Dòng chữ viết trên siêu phẩm "Tiếng thét" hé lộ điều bí mật

(Dân trí) - Dòng chữ viết bằng bút chì trên tranh đã trở thành chủ đề gây tranh cãi trong giới chuyên gia mỹ thuật từ lâu, gần đây, có phát hiện mới xung quanh dòng chữ này.

Dòng chữ viết trên siêu phẩm Tiếng thét hé lộ điều bí mật - 1

Bức họa "Tiếng thét" trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Na Uy

Bức họa này có thể hé lộ về tình trạng sức khỏe tinh thần của danh họa người Na Uy Edvard Munch (1863 - 1944). Bức họa "Tiếng thét" (thực hiện năm 1893) đã trở nên quen thuộc đối với công chúng từ hơn một thế kỷ nay. Tác phẩm cũng khiến giới chuyên gia mỹ thuật không ngừng phân tích, đưa ra những cách hiểu xung quanh một tác phẩm trứ danh.

Nhìn chung, tác phẩm này được xem như một ẩn dụ về sự khủng hoảng, về nỗi giận dữ trong sự tồn tại của con người. Tác phẩm đã đi vào văn hóa đại chúng và còn trở thành cảm hứng cho những biểu tượng cảm xúc emoji. Mới đây, giới chuyên gia hội họa lại đưa thêm một chi tiết ấn tượng mới vào những hiểu biết chung về tác phẩm nổi bật nhất trong sự nghiệp của danh họa Edvard Munch.

Một dòng chữ nhỏ xíu được viết bằng bút chì ở góc trên bên trái của một trong bốn phiên bản của bức "Tiếng thét" đề rằng: "Chỉ có thể được vẽ nên bởi một người điên". Dòng chữ này từ lâu đã là chủ đề của những cuộc tranh cãi, bàn luận trong giới chuyên gia về việc ai là người viết ra dòng chữ này.

Ban đầu, người ta cho rằng dòng chữ này được viết bởi chính danh họa, nhưng về sau, người ta lại cho rằng đó là do một người nào đó khác viết lên. Nhưng một phân tích mới đây được tiến hành bởi các chuyên gia tại Bảo tàng Quốc gia Na Uy tin rằng dòng chữ này thực sự do chính họa sĩ Edvard Munch viết nên.

Bà Mai Britt Guleng, một chuyên gia về các tác phẩm của danh họa Munch, hiện đang làm việc tại Bảo tàng Quốc gia Na Uy, đã nghiên cứu về dòng chữ viết bằng bút chì này từ lâu, sau nhiều năm tháng cùng các cộng sự phân tích chuyên sâu về dòng chữ này, cuối cùng, bà kết luận rằng đây chính là dòng chữ viết tay của danh họa Edvard Munch.

Người ta đã phát hiện ra dòng chữ này từ năm 1904. Bà Guleng tin rằng dòng chữ này có thể tiết lộ nhiều điều về trạng thái tinh thần của danh họa. Các chuyên gia ban đầu cũng tin rằng dòng chữ này đã được ông Munch viết lên tranh hồi năm 1895, sau khi tham gia một cuộc gặp mặt, tại đây, một sinh viên y khoa đã nói rằng tác phẩm "Tiếng thét" chỉ có thể được vẽ nên bởi... một người điên.

Dòng chữ viết trên siêu phẩm Tiếng thét hé lộ điều bí mật - 2

Danh họa Edvard Munch lúc sinh thời

Bà Guleng nhận định: "Hành động viết lên tranh thể hiện nhiều điều, nó vừa là sự hài hước, dí dỏm, vừa là sự thành thật về tình trạng sức khỏe tinh thần bất ổn của ông Munch.

"Ông Munch thực ra rất nghiêm túc trong việc nhìn nhận về tình trạng sức khỏe tinh thần của mình, ông rất đau khổ bởi trong gia đình ông vốn có những thành viên có vấn đề tâm thần, ông rất lo lắng về điều đó và thường cho thấy bản thân ông cũng rất quan tâm tới chuyện này".

Ông Munch đã nhiều lần đề cập lại về cuộc gặp hồi năm 1895 trong những lá thư của mình. Bà Guleng tin rằng danh họa Munch còn bị ám ảnh về bệnh tật sau khi phải chứng kiến người chị gái qua đời vì căn bệnh lao phổi, sau này, mẹ ông cũng suy sụp sức khỏe vì cùng căn bệnh này.

Bà Guleng nhận định đây chính là những dấu hiệu khiến người ta có thể tin rằng danh họa Edvard Munch đã viết dòng chữ bằng bút chì trên tranh, như một hành động hài hước để tự ông đối diện với những chỉ trích xung quanh tác phẩm của ông, cũng như là cách để ông đối diện với những khốn cùng trong nội tâm mình, những vấn đề tâm lý vốn đã xuất hiện ở ông từ thời điểm ấy.

Bà Guleng nhận định: "Đối với ông Munch, việc ông cần phải tự kiểm soát, tự hiểu được mình cũng như cách người khác hiểu về ông rất quan trọng. Dòng chữ bút chì có thể là một hành động khiến ông có cảm giác mình nắm được quyền kiểm soát, bởi những người khác khi ấy đã nói rằng ông bị điên, việc ông viết dòng chữ bút chì lên tranh giống như kiểu: Ừ, tôi sẽ gây cười từ điều họ nói".

Dòng chữ viết trên siêu phẩm Tiếng thét hé lộ điều bí mật - 3

Bức họa "Madonna" trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Na Uy

Nhìn chung, dòng chữ này thường không được quan tâm đến và vốn vẫn được mặc định là do danh họa Munch viết lên tranh, cho tới năm 2008, chuyên gia hội họa người Na Uy - ông Gerd Woll tin rằng đây không phải dòng chữ do ông Munch viết, lúc bấy giờ, những cách nhìn nhận và luồng ý kiến trái chiều mới bắt đầu phân tách ra.

Bà Guleng và các cộng sự đã sử dụng công nghệ để phân tích nét chữ trên tranh với nét chữ của danh họa Munch trong các lá thư để đi tới kết luận rằng đây chính là chữ của ông Munch.

Tới đây, bức họa này sẽ được trưng bày trong tòa nhà mới xây của Bảo tàng Quốc gia Na Uy, nằm ở Oslo, dự kiến công trình khánh thành vào năm 2022.

Tại đây, tác phẩm sẽ được trưng bày bên cạnh những tác phẩm nổi tiếng khác của vị danh họa, như bức "Madonna", "Vũ điệu cuộc sống", "Tự họa với điếu thuốc" trong một phòng trưng bày dành riêng để tôn vinh các tác phẩm của danh họa Edvard Munch.

Nhìn chung, các chuyên gia hội họa nghiên cứu về sự nghiệp của Edvard Munch (1863 - 1944) đều hiểu rằng ông vốn biết rất rõ về những bất ổn trong sức khỏe tinh thần của mình, và Munch càng phải chịu áp lực nhiều hơn bởi cách nhìn nhận của người đương thời đối với vấn đề này, bởi khi ấy người ta vẫn còn nhiều kỳ thị khắc nghiệt.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm