Đối thoại “nảy lửa” kéo dài gần 3 tiếng giữa lãnh đạo và nghệ sỹ Hãng phim truyện

(Dân trí) - Vào chiều 19/9, Ban lãnh đạo Công ty CP đầu tư và phát triển phim Việt Nam (tên gọi mới của Hãng phim truyện Việt Nam sau khi cổ phần hóa) đã có cuộc đối thoại với cán bộ công nhân viên và báo giới về những lùm xùm liên quan đến việc cổ phần hoá bị phản ứng gần đây.

Căng thẳng từ phần chất vấn đến phần trả lời

Cuộc đối thoại diễn ra trong bối cảnh, nhiều cán bộ công nhân viên chức đang làm việc tại Hãng phim và nhiều nghệ sĩ từng làm việc tại đây lên tiếng phản đối những việc làm của Ban lãnh đạo mới. Cụ thể là chậm trả lương cho cán bộ công nhân viên chức, xáo trộn cơ sở vật chất, vứt bỏ nhiều đạo cụ có giá trị - ý nghĩa lịch sử, sử dụng mặt bằng Hãng phim cho kinh doanh sai mục đích… Ngoài đội ngũ cán bộ công nhân viên chức, sự kiện này còn có sự tham gia của hơn 20 cơ quan báo đài.

Mặc dù theo thông báo, cuộc đối thoại sẽ diễn ra vào lúc 13h30 nhưng mãi đến 14h10 mới chính thức diễn ra. Trước đó, ông Nguyễn Danh Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và phát triển phim Việt Nam yêu cầu các cán bộ công nhân viết viết thắc mắc của mình ra giấy để Ban lãnh đạo tổng hợp trả lời nhưng vấp phải sự phản đối của số đông. Và ông Nguyễn Danh Thắng dù mang danh là Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và phát triển phim Việt Nam nhưng lại không phải là người trực tiếp trả lời thắc mắc của cán bộ công nhân viên và báo giới mà lại là ông Nguyễn Thủy Nguyên - Chủ tịch HĐQT của Tổng Công ty Vận tải thủy (Vivasco), cổ đông chiến lược của Hãng phim. Ông Nguyên khẳng định, mình là người chính thức giải đáp các thắc mắc từ phía cán bộ công nhân viên lẫn báo giới và sẽ trả lời trên tinh thần “nói thẳng, nói thật, cởi mở vì không có gì để giấu”.

Ông Nguyễn Thủy Nguyên – Chủ tịch HĐQT của Tổng Công ty Vận tải thủy. Ảnh: Tùng Long.
Ông Nguyễn Thủy Nguyên – Chủ tịch HĐQT của Tổng Công ty Vận tải thủy. Ảnh: Tùng Long.

Ngay khi bắt đầu cuộc đối thoại, không khí căng thẳng đã bao trùm toàn bộ hội trường. Nhiều nghệ sỹ đã đặt ra những câu hỏi thẳng thắn và trực diện liên quan đến những vấn đề họ chưa được giải đáp thỏa đáng gần đây.

Ông Trần Chí Thành - phòng Đạo diễn thắc mắc rằng: “Chủ tịch giải thích gì về việc dọn dẹp các phòng ban, gom về một phòng để làm gì?”.

Nhiều nghệ sĩ khác cũng thắc mắc, kho đạo cụ, phục trang và vô số huân huy chương gắn liền với lịch sử 60 năm hình thành và phát triển của Hãng phim truyện Việt Nam bất ngờ bị chuyển đến kho của Vivasco nằm ở địa bàn quận Long Biên cách đó 40km mà không hề có sự bàn bạc, kiểm kê và biện pháp bảo quản. Thậm chí, nhiều đạo cụ có giá trị bị vứt đi không thương tiếc. Đạo diễn Nguyễn Đức Việt khi thấy chiếc mũ sắt và chiếc bi đông từng là đạo cụ của nhiều bộ phim về chiến tranh như “Biệt động Sài Gòn” bị vứt vào đống đồng nát đã nhặt về lau chùi lại sạch sẽ và giữ lại tại phòng làm việc ở Hãng phim.

Đạo diễn, diễn viên Quốc Tuấn cũng đặt vấn đề rằng, việc cổ phần hóa nếu không sáng tỏ thì sẽ để lại nhiều hệ lụy. Và ai chắc 90% doanh thu của Công ty CP đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam đến từ phim hay đến từ việc cho thuê mặt bằng từ những lô đất vàng của Hãng phim?

“Hiện nay Hãng phim đang mập mờ trong cách làm việc. Trong bản cam kết ghi một năm chỉ có một phim truyện nhựa và một phim video, tức là chỉ có 2 đạo diễn làm việc. Vậy 8 đạo diễn còn lại có được tính là làm việc hay không? Chúng tôi muốn công việc, muốn cống hiến nhưng anh không cho chúng tôi cơ hội đó. Tôi muốn anh giải thích thế nào là công việc” đạo diễn Quốc Tuấn bức xúc.

Nhiều nghệ sĩ bức xúc trước tình trạng chậm lương, trả lương thấp, không có định hướng làm phim của đơn vị mua lại Hãng phim. Một số nghệ sĩ cho biết, bộ phim “Người yêu ơi” mà Hãng phim đang sản xuất là dự án nhà nước cấp trước khi cổ phần hóa. Vì thế không thể tính là “đã thực hiện một phim điện ảnh trong năm” như họ đã cam kết. Một số nghệ sĩ khác cảm thấy bị xúc phạm khi lãnh đạo mới nói các nghệ sĩ “không chịu làm việc”, “hãy tự đi kiếm việc, tự nuôi nhau, nếu không có việc hãng sẽ tạo điều kiện cho mượn địa điểm để bán bún, bán phở”…

Trước khi cổ phần hóa, đơn vị này tỏ ra quan tâm và hứa hẹn đầu tư máy móc cũng như xây dựng các chương trình quảng bá truyền thông nhưng sau gần 3 tháng cổ phần, lời hứa này vẫn chỉ là lời hứa.

Liên quan đến vấn đề gộp một số phòng ban lại thành một phòng, ông Nguyên cho rằng, tất cả các phòng ban còn lại hiện nay đều ẩm thấp, điêu tàn, không ai sửa chữa và rất nhiều rác. Nếu để như thế cơ quan quản lý môi trường biết họ sẽ phạt?.

“Việc đầu tiên là dọn cho sạch. Việc thứ hai hiện giờ hãng có hai nhà chính, phía trên và phía sau. Nhà chính phía trên phải cải tạo thế nào cho đàng hoàng để sử dụng làm việc. Nhà thứ hai cải tạo để đưa vào làm xưởng sản xuất. Đó là những việc phải làm, lẽ ra phải làm rất sớm, giờ làm còn muộn. Các đồng chí ở đây không ai dọn, thuê người ngoài, tự tay tôi đứng ngoài chỉ đạo dọn. Nếu được sự đồng ý thì phải có rạp chiếu phim. Không thể kinh doanh phim, làm phim mà không ai xem. Toàn bộ dãy nhà ngoài phá đi treo biển quảng cáo, quảng cáo đạo diễn, biên kịch, có đồ đạo cụ làm về chiến tranh…”, ông Nguyên quả quyết.

Giữ lại tài sản của Hãng bị xem là ăn cắp

Trước thông tin các dãy nhà giáp với mặt đường Thụy Khuê đang sang sửa lại để cho thuê mặt bằng kinh doanh dưới dạng ki-ốt với giá gần chục triệu đồng/căn/tháng, ông Nguyên bác bỏ và quả quyết, đến thời điểm này Ban lãnh đạo công ty chưa ký bất cứ giấy tờ nào về việc cho thuê như trên cả nên làm gì có chuyện quán chân gà nướng sắp thuê và mở chình ình ở đấy. Mặc dù trên thực tế, dãy nhà này đang được sang sửa, lắp cửa mới nhưng đại diện lãnh đạo công ty lại cho hay: “Mấy bữa nữa sẽ đập hết, đang có thiết kế mở hết ra phía đó để quảng cáo cho phim”, cụ thể sẽ treo biển to rộng 12m, cao hơn chục mét để quảng cáo phim của hãng.

Đạo diễn Nguyễn Đức Việt trưng hai đạo cụ ông nhặt lại từ đám đồng nát bị vứt đi, lau sạch và giữ lại cho Hãng phim. Ảnh: Tùng Long.
Đạo diễn Nguyễn Đức Việt trưng hai đạo cụ ông nhặt lại từ đám đồng nát bị vứt đi, lau sạch và giữ lại cho Hãng phim. Ảnh: Tùng Long.

Khi bị chất vấn về việc chuyển kho đạo cụ, phục trang mà không có sự giám sát, kiểm kê của cán bộ hãng, ông Nguyên thông tin rằng đã yêu cầu phòng ban liên quan thực hiện việc này, cụ thể có một họa sĩ tổ thiết kế và một họa sĩ phục trang tham gia kiểm kê, xác định đạo cụ nào mục nát, hỏng hóc và đạo cụ nào vẫn còn giá trị sử dụng. Căn cứ vào đánh giá của hai họa sĩ này, phòng tài vụ cử người lập biên bản về việc xuất - hủy.

Tuy nhiên, hai họa sĩ trên không có mặt tại cuộc họp. Về chiếc mũ sắt vẫn sử dụng được mà đạo diễn Nguyễn Đức Việt nhặt về từ hàng đồng nát, ông Nguyên cho rằng, việc rơi ra là trách nhiệm của bộ phận giám sát và kiểm kê, nhưng việc vị đạo diễn này thấy rơi nhưng không “trả lại” mà lau chùi rồi đem về phòng làm việc ở hãng cất là hành động mà: “Nếu tôi nói mất trộm mà nó lại nằm trong tay anh thì anh tính sao?”. Nhiều nghệ sĩ không đồng tình với suy nghĩ này của ông Nguyên. Riêng đạo diễn Nguyễn Đức Việt đáp trả: “Tôi mà không giữ lại thì các bà đồng nát đã mang đi rồi, cuối giờ tôi mới giữ lại, giữ lại tài sản của Hãng mà bị gọi là... ăn cắp!”.

Hơn 3 tiếng đồng hồ không tìm được tiếng nói chung

Trước ý kiến: “Ban giám đốc tìm việc cho anh em hay anh em tự tìm việc làm và tự trả lương. Nếu nói chúng tôi tự tìm việc mà làm thì cần gì phải mời cổ đông chiến lược vào nữa, cần gì các anh giúp đỡ, cần gì nhà đầu tư có tâm, có tầm, có vốn giúp chúng tôi tìm việc để chúng tôi lao động, hưởng đồng lương bằng lao động của chúng tôi?”, ông Nguyên khẳng định, Ban lãnh đạo chưa bao giờ có ý định không trả lương và không thiếu tiền để trả lương. Tuy nhiên, cơ chế trả thế nào.

“Các đồng chí bức xúc cũng đúng thôi vì sống bao cấp gần 60 năm rồi. Các đồng chí cây đa cây đề ở đây, người hơn 2 năm, thậm chí không làm gì vẫn trả lương đều 100% lương, chưa kể phải dành cho các đồng chí phòng làm việc. Tính ra công ty phải trả tiền phòng làm việc hơn 3 triệu đồng/người. 2 tháng chưa thể giải quyết được gì, các đồng chí làm khiến tôi cũng bức xúc. Tôi chưa bao giờ ra mặt nhưng đây là lần ra mặt đầu tiên. Quan điểm, nguyên tắc trả lương là có làm có hưởng, không làm không hưởng. Ví dụ, tại sao, có khi lương bảo vệ, công nhân lại cao hơn lương nghệ sĩ. Nghệ sĩ là từ rất chung chung, đôi khi một số đối tượng cứ quy mình là tập thể nghệ sĩ. Đoàn làm phim “Người yêu ơi”, chúng tôi vẫn trả đầy đủ lương và tăng lương.

NSƯT Quốc Tuấn bức xúc về việc không được trả lương tại Hãng phim truyện. Clip: Tùng Long.

Khi tư nhân cổ phần hóa thì phải công bằng. Có người ba năm không đến cơ quan mà vẫn lĩnh lương, đóng bảo hiểm bình thường thì không thể được, dù chỉ đóng 540 nghìn.

Với đạo diễn, biên kịch… tôi đã họp một lần rồi. Tôi quản lý văn nghệ sĩ đủ kiến thức, tôi không quản lý theo kiểu giờ giấc hành chính 8h phải đến, nhưng nói thế không có nghĩa không có sản phẩm. Tôi đã nói, nếu các đồng chí cần đứng vốn, tôi cho vay, các đồng chí cần làm tôi cùng làm. Các đồng chí có thể mượn nhà, mượn thiết bị, công ty không lấy xu nào. Để làm được việc đó, chúng tôi được phép ra đề hoặc các đồng chí đưa đề lên đây. Các đồng chí viết có được không hoặc nếu chúng tôi ứng tiền để các đồng chí viết thì có ai mua kịch bản của các đồng chí không. Có đồng chí viết từ ngày ấy đến giờ chưa có bộ nào.

Đạo diễn cũng vậy, cố gắng liên hệ khắp nơi để nghiên cứu thị trường làm phim nhưng không thể làm những phim vài người xem mà bỏ ra mấy chục tỷ đầu tư. Chúng tôi không bao giờ làm dại như thế. Khi làm phim đều phải thăm dò thị trường.

Tôi có nói, phải chọn từ âm thanh cho đến diễn viên, công ty sẵn sàng bù lỗ vào những việc này. Ở đây, tôi cũng vận động các đồng chí đạo diễn nhận các đồng chí đạo diễn khác vào làm phó đạo diễn. Còn rất nhiều đạo diễn tên tuổi có khi không chịu làm phó, mà không chịu thì không có lương. Đang trưởng quay phim thì làm phó quay.

Chúng tôi cũng tìm cũng lo chứ. Tôi phải đi các tổng công ty, tập đoàn mạnh, tỉnh nọ tỉnh kia để làm phim như thế nào đó. Tìm các phim ở thời đại này có thể kiếm được tiền. Các đồng chí cũng phải kết hợp với chúng tôi cùng kiếm chứ”, ông Nguyên nhấn mạnh.

Đạo diễn Nguyễn Tuấn Thành cho rằng, ông hoàn toàn nhất trí và mong chờ những điều ông Nguyên nói thành sự thật. Tuy nhiên, đạo diễn này cũng bày tỏ rằng, Hãng phim trước kia làm việc theo cơ chế cũ nên lỗ nhưng những điều cán bộ công nhân viên mong mỏi hiện nay lại chưa được đáp ứng được.

“Việc điều hành do anh Thắng đang làm không phải thế. Ví dụ, không cắt lương ai, ai lên hãng trả lương đầy đủ nhưng anh Thắng lại nói chúng tôi cứ việc ở nhà không phải lên hãng cho tốn điện. Vậy thế nào gọi là làm việc, nếu ở nhà suốt đêm làm kịch bản có được gọi là làm việc không? Chúng tôi nhất trí cải tạo Hãng nhưng mọi việc đều thông qua Ban Giám đốc cũ và anh em không biết. Như tôi đã nói, tôi có 3 dự án, 2 dự án đã tìm được nhà đầu tư, tôi có gọi điện và nhắn tin cho anh Nguyên không được”.

Đạo diễn Quốc Tuấn cũng phản ứng: “Chúng tôi lên tiếng không hẳn vì tiền lương mà vì cách đối xử của lãnh đạo công ty dành cho nghệ sĩ. Tôi làm việc ở phòng đạo diễn nhưng hôm nay chúng tôi mới được gặp anh Thủy Nguyên lần thứ hai. Lần trước, anh Nguyên cũng nói y nguyên như thế này, hứa đời sống của nghệ sĩ sẽ tốt hơn, nhưng sau đó mọi chuyện lại tồi tệ hơn. Trong bản cam kết ghi, một năm chỉ có một phim truyện nhựa và một phim video, tức là chỉ có 2 đạo diễn làm việc”.

Cuộc đối thoại kéo dài tới hơn 3 tiếng đồng hồ trong bầu không khí hết sức căng thẳng, gay gắt và “nảy lửa” nhưng cuối cùng bên phía Ban lãnh đạo và cán bộ công nhân viên vẫn không tìm được tiếng nói chung. Nhiều nghệ sỹ vẫn tỏ ra bất bình và ấm ức trước cách trả lời không thuyết phục của ông Nguyễn Thủy Nguyên.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm