Trà Vinh:

Độc đáo mặt nạ, mão trong sân khấu dân gian của đồng bào Khmer

(Dân trí) - Tại tỉnh Trà Vinh, đồng bào dân tộc Khmer chiếm hơn 30% dân số nên bề dày văn hóa khá phong phú, đa dạng. Trong đó những nghệ nhân chế tác ra mặt nạ, mão rất độc đáo nhằm bổ trợ biểu diễn trên sân khấu dân gian của đồng bào dân tộc Khmer.

Nghệ thuật chế tác mặc nạ, mão phục vụ múa hát của đồng bào Khmer ở tỉnh Trà Vinh còn rất ít nghệ nhân theo nghề, am hiểu nghề. Theo thống kê, hiện tại toàn tỉnh còn hơn chục người biết chế tác mặt nạ.

Nghệ sĩ mang mặt nạ biểu diễn trên sân khấu dân gian của đồng bào Khmer

Nghệ nhân Thạch Ca Ri No, 71 tuổi (ấp Chà Dư, xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) có trên 50 năm chế tác mặt nạ, mão. Đến nay, trong gia đình nghệ nhân Ca Ri No có đến 4 đời tham gia chế tác các nhạc cụ, đạo cụ bổ trợ biểu diễn của đồng bào dân tộc Khmer. Nghệ nhân Ca Ri No cho biết: “Năm 14 tuổi, tôi được cha là một nghệ nhân có tiếng trong làng truyền lại nghề làm các nhạc cụ cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer. Sẵn có máu mê âm nhạc từ nhỏ nên ông học rất nhanh và chỉ trong 6 năm đã trở thành một thợ chế tác nhạc cụ thực thụ”. Ban đầu, ông được cha chỉ làm các nhạc cụ như: đàn cò, đàn gáo, đàn Ta-Kê, trống Chầu, trống Sa dăm, dàn nhạc ngũ âm… Sau đó, ông tự nghiên cứu làm thêm các sản phẩm như: mặt nạ, mão, ngựa nộm, tạc tượng trên gỗ, xi măng, các họa tiết ở các cổng, chánh điện ở chùa…

Độc đáo mặt nạ, mão trong sân khấu dân gian của đồng bào Khmer - 1

Mặt nạ, mão của đồng bào Khmer

Nghệ nhân Ca Ri No cho biết: “Việc chế tác các mặt nạ, mão hết sức khó khăn không phải ai cũng làm được. Đầu tiên phải am hiểu rồi đầu tư làm nhiều công đoạn tỉ mỉ để có được chiếc mặt nạ đẹp đưa lên sân khấu biểu diễn. Hầu hết những người làm nghề đều do cha tuyền con nối và làm theo đam mê vì thu nhập không được bao nhiêu”.

Độc đáo mặt nạ, mão trong sân khấu dân gian của đồng bào Khmer - 2

Mặt nạ Chằn với hình dáng hung tợn

Theo ông Sơn Cao Thắng, giảng viên trường Đại học Trà Vinh: mão, mặt nạ của người Khmer là tác phẩm nghệ thuật độc đáo phục vụ nghệ thuật biểu diễn. Đặc biệt là loại hình múa cổ điển của người Khmer Nam bộ. Trong đó, mão múa có 2 dạng: dáng dính trên tóc và dạng đội đầu. Đối với mặt nạ cũng có mặt nạ kín và mặt nạ hở.

Độc đáo mặt nạ, mão trong sân khấu dân gian của đồng bào Khmer - 3

Mặt nạ, mão gắn với đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào Khmer

Độc đáo nhất là mão múa trong Rô Băm Chunpô (múa chúc mừng), múa Têp Apsor (múa tiên). Đặc trưng của phụ kiện đó là chiếc sừng cong vút được đính trên đỉnh đầu và phụ kiện áp tai người diễn viên múa. Ngoài ra, mão còn được sử dụng cho các vai tiên nữ, công chúa, hoàng hậu trong sân khấu...

Đối với mặt nạ, có rất nhiều loại nhưng đặc biệt nhất có lẽ là mặt nạ Chằn với gương mặt dữ tợn: gặm môi, mắt lồi, xếch, mũi to, miệng rộng có nhe răng nanh… Tùy theo loại chằn (địa vị, sức mạnh, ma thuật) mà nghệ nhân sẽ tạo tác ra các loại mặt nạ cũng có sự khác nhau thể hiện sự độc đáo riêng.

Độc đáo mặt nạ, mão trong sân khấu dân gian của đồng bào Khmer - 4

Độc đáo mặt nạ, mão trong sân khấu dân gian của đồng bào Khmer - 5

Nghệ sĩ mang mặt nạ biểu diễn trong sân khấu dân gian của đồng bào Khmer

Ngoài ra, còn nhiều mặt nạ khác nhau như: mặt nạ khỉ, đạo sĩ, Trư Bát Giới, chú Tễu, Thị Nở…thể hiện sự phong phú trong văn hóa đồng bào Khmer. Những mặt nạ, mão vừa giúp bổ trợ trong nghệ thuật biểu diễn vừa thể hiện văn hóa độc đáo, đa màu sắc của đồng bào Khmer.

Minh Giang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm