Đón bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt di tích kiến trúc nghệ thuật đền thờ Lê Hoàn

(Dân trí) - Sáng 12/4, tại đền thờ Lê Hoàn, làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa tổ chức lễ hội Lê Hoàn năm 2019 và đón bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt di tích kiến trúc nghệ thuật Đền thờ Lê Hoàn.

Đón bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt di tích kiến trúc nghệ thuật đền thờ Lê Hoàn

Năm 2019 - kỷ niệm 1014 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Đại Hành hoàng đế (8/3 năm Ất Tị 1005 - 8/3 năm Kỷ Hợi 2019). Nhân dịp này, tỉnh Thanh Hóa cũng đã công bố quyết định công nhận điểm du lịch Đền thờ Lê Hoàn, huyện Thọ Xuân.

Đón bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt di tích kiến trúc nghệ thuật đền thờ Lê Hoàn - 1
Người dân và du khách về tham dự lễ hội Lê Hoàn năm 2019.

Trước khi tổ chức chính lễ, tại đền thờ Lê Hoàn cũng đã diễn ra các hoạt động như hội chợ quê, biểu diễn văn hóa, thể dục thể thao...

Lễ hội Lê Hoàn hàng năm được tổ chức nhằm tri ân, tưởng nhớ công lao của Anh hùng dân tộc Lê Đại Hành hoàng đế. Trong những ngày diễn ra lễ hội 2019, đã có hàng vạn người dân, du khách và những người con họ Lê từ khắp mọi miền tổ quốc về tham gia.

Lê Hoàn - người đã có công lao to lớn trong sự nghiệp đánh Tống bình Chiêm ở thế kỷ X, giữ vững nền độc lập và thống nhất quốc gia, tạo điều kiện đưa đất nước ta bước vào thời kỳ phục hưng dân tộc dưới các triều Lý, Trần, Hồ và Hậu Lê.

Lê Đại Hành Hoàng đế, họ Lê, tên húy là Hoàn, sinh ngày 15 tháng 7 năm Tân Sửu (941), tại làng Trung Lập, thuộc Ái Châu (nay là xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân).

Đón bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt di tích kiến trúc nghệ thuật đền thờ Lê Hoàn - 2
Tượng đồng đức vua Lê Hoàn vừa được đúc năm 2018.

Sau khi giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp yên loạn 12 sứ quân, lập lại chính quyền thống nhất, năm 968 Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, lập ra triều Đinh (968 - 979), đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư (Ninh Bình). Năm Tân Mùi (971) Lê Hoàn được giữ chức Thập đạo tướng quân.

Năm Kỷ Mão (979), triều đình Nhà Đinh xảy ra biến loạn. Với tài thao lược của mình, Lê Hoàn đã lãnh đạo nhân dân đánh tan quân xâm lược nhà Tống, giữ yên bờ cõi, góp những viên gạch đầu tiên vào công cuộc xây dựng nên kỷ nguyên Đại Việt huy hoàng.

Sau khi lên ngôi Hoàng đế, ông đã cho đổi niên hiệu là Thiên Phúc, lấy miếu hiệu là Lê Đại Hành Hoàng đế, mở ra triều Tiền Lê (980 -1009) hiển hách, để lại những dấu ấn quan trọng trong lịch sử hàng trăm năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Đón bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt di tích kiến trúc nghệ thuật đền thờ Lê Hoàn - 3
Người dân vào dâng hương tại đền thờ Lê Hoàn.

Đền thờ Lê Hoàn là một di tích nằm trong không gian văn hóa của một làng Việt cổ lâu đời, nơi có cảnh quan thiên nhiên xinh đẹp, đồng ruộng phì nhiêu tươi tốt, con người chuộng nghĩa và giàu truyền thống văn hóa.

Đến đây du khách sẽ được chứng kiến những ngày hội mùa, hội làng, hội đền náo nức, tận hưởng những món ăn đặc trưng của quê hương xứ sở như cốm tiến, bánh lá răng bừa, bánh chưng nung, gỏi cá đồng, xôi nén…

Đặc biệt, hàng năm, ngoài những ngày lễ tiết diễn ra theo mùa, tại khu di tích Đền Lê Hoàn còn diễn ra ba ngày lễ hội lớn, như: Lễ tế, lễ rước kiệu, trò diễn dân gian, lễ cày ruộng tịch điền.

Đón bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt di tích kiến trúc nghệ thuật đền thờ Lê Hoàn - 4
Trong những ngày diễn ra lễ hội, nhiều chương trình nghệ thuật văn hóa đặc sắc được tổ chức.

Những tài liệu, hiện vật còn được bảo tồn trong di tích, gồm: Văn bia, sắc phong, lệnh chỉ, câu đối, đại tự, hương án, khám thờ, tượng pháp, chóe, đĩa, bát cổ…có giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa.

Với kết cấu kiến trúc mặt bằng chữ Công (trước đây là nội công ngoại quốc), có hệ vì kèo đặc trưng: Giá chiêng, chồng rường, con nhị, kèo góc theo lối dầm đỡ chống nóc đã tạo nên một sự liên kết vững chắc đối với các vì cũng như tổng thể ngôi nhà.

Đặc biệt hơn, tại đền thờ còn bảo tồn được hệ thống các mảng chạm khắc được trang trí trong kiến trúc của toàn bộ công trình với đề tài phong phú và đa dạng theo những mô tuýp truyền thống cùng với những bức phù điêu, con giống bằng đất nung của thế kỷ XVII đã tạo nên những giá trị nghệ thuật hết sức đặc sắc của di tích...

Tất cả những giá trị đó là cơ sở khoa học xác đáng để đền thờ Lê Hoàn trở thành di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt.

Đón bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt di tích kiến trúc nghệ thuật đền thờ Lê Hoàn - 5
Lễ trao Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt – di tích kiến trúc nghệ thuật đền thờ Lê Hoàn cho tỉnh Thanh Hóa.

Ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị UBND huyện Thọ Xuân, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích; tiếp tục nghiên cứu các tài liệu, hiện vật và di tích liên quan đến anh hùng dân tộc Lê Hoàn; sưu tầm các truyền thuyết dân gian, phong tục tập quán, dân ca, lễ hội, ẩm thực truyền thống gắn liền với các di tích lịch sử, văn hóa.

Đồng thời, chỉ đạo chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ các hoạt động xây dựng công trình dân dụng của cộng đồng dân cư trên địa bàn, nghiêm cấm không để xảy ra lấn chiếm đất di tích và công trình xây dựng vượt quá chiều cao, ảnh hưởng đến cảnh quan khu di tích; quản lý chặt chẽ và nghiêm cấm việc lợi dụng di tích để có những hoạt động phi văn hóa, mê tín, dị đoan; tiếp tục nghiên cứu các chính sách nhằm nâng cao vị thế của di tích; liên kết, phát triển các tuyến tham quan du lịch.

Duy Tuyên