Thanh Hóa:
Độc đáo phong tục thêu váy đón Tết của thiếu nữ H’Mông
(Dân trí) - (Dân trí) – Thượng sơn vào những ngày cuối năm, đi đến bất cứ bản làng người H’Mông nào cũng có thể bắt gặp hình ảnh thiếu nữ H’Mông tỉ mẩn đan khăn, thêu váy cho mình để đi chơi xuân.
Khác với người Kinh, trước đây, người dân tộc H’Mông thường ăn tết sớm. Ngay khi vụ mùa kết thúc vào tháng chạp âm lịch thì người H’Mông đã ăn Tết cổ truyền. Tuy nhiên, những năm gần đây, đồng bào H’Mông ở Thanh Hóa đã gần như chuyển sang ăn Tết theo người Kinh.
Một nét độc đáo trong phong tục của người H’Mông là phụ nữ phải tự tay đan khăn, thêu thùa tạo thành chiếc váy cho riêng mình trong các dịp lễ Tết hay đi lấy chồng. Nếu vào dịp lễ Tết thì thường mỗi người phụ nữ H’Mông phải làm cho mình ít nhất 2 bộ váy để diện vào những ngày này, còn nếu về nhà lấy chồng, họ phải làm ít nhất 3-5 bộ.
Những cô gái H’Mông ngay khi lên 10 đã được các mẹ, chị dạy cho cách thêu váy. Bởi thế mà khi bắt gặp những cô bé chỉ khoảng 12-13 tuổi thoăn thoắt thêu váy cho mình khiến tôi không khỏi bất ngờ.
Trong cái lạnh se sắt những ngày cuối năm, tôi đi bản làng nào của người H’Mông cũng bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ Mông từ trẻ đến già, trên tay là những mũi kim chăm chút thêu những hoa văn vào chiếc váy của mình. Phụ nữ H’Mông cho rằng từng đường kim mũi chỉ là cả một sự tâm huyết.
Phàng A Như, cô gái H’Mông ở bản Sài Khao (xã Mường Lý) mới chỉ 13 tuổi thôi nhưng em bảo đã biết thêu váy từ khi mới 10 tuổi. Việc tự thêu váy áo cho mình, không phải chỉ là thể hiện việc ăn mặc mà còn chứng tỏ mình đã trưởng thành, là truyền thống của mỗi gia đình người H’Mông.
Những cô bé H’Mông được cho là trưởng thành khi còn rất nhỏ tuổi. Bởi thế mà nạn tảo hôn ở các bản làng người H’Mông vẫn còn tồn tại từ xưa cho đến bây giờ. Chừng 13 tuổi, nhiều cô gái đã được gả về làm vợ. Bởi thế mà những cô bé lên 10 được cho là đã trưởng thành và biết tự thêu thùa thể hiện bản thân đã lớn cũng là điều dễ hiểu.
“Trong năm thì lúc nào rảnh rỗi là chúng em lại mang đồ ra thêu nhưng thường sau vụ mùa, bắt đầu vào tháng chạp là ngày nào cũng phải mang ra thêu để còn kịp cho Tết vì để làm được chiếc váy cho mình, mất rất nhiều thời gian” – A Sung (20 tuổi, bản Sài Khao) tâm sự.
A Sung bảo Những chiếc váy mỏng, đơn giản thì có thể thêu trong 4-5 tháng còn những chiếc váy dày, công phu hơn thì cần đến cả năm trời mới có thể làm xong. Bởi thế mà ngoài những ngày không lên nương, phụ nữ Mông thường cắp bên hông vuông sợi rồi hẹn nhau cùng đan khăn, may váy.
Đúng như A Sung nói, những ngày này, khi tôi lang thang ở các bản người Mông như Ón, Sài Khao, Tà Cóm... huyên Mường Lát thì dường như bất cứ nơi đâu cũng có thể bắt gặp hình ảnh những thiếu nữ H’Mông đang cố gắng hoàn thành sản phẩm của mình để kịp cho Tết. Lúc thì ở góc rừng hay mỏm đá, lúc thì cùng ngồi sưởi ấm bên đống lửa hay ngay cả khi địu con trên lưng và ru chúng ngủ, phụ nữ H’Mông cũng có thể tranh thủ thêu váy cho mình.
Hoa văn của người Mông chủ yếu là hoa văn hình học như: hình chữ nhật, hình vuông, hình thoi, hình xoáy ốc, tùy theo óc tưởng tượng và độ khéo léo của người thêu. Màu sắc chủ đạo là màu hồng, xanh, đen, vàng, tím và đỏ. Từng đường kim mũi chỉ, kích thước trên toàn bộ hoa văn trong mảnh vải được tính toán cẩn thận, vì chỉ cần nhầm một mũi là phải gỡ ra làm lại.
Chiếc thắt lưng, tấm vải che trước váy xà cạp quấn chân là những thứ không thể thiếu. Với người Mông, đây là cách thể hiện ý tứ và sự kín đáo của người phụ nữ.
Cụ Sùng Thị Đua (82 tuổi, xã Trung Lý, huyện Mường Lát) cho biết, phụ nữ Mông rất coi trọng trang phục truyền thống. “Chiếc váy là biểu tượng cho sự duyên dáng, bàn tay chăm chỉ và đức tính cần cù của bất cứ cô gái nào”, cụ Dợ nói. Tối nào rảnh rỗi không phải bung cái bắp, vò hạt lúa thì cụ cũng dành thời gian truyền nghề cho các con, cháu trong nhà. “Ta truyền cho con, rồi các con lại truyền lại cho cháu. Bao đời nay, phong tục của người Mông ta là như thế, không có phụ nữ nào không biết tự thêu váy cho mình cả” – cụ Đua tâm sự.
Nguyễn Thùy