Độc đáo thờ hòn đá được đào lên bởi “trai chưa vợ, gái chưa chồng”

(Dân trí) - Hòn đá vía được đào lên bởi 9 chàng trai chưa vợ, 9 cô gái chưa chồng rồi rửa sạch để cúng thần linh và tục tế lễ theo thuyết ngũ hành “tương sinh tương khắc” là những nét độc đáo không thể thiếu trong lễ hội Mường Xia nổi tiếng của đồng bào Thái.

Lễ hội Mường Xia, một trong những lễ hội đã bị mai một hơn 70 năm. Cho đến năm 2010 lễ hội này mới được đồng bào Thái khôi phục lại. Đây là lễ hội mang tính văn hoá tâm linh của đồng bào các dân tộc Thái ở huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) nhằm tri ân với những người có công dựng Mường giữ nước đáp ứng sự mong đợi của nhân dân.

Tương truyền, lễ hội Mường Xia là lễ hội thờ phụng người có công với đất nước là Tư Mã Hai Đào. Vào khoảng thế kỷ XVII tướng quân Tư Mã Hai Đào là người được giao trọng trách bảo vệ vùng biên giới suốt từ Nghệ An đến Sơn La ngày nay. Trong thời gian đánh giặc, trấn ải biên cương. Tư Mã Hai Đào đã cảm thấy gắn bó với mảnh đất vùng cao biên giới có phong cảnh sơn thủy, hữu tình nên ông quyết định chọn Mường Xia xây dựng thủ phủ sống đến cuối đời. Lúc Tư Mã Hai Đào qua đời, người dân đã thiên táng cho ông trên vách núi Pha Dùa.

Lễ tế thần Tư Mã Hai Đào theo thuyết ngũ hành tương sinh- tương khắc
Lễ tế thần Tư Mã Hai Đào theo thuyết ngũ hành tương sinh- tương khắc

Trong lễ hội Mường Xia, người dân đặc biệt không thể bỏ qua việc đào hòn đá vía trên ngọn núi Pha Dùa về thờ ở đền Tư Mã Hai Đào. Hòn đá vía là câu chuyện kể về  Mường Chu Sàn là nơi giao hòa giữa dòng suối Xia, bắt nguồn từ nước bạn Lào, chảy vắt qua núi Lá Hoa hợp với sông Luồng tạo thành ngã ba sông, với cảnh quan “sơn thủy hữu tình”. Nơi đây gắn liền với truyền thuyết chuyện tình Pha Dùa (giữa cô gái Lá Nọi, ở Mường Mìn và chàng trai Mường Chu Sàn), vì bị cha mẹ cấm đoán, cô gái đã cùng chàng trai trốn lên đỉnh núi Pha Dùa cắn ngón tay ăn thề và rồi hai người đã hóa thành đá về với Mường trời để được mãi mãi ở bên nhau. Lúc Tư Mã Hai Đào qua đời, người dân đã thiên táng cho ông trên vách núi Pha Dùa này.

Đối với Mường Xia, người dân vùng biên giới quan niệm rằng, khi còn ở Mường trần gian, tướng quân Tư Mã Hai Đào là người có công thu hút toàn bộ số dân bỏ Mường Xia đi nơi khác ở đều quay về xum họp tại đất Mường Xia. Bởi vậy, khi về với trời ông đã trở thành thần Mường- vị thần giữ vía chung cho cư dân của đất Mường Xia.

Người Thái ở miền Tây xứ Thanh xem lễ hội Mường Xia là lễ hội lớn của dân tộc
Người Thái ở miền Tây xứ Thanh xem lễ hội Mường Xia là lễ hội lớn của dân tộc

Từ đó, mỗi khi trong Mường có con em đi xa, theo phong tục đất mường, bà con lại đem một cái áo của người sắp đi xa đến đền thờ xin thần mường giữ vía cho người xa nhà được khỏe, vía vui, vía an lành để người đi xa được bình an nơi trận mạc. Và, như một điều lạ, tất cả những người xin thần mường giữ vía trước khi đi xa đều bình yên trở về. Cũng từ đó, tất cả mọi cư dân Mường Xia đều gửi vía chung vào một nơi, đó chính là hòn đá vía của lễ hội Mường Xia.

Để tưởng nhớ công ơn của Tư Mã Hai Đào, người dân đã lập đền thờ và tôn vinh như một vị thần giữ vía cho cả Mường. Hàng năm, cứ khoảng vào tháng 2 âm lịch,  người dân nơi đây lại mở hội để tri ân. Họ làm lễ cầu mong ông phù hộ cho dân bản no ấm, mùa màng tốt tươi, vạn vật sinh sôi, nảy nở và vui chơi các trò chơi như ném còn, khặp, khua luống.

Trước ngày tổ chức lễ hội người dân trong vùng thường có tục phải đào hòn đá vía lên tắm rửa sạch sẽ và rước về đền để cúng thần linh. Các con dâng lễ gồm 1 con trâu trắng, 2 con bò, 1 con lợn, 3 con vịt cùng vải vóc thổ cẩm, vòng bạc, bạc nén, rượu cần... chia ra thành 13 mâm lễ để cúng các vị thần linh gồm 5 điểm cúng, mỗi điểm có một nội dung khác nhau nhưng điểm cúng chính là đền Tư Mã Hai Đào.

Những điệu múa gắn liền với chuyện tình của đôi trai gái ở ngọn núi Pha Dùa
Những điệu múa gắn liền với chuyện tình của đôi trai gái ở ngọn núi Pha Dùa
Những điệu múa gắn liền với chuyện tình của đôi trai gái ở ngọn núi Pha Dùa

Trong không gian linh thiêng của đền thờ và các điểm dâng lễ của lễ hội, dưới ánh đuốc bập bùng, mọi người dân và du khách lần lượt tham quan, dâng lễ, đồng thời nghe các lời khấn kèm theo những động tác múa quạt, loan kiếm và những động tác múa uyển chuyển với các dải lụa ngũ sắc, giống như Tướng quân Tư Mã hiện cùng với quân sĩ đang luyện tập binh đao, tả xung hữu đột... để bảo vệ cho Mường xa bản gần có cuộc sống ấm êm hạnh phúc.

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại thì điều đặc biệt của Lễ hội Mường Xia là tế lễ theo thuyết ngũ hành “tương sinh, tương khắc”. Tức tế lễ ở 5 điểm khác nhau, mỗi điểm gắn với một lễ vật, một câu chuyện kỳ bí.

Điểm thứ nhất, ứng với hành kim, được tế lễ dưới chân núi Pha Dùa - nơi nàng Lá Nọi và chàng trai Chu Sàn đã hóa đá về với Mường trời. Điểm hai, ứng với hành mộc, được tế lễ ngay dưới gốc cây gạo cổ thụ trước đền thờ Tư Mã Hai Đào. Đây chính là nơi mà binh lính Tư Mã Hai Đào nghỉ ngơi mỗi khi luyện tập binh mã. Điểm ba, ứng với hành Thủy - nơi giao nhau giữa suối Xia và sông Luồng. Nơi mà Tư Mã Hai Đào cho chôn cất những binh lính đã hy sinh khi chiến đấu bảo vệ biên giới, với mong muốn linh hồn được siêu thoát, mát mẻ… Điểm thứ tư, tương ứng hành Hỏa, cúng tại thao trường nơi binh lính luyện tập võ nghệ, cúng Thần Mường, tức Tư Mã Hai Đào. Điểm cuối cùng mang hành Thổ, cúng tại nơi chôn hòn đá vía của cả Mường.

Tại nơi chôn hòn đá vía, khi hòn đá vía được đào lên phải có đủ chín chàng trai chưa vợ và 9 cô gái chưa chồng rửa đá, rồi bọc vào tấm vải đỏ rước về đền. Sau khi làm lễ xong, chín đôi nam thanh, nữ tú này lại khiêng về chôn ở vị trí cũ và lấy cây xương rồng trồng xung quanh để bảo vệ hòn đá vía và chờ mùa lễ hội năm sau.

Sau phần lễ cúng ở đền, các du khách tập trung tại khu trung tâm lễ hội trước cửa đền để cùng tham gia các trò chơi, trò diễn mang đậm sắc thái văn hóa dân tộc Thái. Mở đầu phần hội, hát múa quanh cây hoa. Cây hoa làm thành nhiều tầng, nhiều màu sắc. Trên cây hoa gắn các hình nông cụ đan bằng tre nứa và hình con chẫu chàng, con cá, ve sầu... Cây hoa là biểu tượng của cây vũ trụ có nhiều tầng mong ước cho vạn vật sinh sôi nảy nở.

Ngoài các trò chơi trò diễn, tục chơi Pha Dùa gắn với truyền thuyết chuyện tình Pha Dùa đã trở thành một nét đẹp truyền thống. Trong hội, trai gái Mường Xia và các Mường khác kéo nhau về dự hội đông vui. Họ đi hội vừa là để tri ân người có công và đây cũng là dịp để tìm hiểu nhau, cầu duyên cầu phúc.

Trong Pha Dùa, từng đôi nam, nữ tay trong tay cùng nhau tâm sự bằng lời khắp tâm tình thủ thỉ mà nồng say như men rượu. Gặp gỡ lần đầu và ưng nhau, họ cùng ra bãi rộng tham dự hội ném còn, trao cho nhau quả còn làm tin, gửi thương gửi nhớ. Tình yêu nhen lên trong ngày hội mở và đã có bao lứa đôi thành vợ, thành chồng. Không chỉ có trai thanh, nữ tú tham dự lễ hội và chơi Pha Dùa, các ông già, bà lão cũng đến đây để cùng nhau ôn kỷ niệm.

Nguyễn Thùy