“Đọc sách cùng con” để tránh tác động từ sách ngôn tình

(Dân trí) - “Đọc sách cùng con chứ không phải mua sách cho con đọc”, đó là một trong những gợi ý của TS Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh - Chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con.

“Ngôn tình” có thể hiểu là thể loại văn chương dùng ngôn ngữ để nói về những thiên tình cảm diễm lệ với những tuyến nhân vật đa phần có ngoại hình hoàn hảo. Xuất phát từ thực tế đó, truyện ngôn tình dường như đã trở thành "món ăn quen thuộc" với độc giả trẻ ở Việt Nam trong những năm gần đây. Các đầu sách ngôn tình mỗi lúc một tăng trong danh mục xuất bản hàng tháng của một số nhà sách.

Bản thân sách ngôn tình không có tội. Đây là dòng sách mang tính giải trí cao, chủ yếu đánh vào tâm lý thích một thế giới mộng mơ, đầy kỳ thú mà cũng không kém phần lãng mạn của lứa tuổi mới lớn. Sách ngôn tình cho độc giả thỏa thích phát huy trí tưởng tượng, mở ra những thế giới thần tiên, lạ lẫm.

TS Giáo dục học Nguyễn Thuỵ Anh
TS Giáo dục học Nguyễn Thuỵ Anh

Tuy nhiên việc xuất bản tràn lan các cuốn sách ngôn tình một cách thiếu chọn lọc, đặc biệt là các cuốn “dâm thư” đội lốt sách ngôn tình khiến cho các bậc phụ huynh đặc biệt lo ngại tới tác động xã hội của nó tới con em mình.

Gõ vào Google cụm từ “ngôn tình”, chỉ trong vòng 0,22 giây đã cho ra hơn 1 triệu kết quả. Không ít truyện ngôn tình gắn mác 18+ với những chi tiết dung tục có thể dễ dàng tìm kiếm trên internet. Đáng nói là dòng sách này còn được bày bán công khai ở nhiều kệ sách trên thị trường.

Điều này xuất phát từ sự buông lỏng trong quản lý của các cơ quan chức năng, việc quá chú trọng chạy theo lợi nhuận, doanh thu của một số đơn vị làm sách. Có quá nhiều công ty làm sách liên kết nhưng chỉ tập trung vào khâu bán buôn, nhân sự làm công tác chuyên môn rất thiếu, chỉ có vài Biên tập viên, còn lại là sử dụng cộng tác viên trong khâu bản thảo. Thậm chí ngay cả BTV kiến thức cũng còn quá non nớt.

Khi mà thị trường sách còn quá nhiều kẽ hở như hiện nay thì gia đình, nhà trường hơn lúc nào hết cần vào cuộc để hướng giới trẻ tới văn hóa đọc lành mạnh.

PV

PV Dân trí đã có cuộc trao đổi ngắn với TS Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh - Chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con - người đã có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa đọc xoay quanh vấn đề trên để tìm kiếm những giải pháp giảm thiểu tác hại không mong muốn từ dòng sách này.

TS Nguyễn Thụy Anh cho rằng: Nếu ngay từ ban đầu, giới trẻ được tiếp cận với giá trị văn chương đích thực thì kể cả các em có đọc sách ngôn tình cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều.

Cần thiết phải xây dựng cho các em bộ giá trị sống, bản thân các em sẽ biết tự lựa chọn, sàng lọc cho mình những kiến thức lành mạnh để lĩnh hội.

Nhưng nếu chưa được chuẩn bị vững vàng về mặt tâm lý, ngay lập tức tiếp xúc với những tác phẩm kém chất lượng, tự khắc các em sẽ xây dựng một bộ giá trị khác, chất lượng cảm thụ cuộc sống và văn học của các em bị thấp đi.

PV

Hướng con em mình tới những cuốn sách tích cực là trách nhiệm của các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo và đặc biệt là những người làm sư phạm.

Để trang bị cho các em khả năng tự đề kháng thì ngay từ cấp tiểu học, những năm đầu trung học cơ sở, việc đọc sách của các em phải được quan tâm và đầu sách phải được lựa chọn kỹ lưỡng. Ở thời điểm này bố mẹ vẫn có sức ảnh hưởng rất lớn nên đừng thơ ơ với những gì con cái mình đang đọc.

Đọc sách cùng con chứ không phải mua sách cho con đọc. Khi đọc chúng ta cùng trao đổi, đó là sự giao lưu cảm xúc, chúng ta có thể yên tâm phần nào về những gì con em mình đang tiếp nhận.

Các tác giả, các nhà xuất bản hãy nghĩ đến các em khi làm sách, đó là trách nhiệm công dân của mỗi người. Chúng ta nhắm mắt chạy theo lợi thuận thì cái hại sẽ đến rất nhiều, cái hại đó chúng ta là người hứng chịu đầu tiên.

Phương Nhung - Trọng Trinh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm