Đọc sách cuối tuần: Những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng dành cho phụ nữ

(Dân trí) - Dưới đây là những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng viết ra để dành cho phụ nữ, để họ đọc ít nhất một lần trong đời.

Cuốn “Pride and Prejudice” (Kiêu hãnh và định kiến) - Jane Austen

Cuốn tiểu thuyết của nữ nhà văn Anh xuất bản năm 1813.

Cuốn tiểu thuyết của nữ nhà văn Anh xuất bản năm 1813.

Câu chuyện nói về tình yêu và hôn nhân của tầng lớp quý tộc Anh đầu thế kỷ 19. Nhân vật nữ chính là Elizabeth Bennet, một cô gái 20 tuổi xuất thân trong một gia đình trung lưu. Nội dung chính của cuốn tiểu thuyết kể về cuộc đối đầu và sau này là cuộc tình giữa Elizabeth và nhân vật nam chính Fitzwilliam Darcy, thuộc tầng lớp quý tộc. Tựa truyện nói về sự kiêu hãnh và những định kiến mà hai nhân vật chính dành cho nhau thuở ban đầu.

Cuốn “Jane Eyre” - Charlotte Bronte

Cuốn tiểu thuyết của nữ nhà văn Anh nổi tiếng, xuất bản năm 1847.

Cuốn tiểu thuyết của nữ nhà văn Anh nổi tiếng, xuất bản năm 1847.

“Jane Eyre” là cuốn tiểu thuyết cảm động kể về cuộc đời một người con gái nghèo, sống ở tỉnh lẻ, vật lộn với gian khó để tự khẳng định mình bằng lao động chân chính. Jane Eyre là hình tượng đẹp của người phụ nữ giàu ý chí, nghị lực và có một tâm hồn cao thượng.

Cuốn “Wuthering Heights” (Đồi gió hú) - Emily Bronte

Cuốn tiểu thuyết của nữ nhà văn Anh, xuất bản năm 1847.

Cuốn tiểu thuyết của nữ nhà văn Anh, xuất bản năm 1847.

“Đồi gió hú” kể về câu chuyện tình không thành giữa Heathcliff và Catherine Earnshaw. Vì tình yêu không thành nhưng cũng không thể nguôi quên đó, sự hận thù nung nấu sinh ra bởi những khúc mắc không được hóa giải cuối cùng đã biến cuộc sống của hai nhân vật chính và những người thân khác xung quanh họ trở nên bi đát.

Cuốn “The Scarlett Letter” (Chữ A màu đỏ) - Nathaniel Hawthorne

Cuốn tiểu thuyết của nhà văn Mỹ Hawthorne xuất bản năm 1850.

Cuốn tiểu thuyết của nhà văn Mỹ Hawthorne xuất bản năm 1850.

Lấy bối cảnh nước Mỹ ở thế kỷ 17, cuốn tiểu thuyết kể về Hester Prynne, một phụ nữ trẻ đẹp bị buộc phải chung thân mang chữ “A” đỏ thắm (viết tắt của từ “Adultery” nghĩa là ngoại tình) thêu trên ngực áo vì cô bị khép vào tội ngoại tình - một tội mà xã hội thời bấy giờ kết án hết sức nghiêm khắc, có thể bị tử hình nếu không có yếu tố khoan dung.

Cuốn “Madame Bovary” (Bà Bovary) - Gustave Flaubert

Cuốn tiểu thuyết bằng tiếng Pháp - “Bà Bovary” - xuất bản năm 1856.

Cuốn tiểu thuyết bằng tiếng Pháp - “Bà Bovary” - xuất bản năm 1856.

Tiểu thuyết “Bà Bovary” kể về một người phụ nữ đã kết hôn nhưng cảm thấy nhàm chán với cuộc sống của chính mình. Như một cách để tăng thêm gia vị cho cuộc sống nhàm tẻ, người phụ nữ ấy đã… ngoại tình.

Cuốn “Anna Karenina” - Leo Tolstoy

Cuốn tiểu thuyết của nhà văn nổi tiếng người Nga Leo Tolstoy xuất bản năm 1878.

Cuốn tiểu thuyết của nhà văn nổi tiếng người Nga Leo Tolstoy xuất bản năm 1878.

“Anna Karenina” - cuốn tiểu thuyết kinh điển viết về tình yêu và ý thức trách nhiệm. Tác phẩm xoay quanh cuộc tình ngang trái giữa nàng Anna xinh đẹp và chàng sĩ quan quân đội đẹp trai Vronsky. Cao trào của tác phẩm bắt đầu khi Anna từ bỏ cuộc hôn nhân không tình yêu để chạy theo tiếng gọi con tim. Nhiều thế hệ độc giả đã đọc, cảm thương và ngưỡng mộ nữ nhân vật chính Anna Karenina.

Cuốn “Little Women” (Những cô gái nhỏ) - Louisa May Alcott

Cuốn tiểu thuyết của nữ nhà văn Mỹ xuất bản năm 1880.

Cuốn tiểu thuyết của nữ nhà văn Mỹ xuất bản năm 1880.

Cuốn tiểu thuyết xoay quanh cuộc sống từ thuở thiếu nữ đến khi đã lập gia đình của 4 chị em nhà March, trong đó, nhân vật chính là cô em út Josephine có tính cách mạnh mẽ đến mức cha thường gọi yêu cô là “con trai của ta”. Tác phẩm là câu chuyện dung dị do phụ nữ viết và viết về phụ nữ, trong đó, độc giả nữ sẽ bắt gặp những chuyện “nhỏ nhặt, đời thường”, thân thương quá đỗi.

Cuốn “Gone with the Wind” (Cuốn theo chiều gió) - Margaret Mitchell

Cuốn tiểu thuyết của nữ nhà văn Mỹ xuất bản năm 1936.

Cuốn tiểu thuyết của nữ nhà văn Mỹ xuất bản năm 1936.

Truyện lấy bối cảnh miền Nam nước Mỹ trong thời kỳ nội chiến. Tác phẩm xoay quanh Scarlett O’Hara, một cô gái miền Nam đầy sức mạnh ý chí và nghị lực. Cô đã tìm mọi cách sống sót qua chiến tranh, vượt lên mọi khó khăn thời hậu chiến để tự mình gây dựng sản nghiệp. Cuộc đời Scarlett O’Hara còn hấp dẫn độc giả bởi những cuộc tình thú vị.

Bích Ngọc
Theo Huffington Post/The Independent