Gia Lai:

Độc đáo nghi lễ cúng rừng của người Jrai

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Khi lúa đầy kho, bà con người Jrai ở Gia Lai lại cùng tổ chức lễ cúng rừng với mong ước một năm bình an, may mắn. Đồng thời, giáo dục cho con cháu chung tay bảo vệ rừng.

Ngày 25/3, bà con người Jrai tại 2 làng O Grang và làng De Chí (xã Ia Pếch, huyện Ia Grai, Gia Lai) đã cùng góp nếp, thịt, ghè rượu để cùng thực hiện nghi lễ cúng rừng bên dòng suối Ia Cor.

Độc đáo nghi lễ cúng rừng của người Jrai - 1

Lễ cúng rừng của người Jrai ở Gia Lai (Ảnh: Phạm Hoàng).

Đây là nghi lễ truyền thống hàng năm nhằm tạ ơn thần rừng đã che chở, cung cấp lương thực, thực phẩm hàng ngày nuôi sống bà con dân làng.

Nhiều năm nay, chính quyền UBND xã, huyện và lực lượng kiểm lâm đã hỗ trợ để lễ cúng rừng thành một hoạt động văn hóa tín ngưỡng, hấp dẫn người dân khắp các huyện lân cận đến tham gia.

Lồng ghép vào chương trình lễ là hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; bảo vệ môi trường sinh thái, gắn kết trong cộng đồng dân cư với lực lượng bảo vệ rừng.

Ngay từ sáng sớm, bà con 2 làng O Grang và làng De Chí đã tấp nập gùi thịt, nếp lên núi Ia Cor để chuẩn bị cho lễ cúng. Người chủ trì buổi lễ này là già làng Siu Tơr (làng O Grang).

Độc đáo nghi lễ cúng rừng của người Jrai - 2

Người dân chuẩn bị cơm lam, gà nướng cho nghi lễ cúng rừng (Ảnh: Phạm Hoàng).

Già Siu Tơr cho biết: "Lễ cúng rừng này được dân làng lưu giữ từ xưa đến nay. Vào dịp tháng 3, dân làng có thời gian rảnh nên thường họp làng để tổ chức nghi lễ cúng rừng. Nhiều năm nay, chính quyền đã hỗ trợ, quan tâm nên lễ cúng rừng cũng tươi vui và hàng trăm bà con, du khách cùng tham dự".

Độc đáo nghi lễ cúng rừng của người Jrai - 3

Già làng nhắc nhở con cháu nâng cao ý thức về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (Ảnh: Phạm Hoàng).

Đối với người Jrai tại xã Ia Pếch, lễ cúng rừng được xem là một lễ lớn, quy tụ tất cả dân làng, từ người già cho tới trẻ em, đàn ông và phụ nữ. Tùy theo điều kiện, lễ cúng được tổ chức với quy mô khác nhau. Vật phẩm không thể thiếu trong lễ cúng là rượu ghè, cơm lam, gà.

Lời khấn trong lễ cúng rừng thường được các già làng truyền miệng qua các đời. Nội dung của lời khấn nhằm cầu mong có dân làng, một năm gặp nhiều may mắn, bình an, không có bệnh tật. Dân làng lên rừng làm rẫy, bắt chuột được thần rừng che chở.

Độc đáo nghi lễ cúng rừng của người Jrai - 4

Lễ cúng rừng thu hút rất đông người dân và du khách tìm hiểu văn hóa bản địa (Ảnh: Phạm Hoàng).

Nghi lễ cúng rừng cũng là dịp để cộng đồng nhắc nhau nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của rừng đối với cuộc sống. Từ đó, gắn kết bà con cùng với chính quyền địa phương, lực lượng lâm nghiệp cùng làm tốt việc giữ rừng. Hơn nữa, thông qua các nghi lễ truyền thống này, giáo dục, truyền lại cho thế hệ trẻ tình yêu với rừng.

"Nhiều năm nay, dân làng hiểu nếu cây rừng mất thì lũ lụt từ trên rừng sẽ đổ xuống phá đồng ruộng, buôn làng. Nắng nóng sẽ làm cho cây lúa không phát triển. Từ đó, không ai dám chặt cây, phá rừng. Dân làng cũng có ý thức chung tay trồng rừng, phủ xanh đồi trọc", già Siu Tơr bộc bạch.

Sau nghi thức lễ cúng, dân làng cùng thưởng thức thịt gà, heo dưới tán rừng già; cùng hòa nhịp múa xoang trong tiếng chiêng rộn ràng, vang vọng giữa rừng.

Ông Đinh Ích Hiệp - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Ia Grai - cho biết: "Người dân địa phương ở đây rất có ý thức giữ rừng. Trong nhiều năm gần đây, bà con đã nhận thức được những lợi ích từ rừng như mang lại nguồn lâm sản phụ dồi dào, tạo môi trường, không khí trong lành. Khi bà con đã hiểu, công tác bảo vệ và phát triển rừng được thuận lợi hơn.".

Độc đáo nghi lễ cúng rừng của người Jrai - 5

Bà con cùng thưởng thức các món ăn truyền thống (Ảnh: Phạm Hoàng).

Trao đổi với PV Dân trí, ông Đào Lân Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai chia sẻ: Nhiều năm qua, huyện rất quan tâm đến các hoạt động tâm linh văn hóa gắn với việc bảo vệ rừng.

Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nhân rộng nghi thức cúng rừng đến các xã, đặc biệt là những vùng nóng về tình trạng xâm hại rừng.

Đồng thời, nhân rộng mô hình giao khoán rừng để người dân phối hợp công tác phủ xanh đồi trọc, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng.