuất hiện vào các năm trước như: Nguyễn Quang Hưng, Đoàn Văn Mật, Nguyễn Anh Vũ, Miên Di, Hoàng Anh Tuấn, Phạm Tú Anh, Nguyễn Thị Kim Nhung, Khúc Hồng Thiện, Ngô Gia Thiên An, Lý Hữu Lương, Trần Nhật Minh, Nguyễn Minh Cường, Bùi Việt Phương...

Cũng như tại sân thơ này, nhiều tiết mục biểu diễn thơ nhạc đặc sắc nhận được sự hưởng ứng cổ vũ của khán giả.

Được biết, sau Lễ khai mạc, trong buổi tối cùng ngày, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ diễn ra đêm thơ chủ đề "Sông núi trên vai" hướng về biên cương Tổ quốc.

ngay tho viet nam3.JPG

Hội thơ còn là dịp gặp gỡ của những bạn thơ, những người bạn lâu ngày mới gặp.

 

Nằm trong chuỗi sự kiện của Ngày thơ Việt Nam, ngày 18/2 tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) sẽ diễn ra đêm thơ quốc tế với sự tham gia của nhiều nhà thơ trong nước và quốc tế. Ngày 19/2, khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII tại thành Xương Giang (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) với sự tham gia của nhiều CLB thơ và đoàn nghệ thuật dân gian đến từ các huyện, thị xã trong toàn tỉnh.

Lễ bế mạc Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV, Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III và Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII sẽ được tổ chức vào tối 20/2 tại Hà Nội.

Một số hình ảnh tại Ngày thơ Việt Nam 2019:

ngay tho viet nam1.JPG
ngay tho viet nam2.JPG
ngay tho viet nam7.JPG
ngay tho viet nam6.JPG
ngay tho viet nam16.JPG
ngay tho viet nam13.JPG
ngay tho viet nam12.JPG
ngay tho viet nam11 (1).JPG

 

ngay tho viet nam10.JPG
tha bong tho2.JPG

 

Nguyễn Hằng

Ảnh, video: Trọng Trinh